Một luật gia bày cách chữa bệnh “hành là chính”

Các tầng lớp xã hội khi gặp khó trong thủ tục thì “bôi trơn” - Luật gia Trần Hữu Huỳnh nói về một nguyên nhân dẫn đến bệnh "hành là chính".
“Tư duy bao cấp không chỉ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cả trong các tầng lớp xã hội, cho rằng đấy là “việc của quan” còn mình gặp khó trong thủ tục thì lách, hoặc “bôi trơn”” - Luật gia Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI, nói về cải cách thủ tục hành chính.

Không phải đến khi có “Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30)” chúng ta mới tiến hành cải cách thủ tục hành chính. Trước đó đã có nhiều nỗ lực để cải cách nhưng không thành công như mong muốn, vậy cái khó ở đây là gì, thưa ông?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Muốn chữa được bệnh thì phải bắt trúng bệnh. Muốn cải cách được thủ tục hành chính hiệu quả chúng ta cần phải nhận diện những vấn đề của Việt Nam trong so sánh với các nước có nền kinh tế thị trường phát triển.

Có 3 cái khó mà chúng ta phải giải quyết. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn đang là nền kinh tế chuyển đổi theo định hướng thị trường, trong khi các nước đã là nền kinh tế thị trường.

Các qui định quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung cũng như quản lý xã hội dân sự thiên về cơ chế về xin-cho, tư duy quản lý chi phối là dựa theo năng lực quản lý chứ không căn cứ vào yêu cầu của xã hội, của thị trường, “quản đến đâu, mở đến đấy” thay vì “mở đến đâu, quản đến đấy”.

Thực tiễn cắt bỏ “giấy phép con” theo qui định của Luật Doanh nghiệp trong 10 năm qua đã chứng minh điều đó.

Thứ hai, vai trò mờ nhạt của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và xã hội dân sự trong việc tham gia cùng chính quyền với nhiều hình thức như phản ánh, kiến nghị, trao đổi, phản biện từ phía các chủ thể này chưa thực sự sôi nổi, kiên quyết, có phương pháp, có tổ chức.

Tư duy bao cấp “không chỉ là từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn cả trong các tầng lớp xã hội, cho rằng đấy là “việc của quan”; còn mình gặp khó trong thủ tục thì lách, hoặc “bôi trơn”.

Thứ ba là rất khó hóa giải những mâu thuẫn về lợi ích bởi bất kỳ một cuộc cải cách nào, dù lớn hay nhỏ, đều đụng chạm đến lợi ích.

Đề án 30 là một bước khởi đầu của cải cách hành chính, nếu đi đến cùng, sẽ đưa lại phồn vinh cho quốc gia, giàu có cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện đời sống cho công chức. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế đều nhấn mạnh đến yếu tố chống tham nhũng của việc cắt giảm thủ tục hành chính. Việt Nam, chắc không là ngoại lệ!

Ông đã từng có lần ví cải cách như “máy xén” thủ tục hành chính. Nhưng vận hành “máy xén” không hề đơn giản?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Bất kỳ một nền kinh tế nào muốn phát triển bền vững đều phải coi việc làm này là động lực, là nhu cầu tự thân, là hoạt động quản lý mang tính phục vụ thường xuyên.

Nhưng quả thật, cắt giảm thủ tục hành chính là một công việc khó khăn, phức tạp vì thủ tục hành chính là sản phẩm của chính quyền, là công cụ để chính quyền quản lý kinh tế - xã hội. thủ tục hành chính liên quan đến tất cả các bộ, các ngành, chính quyền trung ương và địa phương, trên tất cả mọi quan hệ, do đó, sự động chạm lợi ích là rất rộng.

Thủ tục hành chính, hình thức thì rất đơn giản, chỉ là các quy định, trình tự, thủ tục, biểu mẫu…nhưng cắt hay giữ lại là vấn đề phức tạp, đặc biệt lý do để cắt, giữ nhiều khi rơi vào tình trạng “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”.

Do đó, để cắt giảm thủ tục hành chính, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, nghĩa là đòi hỏi chính quyền phải “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu” người dân cần gì, mong gì để có hành động kiên quyết, kịp thời, thường xuyên, kể cả việc làm này có thể gây đau đớn cho một bộ phận nào đó của chính quyền.

Để thực hiện được Đề án 30, trước hết, cần tạo dựng được niềm tin cho các chủ thể có liên quan, đó là công chức chính quyền, là cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, các tổ chức dân sự…

Nhưng đó vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Vậy theo ông làm thế nào để chuyển hóa thành “biết rồi, khổ lắm, làm đi thôi”?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Kinh tế thị trường mở ra hàng trăm ngàn lĩnh vực kinh doanh, đời sống xã hội mở ra muôn vàn sự sáng tạo. Thiếu đi sự chủ động từ cả hai phía chính quyền và người dân trong việc hóa giải các vấn đề phức tạp giữa quyền tự do kinh doanh, tự do dân sự với trật tự quản lý nhà nước sẽ là thách thức lâu dài, lớn lao… mà Đề án 30 là thử nghiệm bước đầu để hóa giải.

Muốn tạo dựng được niềm tin, đòi hỏi người đứng đầu Chính phủ và bộ máy giúp việc phải coi đó là ưu tiên số 1, vì nói cho cùng thì việc giải phóng cho người dân khỏi các thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn, phi lý, tốn kém… hầu như không làm Nhà nước phải tổn phí đáng kể mà lợi ích thu được thì vô cùng to lớn.

Nó không chỉ đơn thuần tiết kiệm được 13-30.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp trong một năm nếu cắt giảm được 40% thủ tục hành chính hiện hành, mà quan trọng hơn, nó là cú hích mạnh mẽ cho công cuộc cải cách hành chính hiện nay, vì đây vốn là một trong ba “nút thắt” tăng trưởng của kinh tế nước nhà.

Điều này cũng sẽ là khởi đầu cho cảm hứng của cả cộng đồng tham gia vào việc quản lý nhà nước, phát quang rừng thủ tục hành chính rườm rà, dai dẳng, để tiến tới dọn sạch các thủ tục hành chính còn lại nếu thấy bất hợp lý.

Doanh nghiệp vốn là khối chịu tác động nhiều nhất từ vấn nạn “thủ tục hành là chính”, giờ được tham gia vào quá trình rà soát thủ tục hành chính. Điều này tạo nên những giá trị gì, thưa ông?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Chính nhóm đối tượng này sẽ chuyển tải những bức xúc thực tế và đưa ra những sáng kiến cần thiết cho quá trình cải cách thủ tục hành chính. Nhất là những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, họ có quá trình hoạt động ở nhiều nước và sẽ mang lại những kinh nghiệm quốc tế để chúng ta chắt lọc và học hỏi.

Chính các doanh nghiệp cũng sẽ tham gia vào quá trình giám sát sau này để hậu Đề án 30 giảm thiểu nguy cơ phát sinh trở lại rào cản thủ tục hành chính.

“Phát quang rừng thủ tục” là hình ảnh hay, nhưng dường như việc này lại mâu thuẫn với tư duy của một nhóm cục bộ những người không muốn từ bỏ quyền “hành dân”?

Ông Trần Hữu Huỳnh: Cải cách thủ tục hành chính là quá trình lâu dài, phức tạp, nhất là đặc điểm thể chế của Việt Nam, nơi một nguồn lực lớn đầu tư là của Nhà nước (theo một nghiên cứu sơ bộ thì hiện nay có khoảng gần 200.000 các phiên bản khác nhau của các thủ tục, biểu, mẫu… từ trung ương đến các địa phương).

Do đó không cần cầu toàn. Phát hiện thủ tục hành chính không hợp pháp, không hợp lý ở ngành nào, lĩnh vực nào, địa phương nào thì “xén” ngay tại đó; giao cho từng bộ, từng ngành, từng địa phương “tự xử” trước, làm từ dưới lên, từ bên ngoài (xã hội) vào, dưới áp lực giám sát của bộ máy chuyên trách thực hiện Đề án 30.

Có 4 bước phải triển khai: Cần thiết phải giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương, đồng thời đôn đốc, theo dõi và kỷ luật nghiêm những ai không thực hiện hoặc thực hiện qua loa, chiếu lệ. Phải có sự tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, các tổ chức dân sự và phải nhận được sự hưởng ứng rộng rãi, thường xuyên, liên tục của giới truyền thông.

Cuối cùng, phải sử dụng công nghệ thông tin để bảo đảm sự công khai, minh bạch, cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp góp ý. Kinh nghiệm thành công của nhiều nước trên thế giới cho thấy không thể coi nhẹ bất kỳ yếu tố nào trong bốn yếu tố nói trên.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục