Một phần tư thế kỷ: "Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên"

Cuối cùng, sau bao nhiêu chờ đợi, cũng có một Liên hoan "chỉ toàn kịch Lưu Quang Vũ," mà đáng ra không cần chờ tới một phần tư thế kỷ
Cuối cùng, sau bao nhiêu chờ đợi, tôi cũng đã được chứng kiến một Liên hoan thực sự "chỉ toàn kịch Lưu Quang Vũ". Đáng ra, điều đó phải diễn ra lâu rồi, chứ không phải chờ tới một phần tư thế kỷ mới trở thành hiện thực.

Mặc dù, đằng nào cũng phải tự an ủi: "thôi thì, muộn cũng còn hơn không!" Nhưng với những người đang còn sống như chúng ta, muộn có thể là còn hơn không. Còn, với những người đã mất, những Giám đốc Trần Việt, ông Quích, Hợi hàng thịt của phiên bản đầu tiên... thì muộn, thực sự đã là không!

Tôi đến rạp Công Nhân lúc chưa đến 7.30 tối, dù Giấy mời ghi là 8.00. Vậy mà, thềm rạp đông nghẹt. Và chỉ vì chờ mấy người bạn, suýt nữa chúng tôi sẽ chỉ còn cách ngồi bệt xuống bậc thềm, như một vài người đến muộn may mắn. Những người khác đành đứng. Tất cả, háo hức để gặp lại những gì xưa cũ, nhưng còn nguyên giá trị đến tận bây giờ, và chắc chắn, đến mãi sau này.

Những lời đọc không quá dài, dù vẫn vô cảm như thường lệ. Những màn tặng hoa diễn ra nhanh. Không có nghi thức tưởng niệm! Và, tự hệ thống âm thanh làm điều đó. Những lời đọc bình thường đột nhiên âm âm trong một tiếng ù kéo dài vừa đủ cho một lần cúi đầu tưởng nhớ. Rồi hết.

Hết những này nọ kia khác để cho vở diễn khai mạc Liên hoan bắt đầu. Liên hoan tưởng nhớ một nhà viết kịch, mà trước Anh, và sau Anh, sân khấu Việt Nam không bao giờ còn được như khi Anh còn tung hoành ngọn bút.

"Ông không phải là bố tôi" đã từng là một vở diễn gây nhiều xôn xao ngày đó. Những câu thoại đã đi vào dân gian: "Nếu có tiền, con có thể xin được giấy chứng nhận con là bố của bố" vẫn tồn tại, vẫn được một vài người nhắc lại - cả ý thức và vô thức. Những trớ trêu của cuộc đời được Lưu Quang Vũ viết cách đây ngót ba mươi năm vẫn làm rộ lên tràng cười và những tiếng vỗ tay rầm rập.

Phải nói một cách thành thật, vở diễn không có điểm nhấn.

Sạch, khá chỉnh, và vừa phải. Không có sự chói sáng của cá nhân diễn viên, các mảng miếng cũng không gây được dấu ấn. Trò diễn được chú ý và lấy được tiếng cười duy nhất cùng chiếc ba-toong là được mượn từ vai cụ lý trong chèo. Chính vì thế, dù đã rất cố, nhưng trò vẫn hơi sượng.

Hai diễn viên già giơ nhất là Phú Thăng và Công Lý dừng ở mức tròn vai, nhưng thế là hợp lý, vì họ chỉ cần nhấn thêm một chút, có thể khiến những điểm yếu của các diễn viên trẻ lộ rõ. Tìm tòi trong việc đảo các chữ Ông - không phải - là - bố - tôi phần nào giấu được cảm giác "bục" vốn vẫn thấy nhiều ở những Nhà hát chịu ảnh hưởng của Doãn Hoàng Giang. Ánh sáng đúng kiểu chính kịch, đơn giản và "lành".

Nhưng, trên một cái nền như vậy, toàn bộ nội dung và giá trị của vở kịch đã diễn ra suôn sẻ, vừa đủ thể hiện một "tinh thần Lưu Quang Vũ" (dù chưa rõ một "dấu ấn thời đại" của Lưu Quang Vũ"). Người xem yên tâm bị cuốn theo câu chuyện được dẫn dắt bởi một nhà viết kịch số một VN (tôi có thể nhấn mạnh điều này) và hể hả cười, dù chưa rõ khóc.

Rõ ràng, sự chưa chín và nhuyễn của diễn viên khiến vở diễn không lấy nổi được nước mắt của khán giả, dù có lúc cảm giác đã gần tới ngưỡng. Chính đó là một trong những điều đáng tiếc nhất của vở diễn đêm nay. Hơn nữa, về diễn xuất, có một điều vẫn tồn tại nguyên xi từ cách đây mấy chục năm mà tới giờ vẫn thế: diễn viên kịch của ta luôn thể hiện cái xấu một cách rất chắc chắn, trong khi họ thể hiện cái tốt khá khiên cưỡng và gượng gạo. Điều này, cũng một phần từ đạo diễn. Trong vở diễn đêm nay, đạo diễn đã dành quá ít đất diễn cho một vai tốt hiếm hoi. Chính vì thế, mâu thuẫn tốt - xấu trở nên lệch lạc, và tính thuyết phục của thông điệp, cũng bị ảnh hưởng.

Nói vậy thôi, trên thang điểm 10, vở diễn chông chênh giữa 7.5 và 8. Vào thời điểm mà sân khấu bị khán giả nhạt nhẽo quay lưng mà được một vở thế này cũng tốt. Mà câu hỏi nhiều nhất tôi phải trả lời trong đêm nay (dù tôi chả có trách nhiệm trả lời bất cứ cái gì cả) là: "Sao không diễn bán vé, kiểu gì chả thành công?"

Đêm diễn trôi qua, đường về bắt đầu thoảng hương hoa sữa. Tôi đột nhiên nhớ những dòng hoài niệm của chị Lưu Khánh Thơ- em gái Lưu Quang Vũ, nhắc đến mùi hoa sữa (khi đi xem vở "Cô gái đội mũ nồi xám") in trong tập "Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh gửi lại."

Mới đó, mà đã 25 năm. Cách đây đúng một phần tư thế kỷ, tôi - thằng bé nhát cáy chưa bao giờ dám ra chỗ đông người và sợ ma khủng khiếp - đã lần đầu tiên trong đời bước chân vào một đám ma. Từ nhà tôi (52B Hàng Bài) lên 51 Trần Hưng Đạo rất gần. Tôi đã đi bộ lên đó, đứng lẫn vào giữa những người xa lạ, để cúi đầu trước một người không quen biết nhưng tôi vô cùng hâm mộ. Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu rằng, mất mát là như thế nào, và gửi lại là như thế nào.

25 năm, đã trôi qua thật nhanh. Chỉ gọn trong một câu... Chỉ một câu thôi! Thật thế...

                                            "Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên
                                             Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt..."
Lưu Sơn Minh/Vietnam+

Tin cùng chuyên mục