Một hồn thơ đích thực

Nhớ về Tế Hanh - Một hồn thơ đích thực

Thơ Tế Hanh có chút lay động khắc khoải mà lại rất hồn nhiên, không làm điệu, không lớn tiếng, cũng không vặn vẹo, khiên cưỡng.
Ngày học phổ thông trung học, lần đầu đọc thơ Tế Hanh tôi đã bị ám ảnh bởi những câu: “Tôi con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng.”

Mới đầu đọc tưởng như không có gì, nhưng về sau chiêm nghiệm lại, thì ra những câu thơ “ngơ ngẩn” ấy hóa ra lại có rất nhiều. Trong thơ có chút lay động khắc khoải mà lại rất hồn nhiên của tâm hồn thi sĩ, không làm điệu, không lớn tiếng, cũng không vặn vẹo, khiên cưỡng.

Tôi tâm phục nhà thơ Tế Hanh suốt đời vẫn giữ nguyên được phẩm chất và phong cách đã hình thành nên từ thuở ban đầu này. Đó cũng chính là sức thu hút bền lâu mà dung dị của thơ Tế Hanh. Độc giả nào đã đến với anh thì ở lại trung thành với hồn thơ anh mãi mãi.

Anh là một thi sĩ đích thực! Chất thơ trong anh là một chất thơ đích thực, như vàng ròng của thơ, không pha tạp! Trong cả một cuộc đời biết bao biến đổi, thăng trầm phức tạp, giữ được mình như thế quả là đáng trọng! Tình yêu lâu dài và nồng thắm mà mọi tầng lớp bạn đọc thuộc nhiều lứa tuổi dành cho Tế Hanh đủ là minh chứng cho những gì mà tâm hồn anh đã hòa đồng và chân thành chia sẻ với Đời, với Người!

Tế Hanh làm bài thơ đầu vào năm 17 tuổi, đó là bài “Những ngày nghỉ học,” về sau được đưa vào tập “Hoa niên,” in năm 1944. Cách mạng bùng nổ, Tế Hanh vào Đà Nẵng làm ủy viên giáo dục của Ủy ban cách mạng.

Năm 1947, anh chuyển sang Trường trung học Bình dân Trung Bộ. Năm 1948, tham gia phụ trách Liên đoàn Văn hóa Kháng chiến Nam Trung Bộ. Sau năm 1954, Tế Hanh tập kết ra Bắc, rồi tham gia hoạt động trong Hội Nhà văn Việt Nam từ những ngày đầu tiên thành lập Hội (1957).

Nhiều năm, Tế Hanh giữ các trọng trách trong Hội: Ủy viên Thường vụ Hội, Trưởng ban đối ngoại, Chủ tịch Hội đồng Dịch, Chủ tịch Hội đồng Thơ... Nhưng, quan trọng nhất, anh vẫn sáng tác đều và có chất lượng.

Với giọng thơ nhỏ nhẹ, trong trẻo và giản dị của mình, giọng thơ đã làm nên một “chất” tâm tình riêng không lẫn được của Tế Hanh. Người ta hay nhắc đến và thuộc lòng nhiều đoạn trong các bài “Nhớ con sông quê hương”, “Bão”, “Chiêm bao”, “Bài thơ tình ở Hàng Châu” của anh. Nhưng tôi luôn luôn giật mình vì độ đằm thắm, tinh tế trong những bài như “Vườn xưa.” Bài thơ dũng cảm và có chất khám phá trong đời sống chịu đựng, hy sinh của rất nhiều cặp vợ chồng cán bộ suốt những năm dài kháng chiến và cả một thời kỳ bao cấp dài, khi họ không hề được bố trí công tác ở gần nhau.

Bài thơ “Bé hát dưới trăng” của Tế Hanh cũng là một bài thơ làm nhói lòng bao thế hệ cha mẹ phải gửi con đi sơ tán thời chống Mỹ. Khi tôi vào Khu Bốn thời đất nước còn chia cắt, tôi mới thực sự thấm thía câu thơ xa xót mà nói nhẹ “cứ như không” của Tế Hanh: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời, mây núi có chia đâu!”

Tôi có nhiều năm được may mắn cộng tác với Tế Hanh và học tập anh trong công tác dịch thuật. Chúng tôi cùng dịch các bài thơ trong các tập thơ Yannis Ritxos (Hy Lạp), Pablô Nêruđa (ChiLe), một số các nhà thơ châu Phi, châu Mỹ La tinh.

Tế Hanh dịch thơ rất tài hoa, và nhiều bài thơ dịch của anh đã trở thành những bản dịch mẫu mực, khó ai vượt qua nổi. Câu thơ của Pushkin do anh dịch từ tiếng Pháp: “Em ơi, em đừng hát/ Những bài ca Giêoocgi/ Vị chua cay nhắc lại/ Một bờ bên kia, một đời bên kia!...” hay đến mức xuất thần, đến nỗi tất cả bọn “Nga học” như tôi hoặc anh Thúy Toàn... cũng đều “ngả mũ” kính chào!

Rất nhiều những câu thơ của Nezval (Cộng hòa Séc), rồi của Aragon (Pháp), của Ritxos (Hy Lạp)..., anh cũng dịch hay đến mức xuất thần như thế! “Ngày đã đứng trưa, trời có lẽ xanh rồi!”. Tôi cứ hay lẩm nhẩm câu thơ anh dịch của Aragon, mà tôi nghĩ, có lẽ còn hay hơn cả câu thơ nguyên bản “Il est midi, le ciel est peut-être bleu!”. Thơ là thế đấy! Sự đồng cảm thơ đến tận đáy thực ra không hề có rào cản và biên giới, dù đó là rào cản về địa lý hay ngôn ngữ.

Tế Hanh đã làm được rất nhiều cho một đời thơ. Tế Hanh cũng đã sống xứng đáng với tư cách một hồn thơ đích thực, một con người và một công dân đích thực! Không phải ai bước vào văn học và đi qua một cuộc đời đầy biến động, đầy chông gai của văn học, nhất là trong hoàn cảnh làm văn học nghệ thuật vất vả và khó khăn như hoàn cảnh nước ta suốt hơn nửa thế kỷ qua, đã làm được trọn vẹn và nhất quán như anh!

Vĩnh biệt anh, chúng ta càng thấm thía với sự mất mát lớn lao mà nền văn học chúng ta phải gánh chịu. Nhưng, ôn lại bài học của đời anh, chúng ta càng tự hào hơn về anh, càng nhìn nhận đúng đắn hơn về vai trò của những trí thức văn nghệ sĩ chân chính, những con người có tâm hồn đích thực, biết cống hiến hết tài năng đích thực của mình cho dân tộc, không đòi hỏi gì nhiều, không tách biệt con người nghệ sĩ với con người công dân tận tụy, khiêm nhường.

Tôi còn nhớ, thời đang là một nhà thơ đã rất nổi tiếng rồi, vậy mà trong lúc trà dư tửu hậu, ngồi với nhau trong hành lang Hội Nhà văn, Tế Hanh còn cười cười một cách tư lự và bảo tôi: “Này! Không biết các cậu trẻ nghĩ thế nào, chứ mình thấy làm nhà thơ nhiều lúc cũng vô tích sự quá, trong lúc người ta chiến đấu, sản xuất sống chết hăng say như thế này! Có nhiều lúc, có người hỏi mình đang công tác ở đâu, mình cứ phải nói qua quýt cho xong là đang công tác bên ngành giáo dục, không dám bảo là đang ở Hội Nhà văn”.

Tôi vẫn còn nhớ câu nói ấy, dù đã qua hơn 30 năm rồi, và Tế Hanh hôm nay đã trở thành người của thiên cổ. Tôi cũng không biết trong câu nói ấy có chút chua chát gì, hay cũng vẫn hồn nhiên như cách sống của Tế Hanh, nhưng dù sao, câu nói ấy, cũng như câu thơ “Tôi con đường nhỏ chạy lang thang...” mà tôi đã trích dẫn ở đầu bài này, vẫn cứ nằm mãi đâu đó trong tiềm thức tôi, không sao lãng quên đi được.

Xin vĩnh biệt Tế Hanh, một hồn thơ đích thực, nhưng lại không bao giờ tự cho mình là gì cả! 

Nhà thơ Bằng Việt (Hà Nội 18/7/2009)

Tin cùng chuyên mục