"Môi trường đầu tư phải bằng hoặc hơn các nước"

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đặt ra là môi trường, chính sách thu hút FDI của VN phải không thua kém so với các nước trong khu vực.
Tiếp theo Hội nghị Chính phủ với các địa phương, chiều 26/12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 12/2012, thảo luận về đánh giá tổng thể tình hình đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, định hướng chính sách đến năm 2020 và những giải pháp thu hút FDI có chất lượng.

Từ nay đến năm 2020, Chính phủ đưa ra 3 định hướng chung đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài. Cụ thể, cần có quy hoạch, lựa chọn các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường, sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành, từng quốc gia. Thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, doanh nghiệp phụ trợ. Chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, từng ngành, lĩnh vực cũng có định hướng cụ thể.

Để thực hiện được những định hướng trên, Chính phủ sẽ thực hiện nhiều biện pháp, bao gồm sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư; chấn chỉnh, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư; hoàn thiện quy trinh liên quan đến việc kiểm soát máy móc, thiết bị nhập khẩu và môi trường; tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước sau cấp giấy chứng nhận đầu tư; nghiên cứu thành lập Ban Chỉ đạo đầu tư nước ngoài tầm quốc gia để đủ thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Bộ Kế hoạch Đầu tư kiến nghị trong thời gian tới sẽ lựa chọn khoảng 30 tập đoàn xuyên quốc gia về cơ sở hạ tầng, công nghiệp chế tạo để tiếp cận và giới thiệu dự án cụ thể. Việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cũng sẽ được chấn chỉnh, rút kinh nghiệm theo hướng sẽ tập trung xúc tiến thương mại, giới thiệu môi trường đầu tư một cách chủ động, thống nhất, thay vì giao cho các địa phương tự tổ chức như hiện nay.

Thảo luận về báo cáo đánh giá tổng thể tình hình đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, định hướng chính sách đến năm 2020 và những giải pháp thu hút FDI có chất, các thành viên Chính phủ đều thống nhất cho rằng việc đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những tồn tại, chồng chéo trong thu hút đầu tư nước ngoài là rất bức thiết, đặc biệt trong bối cảnh tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng hiện nay.

Báo cáo do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì xây dựng, đã qua nhiều lần dự thảo, xin ý kiến của các Bộ, ngành. Cùng với báo cáo tổng thể này, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về quản lý đầu tư nước ngoài theo hướng tăng lựa chọn, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài đáp ứng những tiêu chí, định hướng cụ thể.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam là rất quan trọng, trong 20 năm qua đã đem lại những thành tựu to lớn, góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.

Tuy trong quá trình thực hiện thu hút đầu tư vẫn còn một số điểm còn bất cập, hạn chế, nhưng chủ trương nhất quán chung được thống nhất cao từ Nghị quyết của Đại hội Đảng đến các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương là không thể không thu hút đầu tư nước ngoài. Quan trọng là phải cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài.

“Nếu không cải cách, đổi mới môi trường thu hút đầu tư thì chắc chắn sẽ tụt hậu, không thể cạnh tranh được trong bối cảnh các nước trong khu vực liên tục có những chính sách cởi mở thu hút đầu tư. Yêu cầu đặt ra là môi trường, chính sách thu hút đầu tư của ta không thua kém so với các nước trong khu vực,” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành cần rà soát để sửa chữa kịp thời những chính sách ưu đãi đầu tư đã không còn phù hợp, tập trung vào các chính sách về phí, thuế, giải phóng mặt bằng.

Trên cơ sở nhất trí với những tiêu chí, giải pháp và định hướng chính sách mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Chính phủ sớm ban hành./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục