Một nam bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cùng COVID-19 đã tử vong

Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nam bệnh nhân sinh năm 1969, trú tại tỉnh Bình Dương được chuyển đến Khoa ngày 17/4 trong tình trạng bệnh nặng phải thở máy.
Một nam bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cùng COVID-19 đã tử vong ảnh 1(Ảnh minh họa. Đinh Hằng/TTXVN)

Thông tin từ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngày 26/4 một nam bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, đồng thời dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tử vong sau gần một tuần điều trị tích cực.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nam bệnh nhân sinh năm 1969, trú tại tỉnh Bình Dương được chuyển đến Khoa ngày 17/4 trong tình trạng bệnh nặng phải thở máy.

Trước đó, bệnh nhân điều trị các bệnh lý tim mạch như cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, suy tim, rối loạn sinh tủy (một dạng bệnh lý tiền ung thư huyết học) tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Khoảng giữa tháng 4, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc COVID-19. Người bệnh sau đó được tiến hành xét nghiệm, kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngay lập tức, bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại khu vực cách ly của Khoa Bệnh nhiệt đới. Sau gần 1 tuần điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân xấu dần và tử vong.

Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thị Thủy Ngân, từ giữa tháng 4/2023, đơn vị bắt đầu tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 1-2 ca bệnh mới. Các ca bệnh đa số có bệnh lý nền như tiểu đường, suy tim, van tim, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch. Những bệnh nhân này khi chuyển đến Khoa Bệnh Nhiệt đới đa số phải tiến hành thở máy hoặc lọc máu.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao, những người có yếu tố nguy cơ như người cao tuổi, người có các bệnh lý nền như đái tháo đường, tim mạch mạn tính, gan, thận mạn tính, phổi mạn tính, hoặc bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mắc các bệnh lý huyết học… là những đối tượng suy giảm miễn dịch, cần được bảo vệ.

Bác sỹ Thủy Ngân khuyến cáo, những người này cần được chủng ngừa vaccine đầy đủ, thực hiện nguyên tắc 2K, đeo khẩu trang, khử khuẩn và hạn chế đi đến những nơi đông người. Đối với người thân sống chung nhà với đối tượng nguy cơ cũng cần tuân thủ các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt để bảo vệ họ.

[Cấp phép lưu hành thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị COVID-19]

Theo số liệu của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính từ 16 giờ ngày 24/4 đến 16 giờ ngày 25/4, Thành phố ghi nhận 238 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 82 ca phải nhập viện. Các bệnh viện đang điều trị 255 bệnh nhân, trong đó có 106 trường hợp cần hỗ trợ hô hấp.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định số ca mắc COVID-19 trên địa bàn đang có xu hướng gia tăng, người dân cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc thông điệp V2K (vaccine, khẩu trang, khử khuẩn) để phòng bệnh.

Khả năng bùng phát lớn khó xảy ra

Hiện nay, nhiều người dân bày tỏ lo ngại liệu có xảy ra nguy cơ dịch COVID-19 bùng phát sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 sắp tới?

Về vấn đề này, Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), cho hay COVID-19 là bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt có nguy cơ lây lan khi tiếp xúc gần và tập trung đông người nên dịp nghỉ lễ tới đây có thể làm tăng ca bệnh.

Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới cho nên khả năng bùng phát lớn khó xảy ra,” Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa phân tích.

Theo bác sỹ Nghĩa, để phòng chống dịch trên diện rộng, việc thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm COVID-19 nên được thực hiện thường xuyên, liên tục đặc biệt trong dịp nghỉ lễ dài tới đây. Những người chưa tiêm đủ mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế nên khẩn trương tiêm đủ mũi để phòng bệnh tốt nhất.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.549.186 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.713 ca nhiễm).

Trong ngày 24/4 có 7.886 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm trên toà quốc đến nay là hơn 266.152.400 liều.

Phân tích về các biến chủng của virus SARS-CoV-2, Thạc sỹ Nguyễn Công Khanh - Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) nhấn mạnh hiện nay có nhiều biến chủng đang lưu hành trên thế giới. Các biến chủng được quan tâm là các biến chủng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) theo dõi và giám sát.

Một nam bệnh nhân mắc bệnh tim mạch cùng COVID-19 đã tử vong ảnh 2Nhân viên y tế xét nghiệm COVID-19 cho người dân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)


Theo bác sỹ Thanh, biến chủng XBB.1.16 được phát hiện lây lan nhanh trên toàn thế giới và có khả năng thay thế cho các biến chủng SARS-COV-2 trước đây. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có bằng chứng cho thấy các biến chủng này gây bệnh nặng hoặc làm thay đổi triệu chứng lâm sàng của bệnh. Một số quốc gia báo cáo tỷ lệ mắc biến chủng mới ở trẻ em cao có thể do miễn dịch tự nhiên sau mắc COVID-19 suy giảm hoặc tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 mũi tăng cường còn thấp.

Trả lời các thắc mắc về việc các biến thể của virus SARS-CoV-2 vừa phát hiện được tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có đáng lo ngại không? Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa cho biết các biến thể của SARS-CoV-2 mà Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội mới phát hiện đều là các biến thể phụ của chủng Omicron. Những biến thể phụ này đã được phát hiện trước đây và lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Đến nay WHO đều đưa các biến thể phụ này vào nhóm đáng theo dõi và quan tâm.

“Những biến thể phụ này cũng không có gì mới lạ. Hiện nay chưa có thông tin hay bằng chứng rõ ràng là biến thể phụ này làm năng mức độ nặng của bệnh,” Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa chỉ rõ.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời gian nghỉ lễ sắp tới, nhu cầu đi lại gia tăng, vì vậy người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như mang khẩu trang, khử khuẩn và giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ để tránh gia tăng số ca bệnh.

Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Đặc biệt, mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương như đã nêu trên. Điều này không chỉ giúp phòng COVID-19 mà còn cả các bệnh viêm đường hô hấp khác như cúm A, cúm B... Ai có triệu chứng cũng nên xét nghiệm có phải đang mắc COVID-19 hay không và cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế.

Tiến sỹ Ngũ Duy Nghĩa nhấn mạnh với biến thể Omicron thì vaccine COVID-19 vẫn có hiệu quả. Để phòng chống lây nhiễm COVID-19, ngoài việc tiêm đủ các mũi vaccine như khuyến cáo, người dân nên được thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như khẩu trang, khử khuẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục