Từ dinh thự tới nhà tù

Morsi: Từ nhà tù tới dinh tổng thống, và đâu nữa?

Mohamed Morsi, người vừa bị lật đổ, là 1 người Hồi giáo không lạ gì thế giới ngầm trong chính trị và từng vượt ngục 30 tháng trước.
Tổng thống được bầu dân chủ và tự do đầu tiên của Ai Cập, Mohamed Morsi, người vừa bị lật đổ trong một cuộc đảo chính hôm 3/7, là một người Hồi giáo kỳ cựu không lạ gì thế giới ngầm trong chính trị và từng vượt ngục chỉ 30 tháng trước. Trong khi quân đội đang vây ráp hàng trăm đồng chí của ông thuộc tổ chức Anh em Hồi giáo, hiện ông Morsi ở đâu vẫn là điều bí ẩn (có tin nói ông đang bị giữ ở trụ sở Bộ Quốc phòng). Suốt ba thập kỷ trước đó, ông đã lãnh đạo tổ chức bị chính quyền Hosni Mubarak đặt ra ngoài vòng pháp luật này đấu tranh để “giải phóng” Ai Cập. [Quân đội Ai Cập xác nhận đang giữ Tổng thống Morsi] Morsi lần đầu xuất hiện trên sân khấu chính trị năm 2000 khi ông đắc cử vào quốc hội với tư cách một ứng cử viên độc lập cho phong trào Anh em Hồi giáo bị cấm hoạt động chính trị dưới thời Mubarak. Trong 12 tháng làm tổng thống Ai Cập, ông đã chứng kiến quá nhiều sóng gió và bất ổn lên tới đỉnh điểm vào ngày 30/6 khi hàng triệu người xuống đường cáo buộc ông đã không giữ lời hứa sẽ trở thành “một tổng thống của toàn bộ nhân dân Ai Cập” và gây thất vọng cho những người đã gây ra cuộc cách mạng 2011. Ông Morsi đã cố giữ quyền lực cho tới cùng, khẳng định tính hợp pháp của cuộc bầu cử mà ông thắng cử tháng Sáu năm ngoái khi ông đánh bại một số đối thủ đối lập. Nhưng ông phải làm điều đó qua những thông điệp ghi âm từ trước phát trên Internet hay phát hình trên các kênh truyền hình độc lập. Đó rõ ràng là một bước lùi lớn so với sự chào đón nồng hậu mà ông nhận được từ đám đông ở quảng trường Tahrir tại Cairo không tới 13 tháng trước, khi Morsi được coi là thủ lĩnh của cái gọi là cuộc cách mạng thắng lợi. Sau cuộc "cách mạng" lật đổ chế độ Mubarak, phong cách không chính thức và kiểu nói chuyện gần gũi của ông ban đầu được tán thưởng. Nhưng khi ông phát biểu hôm 2/7, bài phát biểu của ông với tư cách tổng thống tại vị, hàng chục nghìn người đã la ó dữ dội, cũng từ quảng trường Tahrir. Morsi thực ra không phải là lựa chọn số một cho ghế tổng thống của phong trào Anh em Hồi giáo. Người được lựa chọn là Khairat El-Shater, nhưng Shater bị cấm tranh cử vì từng phải lãnh án tù trong quá khứ. Morsi từng bị giam, nhưng chưa bị kết án và chỉ là người phát ngôn của phong trào vào năm 2010, một vị trí không cao nhưng giúp ông được công chúng biết đến. Morsi bị bắt vào ngày 28/1/2011, ngày mà phong trào Anh em Hồi giáo bắt đầu cuộc biểu tình công khai chống Mubarak. Đó không phải là lần đầu ông ngồi tù. Morsi từng ở trong trại giam bảy tháng vào năm 2006 vì tham gia biểu tình ủng hộ các thẩm phán có đầu óc cải cách. Ông trở thành một trong vài chục tù nhân Hồi giáo được thả ra trên khắp đất nước khi chế độ Mubarak sụp đổ. Thất bại của Morsi trong việc giải quyết những bất ổn về an ninh cũng như ảnh hưởng tồi tệ lên nền kinh tế Ai Cập vì ngành công nghiệp bị ngưng trệ do bất ổn chính trị là nguyên nhân chính dẫn tới sự phẫn nộ của người dân. Rất nhiều người đã thiệt mạng vì bạo động chính trị sau khi chế độ Mubarak sụp đổ, tình trạng tội phạm cũng phổ biến hơn, khiến cho những hy vọng rằng Mùa xuân A-rập sẽ mang tới một nước Ai Cập phồn thịnh hơn đã tan biến.
Morsi: Từ nhà tù tới dinh tổng thống, và đâu nữa? ảnh 1
Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Morsi cũng đã duy trì lời hứa về việc giữ nguyên hiệp ước hòa bình mà Ai Cập ký với Israel năm 1979, dù ông có bày tỏ sự thông cảm với tổ chức Hamas đang kiểm soát dải Gaza. Ông cũng giữ nguyên những mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Washington giúp Ai Cập được nhận 1,3 tỷ USD tài trợ quân sự. Ông Morsi có bằng tiến sỹ từ Đại học Nam California, nơi ông cũng là trợ lý giáo sư vào năm 1982. Ông tốt nghiệp đại học với bằng kỹ sư ở Đại học Cairo năm 1975. Morsi đã kết hôn, có năm con và ba cháu./.
Trần Trọng Hải Minh

Tin cùng chuyên mục