Một nhân viên cứu trợ nhân đạo của Thụy Sĩ bị bắt cóc tại Sudan

Đây là vụ bắt cóc đầu tiên xảy ra tại Durfur kể từ khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giảm số binh lính tại khu vực xung đột này.
Một nhân viên cứu trợ nhân đạo của Thụy Sĩ bị bắt cóc tại Sudan ảnh 1Các binh sỹ thuộc Phái bộ Liên hợp quốc tại Sudan tuần tra tại Darfur ngày 12/1. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nguồn tin Liên hợp quốc và Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ngày 8/10, một nữ nhân viên cứu trợ của Thụy Sĩ đã bị bắt cóc tại Darfur, phía Tây Sudan.

Nguồn tin trên cho biết đây là vụ bắt cóc đầu tiên xảy ra tại Durfur kể từ khi lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc giảm số binh lính tại khu vực xung đột này.

Mặc dù chưa có thông tin gì cụ thể cũng như chưa xác định được hoàn cảnh xảy ra vụ việc, song quan chức cứu trợ hàng đầu của Liên hợp quốc tại Sudan, bà Marta Ruedas khẳng định đây là một vụ bắt cóc.

Hiện cơ quan chức năng của Thụy Sĩ vẫn đang liên lạc với giới chức địa phương tại Sudan để tiến hành điều tra. Nữ nhân viên cứu trợ, làm việc cho một tổ chức phi chính phủ vì trẻ em của Thụy Sĩ, bị bắt ngay gần nơi ở của mình tại phía Bắc Darfur.

Theo bà Ruedas, nữ nhân viên cứu trợ người Thụy Sĩ trên sống tại Sudan nhiều năm qua đã bị các phần tử vũ trang, chưa xác định được danh tính, bắt cóc gần nơi ở của cô ở Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp tại El Fashir, thủ phủ bang Bắc Darfur đêm 8/10.

Người này không phải là nhân viên Liên hợp quốc, nhưng đã phối hợp với Liên hợp quốc trong một số sáng kiến liên quan đến hoạt động cứu trợ nhân đạo.

Vụ bắt cóc xảy ra trong bối cảnh nhà chức trách Sudan trước đó nhiều lần khẳng định khu vực Darfur hiện an toàn do cuộc xung đột kéo dài từ năm 2003 đã chấm dứt và Washington vừa thông báo bãi bỏ chính sách cấm vận thương mại kéo dài 20 năm qua đối với quốc gia châu Phi này.

Hiện Chính phủ Sudan chưa khẳng định cũng như chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vụ việc.

Xung đột ở Darfur bùng phát từ năm 2003 khi lực lượng dân tộc thiểu số chống lại chính quyền của Tổng thống Omar al-Bashir và đòi ly khai khỏi Sudan. Mâu thuẫn tương tự cũng nổ ra ở khu vực Blue Nile và Nam Kordofan sau khi Nam Sudan ly khai khỏi Sudan vào năm 2011.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, xung đột ở Darfur đã làm hơn 300.000 người thiệt mạng và khoảng 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục