Một gia đình người Mông có 3 người con học đại học

Người H'Mông ở thôn Đồng Hẻo, Yên Bái rất tự hào khi trong thôn có gia đình ông Sùng Ga Ninh có tới 3 người con được học lên Đại học.
Vượt quãng đường núi quanh co gần 70 km, cuối cùng chúng tôi cũng đến được xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn (Yên Bái)... Tiếp tục gần 2 giờ đồng hồ ngược dốc lên Đồng Hẻo, một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Cát Thịnh, câu chuyện giữa chúng tôi và ông Hứa Văn Giáp - Phó chủ tịch xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cứ xoay quanh cái khó ở mảnh đất này.

Đó là những năm 90, cán bộ xã và huyện cứ vận động người dân hạ sơn được vài hôm là họ lại dắt díu nhau trở về nơi cũ. Họ đi bộ cũng giỏi, từ thôn Đồng Hẻo lên làng Lao phải 30km đường rừng mà chỉ một ngày đã lên đến nơi, còn cán bộ phải đi mất hơn một ngày. Vậy là người dân cứ bỏ về, cán bộ xã và huyện lại phải lên vận động họ trở lại.

Ông Hứa Văn Giáp - Phó chủ tịch xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ nhiều lúc tưởng phải buông xuôi, bỏ cuộc, vậy mà chúng tôi đã làm được. Sau gần 20 năm hạ sơn, đến nay thôn đã có 68 hộ dân an cư lạc nghiệp, Đồng Hẻo hôm nay đã khác xưa rất nhiều... Có một điều trăn trở, việc đưa “cái chữ” đến với vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã rất khó, nhưng để con em nơi đây học lên cao lại càng khó hơn.

Thế nhưng, một điều khiến người dân nơi đây rất phấn khởi và tự hào, vì giờ đây ở thôn Đồng Hẻo đã có một gia đình người H'Mông có tới 3 người con trai lần lượt thi đỗ vào các trường đại học… Đó là gia đình ông Sùng Ga Ninh, đây cũng là gia đình người Mông đầu tiên ở Đồng Hẻo có con được vào đại học...

Rót chén rượu ngô thơm nồng mời khách, ông Sùng Ga Ninh tâm sự các con ông vắng nhà hết rồi, đứa xây dựng gia đình, đứa thì đi làm, đi học... Bây giờ chỉ còn ông và vợ là bà Hờ Thị Pla ở nhà, mọi việc từ làm nương rẫy, ruộng vườn, việc nhà, kiếm tiền cho các con ăn học đều tự hai ông bà lo liệu, vất vả nhiều, nhưng ông luôn tự hào về các con của mình.

Biết được nỗi vất vả của bố mẹ, các con của ông Ninh không phụ lòng mong đợi của bố mẹ, rất chăm chỉ học. Lần lượt 3 người con trai thi đỗ vào các trường đại học, nay đã có 2 người ra trường có công ăn việc làm ổn định.

Đầu tiên là anh cả Sùng A Mang, tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, hiện Mang cùng với vợ công tác ở tỉnh Điện Biên; người em thứ hai là Sùng A Thông, tốt nghiệp Đại học Văn hóa Hà Nội, đang làm việc tại Trung tâm văn hóa tỉnh Yên Bái và Sùng A Dơ đang học năm thứ 3 tại Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội…

Ông Sùng Ga Ninh cho biết thêm để nuôi ba người con học đại học, ông đã phải rất vất vả, chăn nuôi, trồng trọt, chắt chiu dành dụm từng đồng. Có thời điểm cùng một lúc 3 người con cùng học đại học, không lo đủ tiền cho các con ăn học ông phải bán trâu bò ...

Có nhiều người nói rằng cố cho con cái học cao để làm gì, nhưng ông vẫn quyết tâm chắt chiu làm thêm kiếm từng đồng. Ngoài việc chăn trâu bò, ông còn nhận trông coi hàng chục hécta rừng và ngô, 2 ao thả cá để lo cho các con…

Bữa cơm đạm bạc hàng ngày chỉ có bát rau rừng, nhưng ông bà Ninh vẫn cảm thấy vui và hạnh phúc. Mỗi khi nhớ các con ông bà lại ngồi bên bếp lửa nói chuyện với nhau về các con, về những khó khăn đã và đang phải trải qua, rồi ngắm nhìn những thành tích, những kỷ vật của các con treo lên tường…

Là người con trai thứ, mỗi khi về thăm nhà, Sùng A Thông luôn được người cha nhắc nhở phải cố gắng phấn đấu làm tốt công tác và giữ đoàn kết với đồng nghiệp, học tập người anh Sùng A Mang làm người có ích cho xã hội…

Sùng A Thông là cán bộ Trung tâm văn hóa tỉnh Yên Bái hiểu rằng bố mẹ ở nhà rất vất vả, nên dù công việc ở cơ quan rất bận rộn nhưng hàng tuần anh vẫn thường xuyên về nhà thăm và giúp bố mẹ việc nhà, làm nương rẫy.

Khi đang học đại học tại Hà Nội, biết bố mẹ không đủ tiền nuôi các anh em nên anh vừa học vừa đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống… Khó khăn là vậy thế nhưng thành tích học tập của A Thông vẫn nằm trong danh sách những sinh viên đứng đầu.

Sau khi ra trường, A Thông đã được Trung tâm văn hóa tỉnh Yên Bái nhận vào làm việc. Trong quá trình công tác anh luôn được cơ quan đánh giá là một người có năng lực, có lòng nhiệt huyết với công việc…

Noi gương các anh, em trai út là Sùng A Dơ đang nỗ lực học tập để theo đuổi ước mơ của mình. Hiện nay A Dơ đang là sinh viên trường Đại học Thăng Long, Hà Nội. Ngày chúng tôi đến thăm gia đình đang trong kỳ nghỉ hè song không gặp được A Dơ bởi A Dơ phải đi kiếm tiền lo cho đầu năm học mới sắp bắt đầu.

Ông Hứa Văn Giáp - Phó chủ tịch xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết việc đầu tư cho con cái học hành ở vùng thấp đã là khó, song ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số lại càng khó khăn hơn.

Đặc biệt đối với người H'Mông, như gia đình ông Sùng Ga Ninh ở thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh, tất cả vì con cái, những khó khăn, vất vả đó đã được đền đáp bởi sự thành đạt của các con ông. Đây là tấm gương gia đình hiếu học đáng để cho người dân Đồng Hẻo học tập, noi theo./.

Tuấn Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục