Một số phong tục đón mừng năm mới trên thế giới

Dù phong tục đón năm mới mỗi nơi mỗi khác, nhưng tất cả nghi lễ, phong tục đều đem lại may mắn, hạnh phúc, an lành cho mọi người.
Năm mới đang đến gần, người dân khắp nơi trên thế giới đang nô nức tổ chức đón mừng. Dù phong tục mỗi nơi mỗi khác, nhưng tất cả các nghi lễ, phong tục có kỳ lạ đến đâu cũng đều chung một mục đích, đó là cầu mong năm mới đem lại may mắn, hạnh phúc và an lành đến với mọi người.

Tại Argentina:
Các gia đình tập trung để ăn bữa tối đặc biệt vào lúc 11 giờ đêm và chờ cho tới thời khắc giao thừa, mọi người đốt pháo hoa trong khoảng nửa tiếng để chào đón năm mới.

Tiếp đó, thanh niên sẽ dự các bữa tiệc năm mới tại câu lạc bộ khiêu vũ đến sáng hôm sau. Vào ngày mùng Một tháng Giêng của năm mới, hầu hết mọi người sẽ đi bơi ở sông, hồ hay bể bơi.

Tại Belarus: Trong lễ mừng năm mới truyền thống, các thiếu nữ chưa chồng sẽ chơi những trò chơi để xem ai là người sẽ may mắn được cưới trong năm sau. Ở một trò chơi, một nắm thóc được đặt trước mỗi cô gái và họ thả một con gà trống. Con gà trống tiến tới nắm thóc nào trước thì đó sẽ là người đầu tiên đi lấy chống.

Ở một trò chơi khác, một phụ nữ có gia đình sẽ giấu một số thứ xung quanh nhà để các cô bạn chưa chồng đi tìm: Ai tìm được bánh mỳ, sẽ lấy chồng giàu, còn ai tìm được chiếc nhẫn, sẽ cưới một anh chàng đẹp trai...

Tại Brazil: Vào đêm giao thừa, ở khắp các thành phố trên cả nước đều tổ chức tiệc mừng. Đặc biệt là ở Rio de Janeiro, mọi người kéo tới bờ biển để ngắm pháo hoa. Nhiều người mặc quần áo trắng với mong muốn may mắn sẽ tới vào năm mới.

Tiệc mừng năm mới thường là tiệc mang tính chất tín ngưỡng nhưng ngày nay nó đã trở thành một buổi trình diễn lớn dành cho du khách lẫn người dân.

Việc chuẩn bị cho bữa tiệc năm mới thường bắt đầu vào sáng ngày 31/12 của năm cũ và tới giữa đêm, khi pháo hoa bắt đầu bừng lên. Bữa tiệc ánh sáng kéo dài khoảng 30 phút và trong thời điểm đó, mọi người cầu nguyện những điều ước nhân dịp năm mới như tiền bạc, tình yêu, sức khỏe. Nếu ở gần biển, sau lúc nửa đêm, mọi người thường đi nhảy sóng, ném hoa và thắp nến khi thực hiện điều ước của mình.

Tại Colombia:
Đốt “ông năm cũ” là một phong tục đón năm mới ở nhiều thành phố. Nghi lễ này đòi hỏi sự tham gia của toàn thể gia đình. Đây là việc làm rất vui, mọi người thường làm một con búp bê nam đại diện cho năm cũ.

Sau đó, họ nhồi vào búp bê nhiều vật liệu khác nhau: có thể là pháo hoa để khi đốt trông đẹp hơn hoặc những thứ họ không muốn dùng nữa, các vật đem lại buồn đau hay gợi sự không vui.

Vào đêm giao thừa, người dân Colombia sẽ đốt con búp bê. Hành động này biểu trưng mong muốn rằng tất cả sẽ được thiêu rụi cùng với năm cũ và nó cũng đồng nghĩa với việc họ muốn quên đi những điều không tốt đẹp đã xảy ra và tất cả sẵn sàng đón nhận năm mới thật vui vẻ. Thông thường, con búp bê mặc quần áo cũ của các thành viên trong gia đình.

Tại Đan Mạch: Rất nhiều người dân đón năm mới bằng cách đứng trên ghế và cùng nhau nhảy xuống vào thời khắc giao thừa. Nhảy vào tháng Giêng được cho là hành động giúp xua đuổi vận xui và mang lại may mắn vào năm mới.

Tại Estonia: Người dân có một tập tục là cố gắng ăn bảy lần vào ngày Tết để bảo đảm thức ăn dồi dào trong cả năm tới. Người ta cho rằng nếu một người đàn ông ăn bảy lần, anh ta sẽ có sức mạnh của bảy người.

Tại Hàn Quốc: Năm mới, người dân đổ ra biển trong trang phục cổ truyền Han-boks để chờ khi mặt trời mọc thì cùng nhau ước nguyện. Các bãi biển ở phía Đông thường nghẹt cứng người.

Vào buổi sáng của năm mới, thường có nghi lễ tưởng nhớ tổ tiên, sau đó là ăn món Dduk-gook (một loại súp làm bằng gạo). Năm mới là ngày lễ lớn nhất ở Hàn Quốc, người dân thường dành những ngày này cho gia đình và người thân.

Tại Mexico: Vào năm mới, mọi người thường tụ họp với người thân và bạn bè. Đêm giao thừa, người dân có phong tục đặc biệt như bật tivi lên để chờ nghe tiếng chuông cất lên 12 lần. Mỗi lần chuông ngân, người dân lại ăn một quả nho và ước một điều ước, sau đó mọi người ôm nhau và chúc nhau năm mới vui vẻ.

Cũng vào đêm giao thừa, một số người, đặc biệt là phụ nữ sẽ mặc đồ lót màu đỏ-với ý nghĩa năm mới sẽ tìm được tình yêu. Ngoài ra, còn một số người sẽ xách vali đi vòng quanh nhà với hy vọng sang năm sẽ xuất ngoại.

Người Mexico còn có một tập tục ăn một loại bánh đặc biệt vào ngày 6/1. Trong những chiếc bánh này, có chiếc chứa một món đồ nhỏ trong một cái lỗ ở giữa. Người nào nhận được chiếc bánh có món đồ ở trong sẽ phải làm một món đặc biệt vào ngày 5/2.

Tại Nhật Bản: Từ năm 1951, vào đêm giao thừa, truyền hình của Nhật Bản sẽ phát sóng một chương trình ca nhạc rất ăn khách mang tên “Cuộc chiến giữa đỏ và trắng.” Các ngôi sao ca nhạc sẽ chia làm hai đội nam (trắng) và nữ (đỏ) hát thi với nhau.

Ban giám khảo và khán giả sẽ bỏ phiếu quyết định xem đội nào chiến thắng. Hầu hết các ngôi sao của chương trình là của châu Á, đôi khi có cả Mỹ.

Tại Panama: Vào năm mới, người dân có truyền thống đốt những hình nộm người nổi tiếng. Những hình nộm có thể là các nhân vật trên truyền hình như “cô gái xấu xí” hay các chính trị gia.

Năm 2007, người đoạt huy chương vàng Olympic đầu tiên của Panama, Irving Saladin, đã được chọn làm hình nộm. Những hình nộm này tượng trưng cho năm cũ và việc đốt chúng có ý nghĩa đuổi đi những ám khí để chuẩn bị cho một khởi đầu mới tốt đẹp hơn.

Tại Phần Lan: Một truyền thống lâu đời là thả mẩu sắt nóng chảy vào trong một thùng nước và nhìn hình dáng của miếng kim loại sau khi đông cứng để đoán những gì sẽ đến trong năm mới như hình trái tim hoặc hình nhẫn có nghĩa là một đám cưới trong năm tới, một chiếc thuyền tiên đoán việc du lịch và hình con lợn tượng trưng cho rất nhiều thức ăn...

Tại Philippines:
Những vật hình tròn (tượng trưng cho tiền xu) là biểu tượng cho sự thịnh vượng trong năm mới ở nước này. Rất nhiều gia đình đã bày những đĩa hoa quả hình tròn trên bàn ăn vào đêm giao thừa. Một số gia đình khác còn cụ thể hơn khi bày chính xác 12 trái cây lúc nửa đêm (thường là nho).

Tại Scotland: Người dân có tập tục xông đất. Người đầu tiên bước qua ngưỡng cửa trong năm mới nên mang theo một món quà may mắn (rượu whisky là phổ biến nhất).

Scotland cũng có lễ đốt lửa mừng năm mới, được diễn ra ở làng chài Stonehaven. Những người đàn ông trong thị trấn sẽ vừa điều hành vừa đu đưa những quả cầu lửa lớn trên những cây sào (tượng trưng cho mặt trời, chiếu sáng cho năm mới).

Tại Tây Ban Nha: Đúng thời khắc giao thừa, người dân Tây Ban Nha có tục lệ ăn thật nhanh 12 quả nho-mỗi quả vào một tiếng gõ của chuông đồng hồ, tượng trưng cho may mắn của một tháng trong năm mới.

Ở Madrid, Barcelona và những thành phố khác, mọi người tụ tập ở những quảng trường chính để cùng ăn nho và chuyền nhau những chai rượu uống mừng năm mới.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ: Người dân đón chào năm mới vào ngày cuối cùng của tháng 12. Các gia đình đều tổ chức một bữa tiệc đặc biệt đón năm mới với người thân trong gia đình hoặc bạn bè.

Món ăn truyền thống trong dịp này là gà tây. Dù một số gia đình thích trang trí nhà cửa bằng cây thông nhưng nhiều nhà không trang trí gì đặc biệt.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ mừng năm mới từ tối hôm trước của năm cũ tới tận sáng hôm sau. Đêm đó, tất cả mọi nơi đều chật cứng người và nếu muốn đón năm mới ở bên ngoài, người ta phải đặt chỗ từ trước rất lâu.

Tại Thụy Sĩ: Vào ngày cuối cùng của tháng 12, tất cả mọi người đều rất bận rộn. Tuy nhiên, tới 11 giờ đêm, mọi người đều rất phất khích, từ trong sâu thẳm, người Thụy Sĩ cảm thấy rằng chẳng bao lâu nữa sẽ tới thời điểm nghĩ lại quá khứ và hướng tới tương lai.

Khi kim đồng hồ chỉ tới số 12, mọi người cùng nâng cốc và ăn bánh mỳ vì tất cả những điều tốt đẹp đã xảy ra trong năm qua. Sau đó, mọi người ôm hôn lẫn nhau không chỉ ba lần mà rất nhiều lần để cùng hướng đến một năm mới thật hạnh phúc và an lành.

Tại Venezuela: Cũng như một vài nước khác trong khu vực Mỹ Latin, người dân Venezuela thường mặc những quần lót đặc biệt trong đêm giao thừa để mong được may mắn. Màu được ưa chuộng nhất là đỏ và vàng. Màu đỏ được cho là mang đến tình yêu, còn màu vàng được cho là mang đến tiền bạc.

Vào đêm giao thừa, hầu hết mọi người đều ăn 12 quả nho để cầu may mắn trong năm tới. Có một số người viết mong ước vào một bức thư và sau đó đem đốt với hy vọng sẽ thấu tới các đấng tối cao để mong được phù hộ đạt được ước vọng đó./.

Nguyễn Thị Thúy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục