Môi trường kinh doanh Đông Nam Á đứng đầu thế giới

Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng môi trường kinh doanh tốt nhất trong Báo cáo thường niên đánh giá môi trường kinh doanh thế giới 2014.

Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng môi trường kinh doanh tốt nhất trong Báo cáo thường niên đánh giá môi trường kinh doanh thế giới 2014 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 29/10.

Đây là năm thứ tám liên tiếp, nền kinh tế thuộc khu vực Đông Nam Á này được WB giữ vị trí đầu bảng. Các vị trí tiếp theo là Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand, Mỹ và Đan Mạch.

Trong tốp 10 nước và vùng lãnh thổ được WB đánh giá là có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất thế giới còn có một đại diện nữa của Đông Nam Á là Malaysia. Trong khi đó, Trung Quốc, nền kinh tế lớn hai thế giới lại tụt năm bậc từ vị trí 91 của năm ngoái xuống vị trí 96.

Các vị trí cuối bảng trong danh sách đánh giá 189 nền kinh tế này thuộc về khu vực châu Phi với các nước Chad, Cộng hòa Trung Phi và Libya. Tuy nhiên, Rwanda, một quốc gia đang nổi lên ở châu Phi, được đánh giá là có môi trường kinh doanh cải thiện tốt nhất từ năm 2005 nhờ những nỗ lực cải cách trong việc đăng ký tài sản và đơn giản hóa các thủ tục giao dịch thương mại và thuế. Nga cũng lọt vào tốp 5 trong hạng mục này.

WB nhận định nhiều nước đang nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong hoạt động kinh doanh. Các nền kinh tế kém phát triển hơn được đánh giá có sự tiến bộ hơn trong lĩnh vực này so với các nền kinh tế lớn, cụ thể trong việc dỡ bỏ những rào cản về thủ tục giấy tờ đối với khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ tính chuẩn xác của báo cáo này. Những người chỉ trích đưa ra ví dụ Haiti, một trong những nước nghèo nhất thế giới, lại được xếp vị trí 67 trong khi Canada, một nền kinh tế phát triển, lại đứng ở vị trí 145.

Tương tự, trong hạng mục bảo vệ các nhà đầu tư, nền kinh tế kém phát triển Sierra Leon lại xếp thứ 22 trong khi Thụy Sĩ, vốn được coi là một đất nước có môi trường kinh doanh tốt, lại xếp vị trí 170, gần cuối bảng. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng bảng xếp hạng của WB mang tính chỉ trích nhiều hơn là khích lệ các nền kinh tế tiếp tục cải thiện.

Chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim đã thành lập một ủy ban độc lập vào năm ngoái để đánh giá Báo cáo thường niên về môi trường kinh doanh thế giới của WB sau khi có những ý kiến chỉ trích báo cáo này đến từ chính những thành viên trong ban lãnh đạo WB.

Báo cáo được thực hiện dựa trên việc thăm dò ý kiến của hơn 10.000 chuyên gia, hầu hết là những người tham gia vào việc hỗ trợ các nhà quản lý hoặc cố vấn cho hoạt động hoạch định chính sách của một quốc gia.

Có 10 tiêu chí để đánh giá về môi trường kinh doanh của một nước như thời gian làm thủ tục giấy tờ để được phép kinh doanh, chính sách tín dụng, chi phí xuất - nhập khẩu một container.../.

Tin cùng chuyên mục