Môi trường địa chiến lược ở Thái Bình Dương ngày càng nhiều thay đổi

Theo nhà phân tích độc lập Tess Newton Cain, môi trường địa chiến lược đã và đang thay đổi tại Thái Bình Dương, khiến khu vực này thường xuyên được nhắc tới trong suốt năm 2018.
Môi trường địa chiến lược ở Thái Bình Dương ngày càng nhiều thay đổi ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Theo trang tin eastasiaforum, ngày 19/12, trang tin eastasiaforum đăng bài viết của tác giả Tess Newton Cain - một nhà phân tích độc lập với hơn 20 kinh nghiệm nghiên cứu về Thái Bình Dương.

Tác giả nhận định rằng môi trường địa chiến lược đã và đang thay đổi tại Thái Bình Dương, khiến khu vực này thường xuyên được nhắc tới trong suốt năm 2018, và sau nhiều thập kỷ bị lãng quên, khu vực này lại một lần nữa được phát hiện ra bởi các nhà chiến lược ở Australia, Mỹ và nhiều nơi khác.

Ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận và phân tích. Mặc dù sự can dự của Trung Quốc tại các quốc đảo Thái Bình Dương không phải là điều gì mới mẻ, song sự can dự này ngày càng lớn hơn trong thời gian gần đây.

Một năm đầy những tuyên bố gây bất ngờ đã lên đến mức đỉnh điểm tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Port Moresby (Papua New Guinea) tháng 11 vừa qua.

Trung Quốc đã tăng cường một số mối quan hệ song phương chủ chốt với các quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương, bằng cách để các quốc đảo này tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Bắc Kinh.

Các nước phương Tây đang tìm cách tái khẳng định sức mạnh chiến lược và ngoại giao của mình thông qua một số tuyên bố lớn, bao gồm việc nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus của Papua New Guinea và một kế hoạch đầy tham vọng nhằm cung cấp điện cho 70% dân số quốc đảo này.

[Bản giao hưởng của các nền dân chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập tại vùng New Caledonia hồi tháng 11 cũng là một sự kiện quan trọng trong năm 2018. Từng được định trước trong Hiệp định Noumea năm 1998, cuộc trưng cầu ý dân này đã được mong đợi từ lâu.

Mặc dù kết quả đã được dự đoán trước (vẫn duy trì là một phần của nước Pháp), song cuộc bỏ phiếu này đã làm nổi bật lên hai vấn đề.

Thứ nhất là tỷ lệ người dân đi bỏ phiếu cao (trên 80%), thứ hai là khoảng cách sít sao của kết quả bỏ phiếu (56,4% bỏ phiếu “Không” và 43,6% bỏ phiếu “Có”).

Ngoài một số cuộc biểu tình lác đác diễn ra ngay sau khi kết thúc cuộc bỏ phiếu, cuộc trưng cầu ý dân này diễn ra suôn sẻ và hòa bình. Theo tiến trình đã được vạch ra trong Hiệp ước Noumea, có khả năng sẽ còn hai cuộc trưng cầu ý dân về độc lập nữa, và cuộc bỏ phiếu tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2020.

Năm 2018 cũng chứng kiến vòng thứ 2 của cuộc bầu cử ở Fiji kể từ sau cuộc đảo chính năm 2006. Trong thời gian chuẩn bị bầu cử, mọi sự chú ý để tập trung vào cuộc chiến giữa Thủ tướng Voreqe Bainimarama và Sitiveni Rabuka - lãnh đạo của Đảng Tự do Dân chủ Xã hội.

Ông Rabuka phải đối mặt với vụ kiện liên quan tới cáo buộc gian lận cho tới tận trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Tòa án Tối cao đã bác bỏ kháng cáo chống lại phán quyết ông Rabuka được trắng án của ủy viên công tố.

Đảng Fiji Trước tiên của ông Bainimarama giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và ông tiếp tục giữ chức thủ tướng. Ttuy nhiên, số phiếu mà đảng của ông giành được đã giảm đi hơn 9% so với cuộc bầu cử trước.

Điều đáng chú ý là Quốc hội Fiji hiện có 10 phụ nữ, tương đương 20%, đây là một thành tựu đáng kể đối với khu vực - nơi tỉ lệ nữ trong Quốc hội ở mức thấp nhất thế giới. Đầu tháng 12, các đảng đối lập đã đệ đơn phản đối kết quả của cuộc bầu cử và Tòa án Tối cao sẽ đưa ra phán quyết vào cuối năm nay.

Các hoạt động chính trị trong nước của Australia đã dần gây ảnh hưởng tới các quốc đảo Thái Bình Dương trong suốt năm 2018.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Marise Payne đảm nhận chức Bộ trưởng Ngoại giao thay bà Julie Bishop - một nhân vật nổi tiếng trong khu vực. Công việc đầu tiên của bà Payne là tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo PIF ở Nauru thay cho Thủ tướng mới Scott Morrison.

Sự vắng mặt của ông Morrison thu hút sự chú ý của cả trong và ngoài nước, khiến hình ảnh của Australia tiếp tục xấu đi.

Trong năm 2018, Chương trình lao động mùa vụ có nguy cơ bị ảnh hưởng sau khi các nghị sĩ của đảng Quốc gia và Hiệp hội Nông dân Australia cùng nhau tìm cách thúc đẩy một loại thị thực mới cho lao động nông nghiệp, bất chấp ảnh hưởng xấu có thể xảy ra đối với các mối quan hệ chiến lược với các quốc đảo Thái Bình Dương.

Tình trạng bị chia rẽ liên quan tới vấn đề chính sách tại Canberra là một điểm yếu tồn tại từ lâu, gây ảnh hưởng tới sự can dự của Australia tại Thái Bình Dương. Australia hy vọng rằng Văn phòng Thái Bình Dương mới thuộc Bộ Thương mại và Ngoại giao sẽ giúp cải thiện tình hình.

Cuối cùng, năm 2018 cũng chứng kiến những lo ngại ngày càng gia tăng của những nhà lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương về việc thiếu sự đoàn kết toàn cầu, và tồi tệ hơn nữa là những hành động làm suy giảm tham vọng của khu vực nhằm đối phó với biến đối khí hậu.

Dù là bởi cách hành xử chưa tốt của một số các bộ trưởng hay thất bại trong việc ủng hộ vai trò lãnh đạo toàn cầu của bà Hilda Heine - tổng thống quốc đảo Marshall - và những nhà lãnh đạo khác, những điều này đều cho thấy rằng sự nhẫn nại đối với các đối tác ngoài khu vực đang cạn dần.

Australia còn nhiều việc cần làm nhằm điều chỉnh “trục Thái Bình Dương” và chứng minh những cam kết mới của nước này đối với khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục