Mốt liên kết giảng dạy

Tìm đối tác liên kết giảng dạy: Mốt thời thượng!

Tìm đối tác là trường của nước ngoài trong việc dạy một số môn hoặc dạy tăng cường tiếng Anh đang là “mốt” của các truờng Hà Nội.

Khi việc mở trường với danh nghĩa "trường quốc tế" không dễ dàng thì tìm đối tác nước ngoài trong việc dạy một số môn hoặc dạy tăng cường tiếng Anh đang là “mốt” của các truờng Hà Nội.

Trường trường liên kết

Điều kiện kinh tế khá giả, rất nhiều phụ huynh muốn con sớm được rèn giũa theo khuôn mẫu “công dân quốc tế”. Không ít bậc cha mẹ chuyển hướng quan tâm sang các trường có yếu tố nước ngoài, tức là các truờng có sự tham gia của giáo viên người nước ngoài, dạy song ngữ hoặc dạy theo chương trình quốc tế một số môn.

Vừa đón con ở cổng trường mầm non, chị Trang (ngõ 34 phố Trần Phú, Hà Nội) đã nhận được một xấp 4, 5 tờ rơi đủ màu giới thiệu một loạt trường với đủ các quảng cáo: giáo viên người Anh, dạy chương trình Vương quốc Anh, Singapore. Vừa cất gọn các tờ rơi vào giỏ xe, chị cho biết cũng đang nhắm một trong số những trường này cho quý tử năm sau vào lớp 1.

Lướt qua một loạt những diễn đàn lớn thu hút nhiều người tham gia như webtretho, giadinh.net..., chủ đề “trường liên kết quốc tế” (hay còn gọi là trường có yếu tố nước ngoài) luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của “các mẹ” với hàng trăm lời bình luận.

Nắm bắt được nhu cầu này, hàng loạt các trường đang “rộng cửa” để tìm đối tác nước ngoài. Từ các trường có tiếng, có thâm niên như Đoàn Thị Điểm, Chu Văn An, Phan Đình Phùng tới các trường còn non trẻ như Lê Quý Đôn, Việt – Úc…

Trường Dân lập Lương Thế Vinh cũng đang tìm đối tác để mở lớp tăng cường tiếng Anh vào năm sau. “Đây là nhu cầu rất lớn của phụ huynh và trường phải đáp ứng. Tuy nhiên, trường vẫn đang nghiên cứu để tìm đối tác phù hợp”, GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

“Với các trường mới mở thì hầu hết đều đăng ký ngay từ đầu là có phối hợp với đối tác nước ngoài”, ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nói.

Cũng theo ông Bảo, số trường có yếu tố nước ngoài tại Hà Nội không ngừng tăng trong những năm gần đây và hiện đã lên tới con số 25. “Ngày càng nhiều phụ huynh muốn con học ở Việt Nam một thời gian, sau đó du học nên chọn trường có giáo viên nước ngoài, dạy theo phong cách nước ngoài để con làm quen”, ông Bảo nói.

Trong khi đó, tại thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển của loại hình này còn “nóng” hơn. Nếu như năm 2007, thành phố mới chỉ có 20 trường có yếu tố nước ngoài thì hiện con số này đã lên tới 33 trường.

Phụ huynh phải là người tiêu dùng thông minh

Nhu cầu của phụ huynh lớn, khi cầu vượt quá cung thì các trường “làm hàng” bằng học phí cao ngất ngưởng và đủ giá, có khi chênh nhau tới cả nghìn đô la.

Ngồi nhẩm tính các khoản cho riêng cô con gái đang theo học tại trường Dream House, chị Ly (nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, học phí hàng tháng là 318 USD/tháng, 400 USD/năm cho phí xây dựng trường. Ngoài ra còn tiền xe đưa đón cũng rơi vào khoảng 80 USD/tháng. Tính ra, một năm học của bé cũng “ngốn” gần 5.000 USD.

Tuy nhiên, theo chị Ly, số tiền như vậy vẫn khá “mềm” so với nhiều nơi khác, nhất là các trường lớn như Unis, Uniworld, học phí lên tới cả nghìn USD một tháng. Nhưng bù lại, môi trường học cũng rất đảm bảo: Lớp ít học sinh (thường là 20), các con được học tiếng Anh, được rèn về kỹ năng sống…

Cũng như chị Ly, mỗi năm anh Xuân Anh đầu tư gần 6.000 USD cho cậu con trai đang theo học trường tiểu học Brendon (Nhân Chính, Hà Nội). “Hai vợ chồng cũng bàn tính kỹ, xác định cho con đi học là khỏi…mua nhà. Quan trọng là con mình được học cách ứng xử, hình thành các thói quen sống rộng mở, quan tâm tới những người xung quanh”, anh cười nói.

Thừa nhận việc học phí các trường có yếu tố nước ngoài hiện nay thu khá dự do, nhưng ông Nguyễn Quốc Bảo, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Hiện không có khung học phí nào cho các trường này. Chúng tôi là cơ quan quản lý về chuyên môn, không phải làm về tài chính. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng cần có ngưỡng học phí mức tối đa”.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tỉnh táo trước các chiêu tiếp thị của các trường, nhất là về đội ngũ giáo viên, chương trình giảng dạy.

Từng đi tìm hiểu nhiều trường để “xí” một chỗ cho cháu họ sắp từ Thành phố Hồ Chí Minh chuyển ra Hà Nội, chị Nguyễn Thị Mai (Mỹ Đình) chia sẻ: “Có trường khẳng định họ vẫn dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng có thêm hai môn dạy thêm là Tiếng Anh toàn cầu và Tiếng Anh thương mại. Tư vấn viên ở đây cho biết với hai môn thêm này, học xong cháu tôi sẽ có nhiều cơ hội được vào thẳng năm nhất của nhiều trường đại học mà không cần qua thời gian học dự bị. Nhưng khi được hỏi trường có liên hệ với trường đại học nào thì nhân viên tư vấn… tắc tị”.

Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ: Phụ huynh khi đã quyết định đầu tư cho con đi học phải là người tiêu dùng thông minh, chủ động, tỉnh táo tìm hiểu, tham khảo thông tin kỹ càng trước khi quyết định chọn trường cho con, không phải cứ thấy biển liên kết với Anh, Mỹ là chạy theo./.

Mai Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục