Tuổi Nhâm Thìn nổi tiếng

Một số nhân vật tuổi Nhâm Thìn nổi tiếng thế giới

Thủ tướng Nga Vladimir Putin, cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou và một số người nổi tiếng sinh năm Nhâm Thìn.
Trên các châu lục, rồng luôn được coi là con vật huyền thoại gắn liền với sự cao đẹp, diệu kỳ, niềm vui, hạnh phúc và may mắn.

Dưới đây, Vietnam+ xin giới thiệu một số nhân vật nổi tiếng trên thế giới tuổi Nhâm Thìn.

Vladimir Vladimirovich Putin - Thủ tướng Liên bang Nga

Thủ tướng Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin. Ông sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad. Từ năm 2000-2008 là Tổng thống Liên bang Nga. Từ 2009 đến nay là Thủ tướng Liên bang Nga.

Ông Putin được giới truyền thông khen ngợi vì đã phục hồi sức mạnh của một quốc gia sau những năm cầm quyền nhiều sóng gió của cựu Tổng thống B.Yelstin.

Trong tám năm ông Putin cầm quyền, nền kinh tế Nga đã ra khỏi cơn khủng hoảng với GDP tăng gấp 6 lần. Do hiến pháp quy định giới hạn nhiệm kỳ Tổng thống Nga, nên ông Putin không thể kéo dài quá hai nhiệm kỳ làm Tổng thống Nga.

Ông sẽ ra tranh cử và nhiều khả năng tái đắc cử (nhiệm kỳ thứ 3) trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào ngày 4/3 tới.

George Papandreou - cựu Thủ tướng Hy Lạp

George Papandreou sinh ngày 16/6/1952, trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Sau ông nội Georgios Papandreou và người cha Andreas Papandreou, ông George Papandreou là thành viên thứ ba của gia đình Papandreou làm Thủ tướng Hy Lạp. Ông là Thủ tướng Hy Lạp từ năm 2009-2011.

Trước đó, ông từng làm Bộ trưởng giáo dục quốc gia và tôn giáo (1988-1989 và 1994-1996). Trong giai đoạn 1999-2004, ông là Bộ trưởng ngoại giao. Ông là lãnh đạo của Phong trào Xã hội Panhellenic (PASOK) kể từ tháng 2/2004 và từ tháng 1/2006 ông là Chủ tịch Quốc tế xã hội.

George Papandreou trở thành Thủ tướng thứ 182 của Chính phủ Hy Lạp vào tháng 10/2009 và từ chức vào tháng 11/2011 khi nền kinh tế Hy Lạp lâm vào khủng hoảng nợ công trầm trọng. Ông đã từ chức để mở đường cho việc đàm phán thành lập một chính phủ mới trên cơ sở liên minh của nhiều chính đảng ở Hy Lạp nhằm đưa nước này thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng trên.

Alvaro Uribe Velez - Tổng tống thứ 39 của Colombia

Alvaro Uribe Velez sinh ngày 4/7/1952 tại Medellin. Ông tốt nghiệp chuyên ngành Luật tại Đại học Antioquia năm 1977. Ông gia nhập Đảng tự do Colombia thuộc cánh “Thanh niên tự do” khi đang học Đại học Antioquia. Năm 1933, ông lấy bằng thạc sỹ về Hành chính và quản trị tại Đại học Harvard.

Từ 1998-2000, ông tiếp tục học ở trường St. Anthony, Đại học Oxford và được nhận học bổng của Hội đồng Anh.

Ông Uribe là Thượng nghị sỹ từ năm 1986-1994 và là Thống đốc Antioquia từ năm 1995-1997, trước khi trở thành Tổng thống thứ 39 của Colombia vào năm 2000. Hiện ông đang đương chức nhiệm kỳ thứ 2.

Maha Vajiralongkorn - Thái tử của Hoàng gia Thái Lan

Thái tử Maha Vajiralongkorn sinh ngày 28/7/1952, tại cung điện Dusit ở Bangkok. Thái tử là con trai duy nhất của Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit.

Thuở nhỏ, thái tử được học tại một trường tiểu học ở Bangkok. Sau đó, thái tử theo học tại các trường trung học tư thục Millfield (Somerset, Anh) và The King’s (Sydney, Australia). Năm 20 tuổi, thái tử được vua cha phong cho tước hiệu Sayammakutratchakuman (Thái tử Xiêm quốc), xác lập ngôi vị kế thừa ngai vàng của Quốc vương Thái Lan.

Manuel Zelaya - Cựu Tổng thống Honduras

Jóse Manue Zelaya Rosales, hay còn gọi là Mel Zelaya, sinh ngày 20/9/1952. Ông là một chính trị gia và đã đánh bại ứng cử viên thuộc Đảng dân tộc Porfirio Pepe Lobo trong cuộc bầu cử tổ chức vào tháng 11/2005. Ông là thành viên thứ 5 của Đảng tự do trở thành Tổng thống Honduras.

Ông chính thức nhậm chức vào cuối tháng 1/2006 và nắm quyền cho đến khi bị lật đổ vào ngày 28/6/2009 trong một cuộc đảo chính khi Honduras lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị.

Morgan Tsvangirai - Thủ tướng Zimbabwe

Morgan Richard Tsvangirai sinh ngày 10/3/1952, là Thủ tướng đương nhiệm của Zimbabwe.

Ông là lãnh đạo của phong trào Thay đổi vì dân chủ - Tsvangirai (MDC-T) và là nhân vật chủ chốt trong cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của cựu Tổng thống Robert Mugabe. Tsvangirai đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Zimbabwe vào tháng 2/2009.

Thủ tướng Tsvangirai kết hôn năm 1978 và có sáu người con. Phu nhân Thủ tướng - bà Susan Tsvangirai là người khá nổi tiếng trong nước. Tuy nhiên, bà Susan Tsvangirai đã chết trong một tai nạn vào tháng 3/2009.

Padma Choling - Chủ nhiệm Khu tự trị Tây Tạng Trung Quốc

Padma Choling sinh tháng 10/1952 trong một gia đình nông nô tại huyện Dengqen, địa khu Qamdo. Ông là Chủ tịch thứ 8 của Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc từ năm 2010. Trước đó, từ năm 2003, ông là Phó Chủ tịch Khu tự trị, kế nhiệm Lobsang Gyaltsen.

Ông Choling là lãnh đạo người Tạng trẻ nhất trong chính quyền Khu tự trị. Ông được đánh giá là người “nghiêm nghị, nhưng hòa nhã.”

Youaf Raza Gillani – Thủ tướng Pakistan

Makhdoom Syed Youaf Raza Gillani sinh ngày 9/6/1952 tại Karachi, trong một gia đình có ảnh hưởng chính trị và đến từ Multan. Ngay từ nhỏ, Youaf Raza Gillani đã học rất giỏi và biết định hướng cho mình trong tương lai.

Ông đã hoàn thành chương trình học tập trung tại trường nổi tiếng nhất Pakistan - Đại học Forman Christian College. Sau đó, ông tiếp tục học tại Học viện hành chính và lấy bằng thạc sỹ văn chương báo chí tại Đại học Punjab.

Gillani là thủ tướng thứ 17 của Pakistan, đồng thời là Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông từng là Chủ tịch Quốc hội Pakistan giai đoạn 1993-1997; là Bộ trưởng Liên bang trong các thời kỳ 1985-1986, 1989-1990. Năm 2009, ông xếp thứ 38 trong danh sách những người có quyền lực nhất thế giới do tạp chí Forbes bình chọn.

Ông Gillani đã có gia đình và năm người con, trong đó có bốn người con trai và một con gái./.

Minh Lan (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục