Môi trường kinh doanh xấu đi trong khủng hoảng

Trong tổng số 2.543 doanh nghiệp nhỏ và vừa được điều tra thì có tới 2/3 số doanh nghiệp thừa nhận khủng hoảng toàn cầu có tác động bất lợi đến các điều kiện hoạt động kinh doanh.

Kết quả này được công bố tại hội thảo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam, kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2009” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức ngày 17/9, tại Hà Nội.
Trong tổng số 2.543 doanh nghiệp nhỏ và vừa được điều tra thì có tới 2/3 số doanh nghiệp thừa nhận khủng hoảng toàn cầu có tác động bất lợi đến các điều kiện hoạt động kinh doanh.

Kết quả này được công bố tại hội thảo “Đặc điểm môi trường kinh doanh ở Việt Nam, kết quả điều tra doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2009” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Đại học Copenhagen (Đan Mạch) tổ chức ngày 17/9, tại Hà Nội.

Đây là lần thứ 6 cuộc điều tra về doanh nghiệp nhỏ và vừa được các bên thực hiện và lần này tại 9 tỉnh, thành phố tại Việt Nam là Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Chi phí tăng, tiếp cận vốn khó

Theo TS. John Rand, Trường Đại học Copenhagen, do quá trình khảo sát chủ yếu được thực hiện trong giai đoạn 2007 -2009 (thời kỳ tác động mạnh nhất của cuộc khủng hoảng toàn cầu), nên có đến 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỏi cho biết họ chịu tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới trong năm 2009.

Phần lớn các doanh nghiệp trên đều cho rằng tác động tiêu cực là do môi trường kinh doanh dường như đang xấu đi trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.

Nguyên nhân được đưa ra có thể là do tính dễ bị tổn thương của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trước các cú sốc của thế giới và những tác động của các yếu tố bên ngoài. Đồng thời, khối doanh nghiệp này cũng đối mặt nhiều hơn với các rào cản, bao gồm cả sự sụt giảm của cầu về sản phẩm và sụt giảm về nguồn cung tín dụng.

Theo kết quả của cuộc điều tra, có đến 49% doanh nghiệp cho rằng họ gặp khó khăn tín dụng năm 2009 so với 46% năm 2007. Con số này chỉ là 25% năm 2002.

Báo cáo cũng chỉ ra, gần 75% doanh nghiệp ở khu vực nông thôn gặp khó khăn về tín dụng do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đủ để thế chấp khi các doanh nghiệp này nộp đơn vay từ các nguồn chính thức. Bên cạnh đó, một bộ phận các doanh nghiệp hộ gia đình, các doanh nghiệp đóng tại khu vực thành thị có xác suất gặp khó khăn tín dụng cao hơn so với các loại doanh nghiệp khác.

Từ việc bị từ chối khoản vay tín dụng chính thức, họ đành nghiêng sang “tìm kiếm” vốn từ khoản vay tín dụng phi chính thức nhằm "trụ lại" trong cuộc khủng hoảng.

Theo báo cáo, giai đoạn 2007-2009, có khoảng 86% doanh nghiệp vay mượn từ các nguồn phi chính thức, tức là cứ bốn doanh nghiệp thì có ba doanh nghiệp phải đi vay từ người thân hoặc vay nặng lãi.

Đáng chú ý, khảo sát cho thấy có đến 34% doanh nghiệp vừa và nhỏ phải chi các khoản chi phí phi chính thức trong năm 2009, trong khi con số này chỉ là 26% vào năm 2007. Tuy nhiên, các khoản chi hối lộ bình quân lại rất nhỏ, dao động từ 0,4 - 0,7% tổng doanh thu.

Bên cạnh đó, có đến 21% doanh nghiệp phải chi các khoản chi phí phi chính thức để đối phó với các cơ quan thuế trong năm 2007 và tăng lên 27% trong năm 2009. Có đến 20% doanh nghiệp phải chi các khoản phi chính thức để có được các dịch vụ công, trong khi 10% đưa ra các khoản chi này nhằm có được điều kiện thuận lợi trong đấu thầu để có được hợp đồng của Chính phủ.

“Chi phí tham gia ngành chính thức cao, chi phí tuân thủ pháp luật lớn và các khoản thuế suất khắc nghiệt có thể khiến các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dưới hình thức phi chính thức nhằm giảm chi phí,” ông Finn Tarp, thành viên của tổ khảo sát cho biết.

Doanh nghiệp nhỏ thích ứng tốt hơn


TS. John Rand cho biết, trong giai đoạn khủng hoảng có đến 393 doanh nghiệp (chiếm 19,4%) phải tạm ngừng hoạt động. Điều này không có ở những lần điều tra trước. Nguyên nhân được đưa ra là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, sản phẩm chất lượng thấp, chi phí sản xuất quá cao, khó khăn trong việc có được đầu vào, không có đơn đặt hàng…

Báo cáo cho biết, nếu xét theo quy mô, các doanh nghiệp vừa chịu tác động của khủng hoảng nhiều nhất (với tỷ lệ trả lời có là 83,9%), kế đó là doanh nghiệp nhỏ (78,9%) và siêu nhỏ (58%). Xét theo loại hình doanh nghiệp, các công ty TNHH chịu ảnh hưởng nhiều nhất (82,7%), còn các hộ gia đình chịu ảnh hưởng ít nhất (chỉ 57,8%).

Tỷ lệ sống sót hằng năm của doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng giảm xuống, từ mức 94% của năm 2007 xuống còn 91,6% trong năm 2009. Tuy nhiên, tỷ lệ 9-10% doanh nghiệp thoát khỏi thị trường không đáng nghiêm trọng, bởi theo các chuyên gia nghiên cứu đây cũng là tỷ lệ phổ biến ở các nước đang phát triển.

Đặc biệt đáng chú ý là trong khi các doanh nghiệp vừa kêu khó thì có đến 12% doanh nghiệp siêu nhỏ được hỏi cho biết, khủng hoảng đã tạo ra cơ hội cho họ trong việc thu về các lợi ích tiềm năng. Các doanh nghiệp này cho biết, lợi ích của khủng hoảng là đầu vào rẻ hơn, cạnh tranh bớt gay gắt hơn và thời gian này có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tốt hơn của Chính phủ.

Gần hai phần ba doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng là tạm thời, chỉ 15% tin cuộc khủng hoảng sẽ có tác động lâu dài đến hoạt động kinh doanh trong tương lai./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục