Một tương lai vẫn chưa được đoán định tại Ai Cập

Việc ông Mohammed Morsy trở thành Tổng thống mới của Ai Cập đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình hướng tới một nền dân chủ ở đất nước Kim Tự tháp.
Việc ông Mohammed Morsy trở thành Tổng thống mới của Ai Cập đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình hướng tới một nền dân chủ ở đất nước Kim Tự tháp kể từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ.

Chiến thắng của ông Morsy được đông đảo dư luận đánh giá là một sự kiện lịch sử có tầm ảnh hưởng sâu rộng, vượt ra ngoài biên giới Ai Cập. Mặc dù vậy, hàng loạt dấu hiệu cho thấy tình trạng bạo loạn chính trị ở Ai Cập sẽ không vì sự ra đời của một vị tổng thống mới mà chấm dứt.

Thậm chí, đó có thể là sự mở đầu cho một cuộc đấu đá quyền lực giữa tổ chức Anh em Hồi giáo mà ông Morsy là đại diện với bên kia là giới quân sự từ lâu nắm quyền ở đất nước Bắc Phi này.

Ông Morsy đã chính thức ghi tên mình vào lịch sử khi trở thành vị Tổng thống Hồi giáo đầu tiên tại quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arập. Thắng lợi của ông đã cho phép tổ chức Anh em Hồi giáo lên nắm quyền sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời.

Ông sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm với mục tiêu đầy mạo hiểm là giành lại toàn bộ quyền lực từ tay quân đội. Các nhà phân tích cho rằng tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ rất khó khăn trong việc đạt được mục tiêu trên, đặc biệt sau khi Hội đồng Tối cao các Lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) giải tán quốc hội do người Hồi giáo chiếm đa số và có một số hành động nhằm thâu tóm quyền lực và hạn chế các quyền của tổng thống đối với các chính sách quan trọng.

Hậu quả của cuộc chiến sắp xảy ra giữa ông Morsy và giới tướng lĩnh đầy quyền lực sẽ làm thay đổi bức tranh chính trị của Ai Cập sau 60 năm dưới sự thống trị của quân đội.

Chiến thắng của ông Morsy chắc chắn sẽ đưa cuộc đấu tranh quyền lực giữa tổ chức Anh em Hồi giáo và quân đội sang một giai đoạn mới là đấu tranh trong chính nội bộ các thể chế nhà nước và có lẽ sẽ buộc những người Hồi giáo phải có những thỏa hiệp mới.

Hiện quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo đang tranh cãi về cách chia sẻ quyền lực tại đất nước mà ở thời điểm hiện tại không có quốc hội, không có hiến pháp và không có một con đường rõ ràng để tiến tới dân chủ.

Các nhà hoạt động chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo cam kết sẽ mở rộng các cuộc biểu tình trên đường phố để buộc giới quân sự cầm quyền rút lại những quyết định đã khiến chiến thắng của ông Morsy mất đi nhiều ý nghĩa.

Mặc dù bị tước đoạt nhiều quyền lực, song với sự ủy nhiệm của dân chúng mà ông Morsy là đại diện, tổ chức Anh em Hồi giáo sẽ có thêm "lá bài" để hành động trong bối cảnh tổ chức này đã sẵn sàng cho một cuộc đấu tranh có tầm quan trọng, thậm chí còn lớn hơn cuộc bầu cử tổng thống lịch sử vừa qua - đó là số phận của bản hiến pháp mới nhằm định hình hệ thống chính phủ mới của Ai Cập.

Tổ chức Anh em Hồi giáo cho rằng bản hiến pháp này chắc chắn sẽ được viết theo cách nhằm bảo vệ lợi ích của giới quân sự. Tuy nhiên, lực lượng Hồi giáo sẽ tìm cách thỏa hiệp với giới quân sự bởi họ biết rằng SCAF vẫn nắm trong tay xe tăng và súng đạn. Nếu không thỏa hiệp, quyền lực lãnh đạo của ông Morsy sẽ khó có thể thực hiện được.

Dưới một góc độ khác, việc thế lực Hồi giáo mà tổ chức Anh em Hồi giáo làm đại diện nổi lên và chiếm một chỗ đứng vững chắc trong đời sống chính trị Ai Cập chắc chắn sẽ khiến chính quyền mới của nước này đưa ra những điều chỉnh lớn trong chính sách đối nội và đối ngoại. Điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới toàn bộ đời sống chính trị ở Trung Đông và Bắc Phi, đồng thời tạo ra thách thức mới đối với chiến lược của Mỹ tại khu vực.

Có thể nói sự kiện ông Morsy lên làm tổng thống Ai Cập đã trở thành một nhân tố mới trên bàn cờ Trung Đông vốn đang rất căng thẳng.

Thắng lợi của ông Morsy sẽ làm phức tạp hơn các mối quan hệ giữa người Arập và Israel bởi Tel Aviv đã mất đi một đồng minh Arập quan trọng là chính quyền của Tổng thống Mubarak.

Khác với tổng thống bị lật đổ, ông Morsy sẽ không phải là một người đối thoại dễ chịu với Tel Aviv và việc ông lên làm tổng thống sẽ khiến Mỹ và Israel khó thao túng hơn.

Trong khi đó, phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas sẽ được hưởng lợi nhờ mối quan hệ chặt chẽ của họ với những người Hồi giáo ở Ai Cập.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng ngày một leo thang ở Syria, những rắc rối ở Lebanon và sự khó đoán định trong vấn đề hạt nhân của Iran, khu vực Trung Đông trong thời gian tới sẽ có thể chứng kiến những thay đổi không nhỏ.

Quan hệ giữa Ai Cập và Mỹ cũng sẽ có những xáo trộn và đầy tính không xác định. Giống như các cuộc “cách mạng sắc màu” trước đây, toan tính của Mỹ là giương cao ngọn cờ cách mạng dân chủ, lợi dụng những mâu thuẫn và xung đột trong nội bộ Ai Cập để xây dựng một chính quyền mới thân Mỹ. Thế nhưng, một đại diện của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành chiến thắng và trở thành tổng thống Ai Cập. Điều đó có thể nói là chính sách của Mỹ đã thất bại.

Trên thực tế, sau khi ông Mubarak ra đi, chính sách đối ngoại của Ai Cập đã có những điều chỉnh tinh tế, ngoại giao thân Mỹ trước đây từng bước chuyển sang ngoại giao tăng cường cân bằng quan hệ với các nước xung quanh, trọng điểm là tăng cường sức ảnh hưởng của Ai Cập tại châu Phi.

Từ chỗ phục tùng và hùa theo Mỹ trước đây, Ai Cập đã chuyển dần sang theo đuổi quan hệ song phương bình đẳng.

Mặc dù bề ngoài Cairo vẫn nhiều lần nhấn mạnh cho dù tình hình biến đổi thế nào vẫn cần sự ủng hộ của Washington, nhất là trong bối cảnh kinh tế Ai Cập đang ngập sâu trong khó khăn như hiện nay, song cả hai bên đều nhận thức rõ rằng quan hệ Mỹ - Ai Cập trong tương lai sẽ bước vào thời kỳ đầy nguy cơ cọ xát.

Liệu ông Morsy có đem đến “một bình minh mới, một Trung Đông mới" như ông đã cam kết trong diễn văn nhậm chức hay không?

Liệu cuộc cách mạng “Mùa xuân Arập” có thể đưa người dân Ai Cập thoát khỏi cảnh nghèo đói, nạn thất nghiệp và tham nhũng hay không? Điều đó còn phụ thuộc vào năng lực và bản lĩnh của tân tổng thống./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục