"Mong manh" và "yếu đuối" như người tiêu dùng Việt Nam

Đa số người tiêu dùng không khiếu nại khi gặp hàng kém chất lượng vì sợ mất thời gian, khoảng 90% số được khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào.
"Mong manh" và "yếu đuối" như người tiêu dùng Việt Nam ảnh 1Người tiêu dùng ngại khiếu nại khi gặp hàng kém chất lượng vì nghĩ mình đơn độc. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một cuộc khảo sát về thực trạng khiếu nại của người tiêu dùng Việt Nam khi trở thành nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… cho thấy, một tỷ lệ rất lớn người tiêu dùng có những trải nghiệm tiêu dùng không tốt. Tuy nhiên, đa số người tiêu dùng lại không thực hiện việc khiếu nại do sợ mất thời gian.

Đây là vấn đề thu hút đông đảo ý kiến người tham dự hội thảo “Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và các vấn đề giải pháp” diễn ra sáng 12/3 tại Hà Nội.

Theo kết quả khảo sát trực tuyến với trên 1.200 người do Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện, có đến 46% người được khảo sát cho biết đã từng mua phải hàng kém chất lượng, số lượng so với quảng cáo; 40% mua phải hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng; khoảng 30% số người tham gia khảo sát đã mua phải thực phẩm hết hạn, ôi hỏng, mua phải hàng giả hàng nhái… và trên 27% số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử “không tốt” hoặc “rất không tốt”.

[Giá của một con ruồi trong chai nước]

Tuy nhiên, kết quả khảo sản cũng cho thấy, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ người thực hiện việc khiếu nại, nguyên nhân quan trọng nhất là sợ mất thời gian, do không tin vào những cơ chế khiếu nại, khiếu kiện có sẵn và do cảm thấy mình đơn độc… Đáng chú ý, có tới 90% những người tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào.

Trước thực trạng này, ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Nhóm làm việc Vì sự tham gia của người dân (PPWG) cho rằng, Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định “Bảo vệ người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội” nhưng các cơ quan Nhà nước cần được nhắc nhở để thực hiện trách nhiệm này tốt hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) lại cho rằng người tiêu dùng cần ý thức rõ về việc liên kết để tự bảo vệ quyền cho mình.

“Người tiêu dùng ở thế yếu khi đơn độc nhưng ở thế mạnh khi là số đông. Phong trào tẩy chay của người tiêu dùng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, dịch vụ kém chất lượng còn tác động mạnh hơn cả chế tài xử phạt bởi hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều,” ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

[Tránh những sai lầm đáng tiếc khi đương đầu với nhà sản xuất]

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc liên kết người tiêu dùng và đại diện người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của họ, bà Phạm Quế Anh, Giám đốc tổ chức Tín thác và Đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS) cho rằng, Nhà nước không nên chỉ cho phép các cá nhân khởi kiện như quy định trong Luật bảo vệ người tiêu dùng mà cần trao quyền cho các hiệp hội được đại diện cho tập thể người tiêu dùng khởi kiện. Đặc biệt, cơ quan giải quyết vụ việc đều phải xử lý dù giá trị của sản phẩm đó có thấp đến đâu.

“Các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp vào ngân sách nhà nước chung chung như hiện nay mà phải được trả lại cho người tiêu dùng một cách thiết thực thông qua các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng”, bà Phạm Quế Anh kiến nghị.

Năm 2014, Hiệp hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp khiếu nại, trong đó các trường hợp khiếu nại được hội hỗ trợ giải quyết thành công là khoảng 80%. Đây thực sự là một con số chưa phản ảnh được hiện trạng thiệt hại hiện nay của người tiêu dùng do tâm lý ngại khiếu nại vẫn phổ biến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục