Một sinh viên Việt có cơ hội gặp Tổng thống Nga

Trần Nguyên Phan, sinh viên năm thứ 3, Học viện Tài chính Liên bang Nga (FA) là một trong số những người có vinh dự gặp Tổng thống Nga.
Cuối tháng 12 này, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev dự kiến sẽ có cuộc gặp với những thanh niên-sinh viên xuất sắc đến từ khắp các thành phố trên toàn Liên bang Nga.

Một trong số những người có được vinh dự đó là em Trần Nguyên Phan, sinh viên năm thứ 3, khoa Quản trị Tài chính, chuyên ngành Tài chính tín dụng, Học viện Tài chính Liên bang Nga (FA).

Chàng Mốc của gia đình và bạn bè

Thời còn là học sinh, cả cô giáo lẫn bạn học đều gọi Trần Nguyên Phan là Trần Mốc. Cha mẹ Phan là anh Lăng và chị Thủy, những người con Hà Nội đã nhiều năm gắn bó với nước Nga cho biết, Mốc là tên thường gọi ở nhà của Phan.

Tên gọi này bắt nguồn từ việc bé Phan lúc 1-2 tuổi thường xuyên làm mốc meo chăn chiếu vì tự ý “giải phóng năng lượng” ngay trên giường mà không “thông báo” cho bố mẹ biết.

Càng lớn, Trần Mốc ngày càng tỏ ra độc lập và tự tin. Từng tốt nghiệp ngành sư phạm và đã có thâm niên đứng trên bục giảng nên anh chị Lăng - Thủy có cách giáo dục con cũng rất “sư phạm”. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga, anh chị tâm sự: “Gia đình chúng tôi không chỉ muốn con hay chữ, mà còn muốn con cái phải biết làm và tự làm được mọi việc, dù là việc nhỏ hay việc lớn”.

Với phương châm đó, anh chị đã kiên trì rèn rũa, hướng dẫn, dạy bảo cậu con trai duy nhất từng việc một. Anh Lăng cho biết, dạy con thì cần dành nhiều thời gian, phải dạy từ từ, từng ngày một, “tích tiểu thành đại, góp gió thành bão”. Rồi đến một ngày, kết quả mà cha mẹ nhận được sẽ thực sự bất ngờ.

Siêng năng học tập

Mặc dù là người nước ngoài, học cùng với các bạn Nga bằng tiếng Nga nhưng Mốc không chịu thua kém các bạn cùng lớp. Ở lớp chuyên Toán-Lý, Trường phổ thông số 2 của Mátxcơva, Phan luôn nằm trong tốp dẫn đầu. Thi vào Học viện Tài chính, em vẫn tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.

Năm học 2008, Phan đã đạt điểm 5 (điểm cao nhất trong hệ thống chấm điểm ở các trường của Nga) cho tất cả các môn học trong cả 2 học kỳ liên tiếp. Với thành tích đó, Phan được tham dự chương trình tìm kiếm học bổng Potanin cùng với 169 sinh viên xuất sắc khác của Trường.

Sau khi vượt qua hết các vòng thi kiểm tra chỉ số thông minh, khả năng giải quyết tình huống, năng khiếu hùng biện, tài lãnh đạo và thu hút nhân tâm, Phan cùng với 19 sinh viên khác đã đoạt được học bổng Potanin trong năm học 2009-2010.

Điều đáng nói là học bổng do nhà tỉ phú người Nga Vladimir Potanin lập ra từ năm 2002 dành cho 60 trường đại học hàng đầu ở Nga (riêng Mátxcơva có 10 trường) và Phan là người Việt Nam đầu tiên giành được xuất học bổng này. Học bổng trị giá 42.000 rúp/năm (tương đương 1.500 USD).

Ngoài ra, Mốc còn đều đặn nhận được mỗi tháng 1.650 rúp là học bổng của Trường FA dành cho những sinh viên giỏi. Như vậy, mỗi tháng, chàng “Mốc” được sở hữu gần 200 USD trong tài khoản cá nhân nhờ việc học của mình.

Cùng với vốn tiếng Nga “tự có” (sang Nga từ khi mới 3 tuổi, lại có bố mẹ thông thạo tiếng Nga), Mốc còn nói tiếng Anh khá trôi chảy. Bố Mốc cho biết, em từng làm phiên dịch (tiếng Nga-Anh) cho một công ty Hàn Quốc trong thời gian hội chợ triển lãm tại Mátxcơva.

Phan cho biết, năm nay là Năm Sinh viên ở Nga nên Tổng thống Dmitry Medvedev dự kiến sẽ gặp gỡ với những thanh niên-sinh viên xuất sắc đến từ khắp các thành phố trên toàn Liên bang Nga. Việc tham dự cuộc gặp này sẽ là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời sinh viên của Phan.

Chăm chỉ việc nhà

Không chỉ học tốt, Mốc còn rất siêng năng việc gia đình. Ngoài việc thường xuyên giúp đỡ mẹ quét dọn nhà cửa, Mốc còn được bố dạy cho những việc “rất đàn ông” như mắc điện, sửa nước, làm mộc, quét sơn… Hệ thống điện nước, cửa tủ trong nhà đều có chút công sức đóng góp của Mốc.

Vào căn hộ 3 buồng trên tầng 6, khu chung cư phía Nam Mátxcơva của gia đình anh Lăng chị Thủy mọi cái đều gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ. Chị Thủy cho biết đó là kết quả “lao động chân tay” hàng ngày của Mốc sau thời gian học bài.

“Văn-thể-mỹ” kết hợp hài hòa

Khi hỏi về việc sử dụng thời gian rỗi, Mốc cho biết em đã học đàn piano hơn 10 năm nay và được cô giáo dạy nhạc người Nga rất quý mến. Mốc đã tham gia một số giải văn nghệ của Trường cũng như của cộng đồng người Việt tại Mátxcơva.

Với chiều cao hơn 1m80, Mốc còn là thành viên đội bóng đá của Trường FA. Ngay trong phòng học của Mốc, hai bố con cũng tự thiết kế hệ thống tập luyện thể dục thể thao như xà đơn, vòng treo, thang cuốn…

Sắp bước vào tuổi 20, tuổi sung sức nhất và nhiều hoài bão nhất, Phan đặt ra mục tiêu sẽ thi vào cao học và nghiên cứu sinh tại Mỹ. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Với vốn tiếng Nga gần rộng như người Nga, Phan đang muốn hoàn thiện các kỹ năng tiếng Anh của mình để không kém người Mỹ.

Bố mẹ Phan không giấu niềm tự hào về cậu con trai duy nhất của họ. Ngược lại, Mốc cũng rất tự hào vì đã đóng góp sức mình vào việc phát huy truyền thống gia đình, xứng đáng là “con ngoan trò giỏi”./.

Hồng Quân/Mátxcơva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục