Mong đợi gì từ chính sách của tân tổng thống Ukraine Zelensky?

Một nhà phân tích cho rằng tuyên bố ban đầu của ông Zelensky không tạo ra được nhiều lý do để mong đợi vào bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách đối nội của đất nước, ít nhất là trong thời gian tới.
Mong đợi gì từ chính sách của tân tổng thống Ukraine Zelensky? ảnh 1Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (thứ 2, phải). (Nguồn: THX/TTXVN)

Tân Hoa xã đưa tin Diễn viên-chính trị gia Volodymyr Zelensky, người đã đắc cử tổng thống Ukraine ngày 21/4, đã nhậm chức hồi tuần trước.

Ông Zelensky lên nắm quyền trong bối cảnh dư luận kỳ vọng rất nhiều vào những chuyển biến tích cực ở trong nước dưới nhiệm kỳ của ông, được phản ánh rõ nét bởi tỷ lệ ủng hộ cao kỷ lục dành cho ông, chiếm 73% phiếu bầu, trong vòng bầu cử thứ hai.

Rõ ràng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Zelensky sẽ có những ý nghĩa quan trọng đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Ukraine bởi bối cảnh chính trị đất nước chắc chắn sẽ thay đổi.

[Động thái đầu tiên Tân Tổng thống Zelensky trên sân khấu chính trị]

Quyết định đầu tiên của tân Tổng thống Ukraine là giải tán Quốc hội và tổ chức bầu cử sớm vào tháng Bảy tới.

Không có gì ngạc nhiên khi đội ngũ tranh cử của ông Zelensky trước đó từng tuyên bố rằng Quốc hội có thể bị giải tán.

Tuy nhiên, rất khó có thể dự đoán các bước đi tiếp theo của ông Zelensky do không có nhiều thông tin chi tiết liên quan đến đường hướng chính trị của ông.

Volodymyr Volya, một nhà phân tích tại Viện Phân tích và Quản lý Chính sách Ukraine, chia sẻ với hãng tin Tân Hoa xã: “Chính quyền của ông (Zelensky) vẫn chưa được thành lập, do vậy, cần phải giải quyết nhiều vấn đề về tổ chức, và chỉ khi đó, một số quyết định và ý định mới được công bố.”

Ông Volya cho biết những tuyên bố ban đầu của ông Zelensky không tạo ra được nhiều lý do để mong đợi vào bất kỳ thay đổi nào đối với chính sách đối nội của đất nước, ít nhất là trong thời gian tới.

Ông nói: “Những ý định duy nhất đã được công bố là bãi bỏ quyền miễn trừ của Quốc hội, sửa đổi luật bầu cử và tái thi hành các hình phạt đối với tội làm giàu bất hợp pháp. Tất cả những câu hỏi khác vẫn còn đầy mơ hồ."

Ông Zelensky lên nắm quyền vào thời điểm Ukraine đang đạt được sự phục hồi kinh tế yếu ớt và sự cải thiện dần dần cuộc sống của người dân, được thúc đẩy bởi những cải cách kinh tế liên tục.

Tuy nhiên, cuộc xung đột vũ trang ở miền Đông đất nước, vốn đã bước sang năm thứ sáu hồi tháng Tư vừa qua, vẫn là một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định quốc gia và là bài kiểm tra quan trọng đối với tân tổng thống.

Trong bài phát biểu nhậm chức, ông Zelensky cho biết chấm dứt tình trạng thù địch chính là ưu tiên hàng đầu của ông, nhưng hiện vẫn chưa rõ ông sẽ làm gì để giải quyết xung đột.

Oleksandr Musienko, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu quân sự và luật pháp, cho rằng ông Zelensky sẽ tiếp tục giải quyết cuộc đối đầu thông qua các nỗ lực ngoại giao quốc tế.

Ông Musienko nói: “Trong các vấn đề giải quyết hòa bình ở Donbass, chúng tôi không mong đợi bất kỳ bước đi và thay đổi mạnh mẽ nào của định dạng Minsk hay định dạng Normandy.”

Đồng thời, ông lưu ý rằng Ukraine có thể yêu cầu Mỹ và Anh tham gia vào định dạng Normandy (đề cập đến các cuộc đàm phán cho một giải pháp hòa bình ở Ukraine), hiện bao gồm Ukraine, Nga, Đức và Pháp.

Trong khi đó, Ihor Markevych - một chuyên gia tại công ty tư vấn Amigo Partners - bày tỏ hy vọng ông Zelensky sẽ bắt đầu đàm phán trực tiếp với Nga về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng bất chấp khả năng quan hệ giữa Kiev và Moskva có thể tan băng dưới thời Tổng thống Zelensky, song đường hướng của Ukraine trong việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dường như sẽ không thay đổi.

Ông Markevych nói: "Mục tiêu hợp tác với NATO và EU đã được quy định trong Hiến pháp Ukraine, và do đó, mọi thay đổi là không thể nếu không sửa đổi Hiến pháp. Ngoài ra, người dân chủ yếu cũng ủng hộ phong trào hướng tới EU và NATO."

Chia sẻ với Tân Hoa xã, Liliya Brudnytska - một nhà phân tích tại trung tâm nghiên cứu chính trị Vybir - cho biết có những điều kiện tiên quyết để Ukraine có thể quay trở lại với một chính sách đối ngoại cân bằng dưới thời Tổng thống Zelensky.

Bà nói: “Hội nhập châu Âu có lẽ không còn là hướng đi duy nhất để hạn chế không gian vận động của Ukraine trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Tuyên bố của ông Zelensky cho rằng ‘châu Âu ở trong đầu chúng ta’ có thể đồng nghĩa với một chính sách đa chiều, ám chỉ việc phát triển mối quan hệ thân thiện với tất cả các nước."

Khi bình luận về mối quan hệ tương lai của Ukraine với NATO, bà lưu ý rằng ông Zelensky nên tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc có nên gia nhập tổ chức này hay không.

Bà nói: "Câu hỏi về mối quan hệ NATO-Ukraine có thể sẽ được đưa ra để trưng cầu ý dân, nhưng đây là một viễn cảnh lâu dài hoặc trung hạn"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục