MSN liệu có phải là bộ ba xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới?

Trước khi bộ ba của Barcelona là Messi-Suarez-Neymar tỏa sáng đã có nhiều bộ ba tấn công khác để lại dấu ấn sâu đậm.
MSN liệu có phải là bộ ba xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới? ảnh 1Bộ ba Ronaldinho​-Rivaldo​-Ronaldo từng khiến các hàng thủ phải chao đảo. (Nguồn: Getty)

Sự tỏa sáng rực rỡ của bộ ba M-S-N (Messi-Suarez-Neymar) của Barcelona đang làm những người hâm mộ túc cầu không khỏi băn khoăn xem liệu đây đã phải là bộ ba tấn công xuất sắc nhất mọi thời đại. Trước Messi-Suarez-Neymar, những bộ ba tấn công nào đã làm những cầu trường phải nổ tung như thế?

Sindelar​-Bican-Binder

Đây chắc chắn là bộ ba tấn công xuất sắc đầu tiên trong lịch sử bóng đá thế giới. Matthias Sindelar, Josef Biscan và Franz Binder của Áo. Thi đấu cùng nhau vào thập niên 30, cả ba đã cùng nhau tạo nên Wunderteam (​đội bóng tuyệt vời) đầu tiên trong lịch sử, những truyền thuyết về bộ ba này đã trở nên bất tử sau khi thủ lĩnh Matthias Sindelar bị ám sát vào năm 1939 ở độ tuổi 36 vì từ chối thi đấu cho Đức quốc xã.

Ở giải đấu được kỳ vọng nhất, World Cup 1934 được tổ chức tại Italy của trùm phát xít Benito Mussolini, đội tuyển Áo của bộ ba này đã thua chính Italy tại bán kết. Sau đó 2 năm tại Olympic 1936 được tổ chức tại… Berlin của Đức, Áo cũng chỉ giành được huy chương bạc sau khi lại thua Italia ở trận chung kết.

Tại kỳ World Cup 1938, Wunderteam của Áo khi đó đứng trước áp lực phải sang phục vụ cho đội tuyển Đức đã tan đàn xẻ nghé. Áo bỏ cuộc ngay trước trận gặp Thụy Điển, bộ ba huyền thoại chính thức tan rã.

Trong suốt sự nghiệp Franz Binder đã ghi tới 1006 bàn trong 756 trận, Josef Bican thì đoạt danh hiệu vua phá lưới tới 12 lần trong suốt sự nghiệp kéo dài 27 năm của mình. Người quan trọng nhất Matthias Sindelar được vinh danh là “Mozart của bóng đá."

Puskas​-Kocsis​-Hidegkuti

Bóng đá tổng lực huyền thoại của Hà Lan vào thập kỷ 70 bắt đầu từ đâu? Câu trả lời chính là ở thập niên 50, nơi huấn luyện viên Gusztav Sebes đã làm nên đội hình bách chiến bách thắng đầu tiên của bóng đá thế giới, Hungary. Trong đội hình được mệnh danh là “Golden Team” đó, bộ ba Ferenc Puskas​-Sandor Kocsis​-Nandor Hidegkuti đóng vai trò trừng phạt hàng phòng ngự của đối phương bất cứ lúc nào.

Puskas, “Thiếu tá siêu tốc” của Hungary đóng vai tiền đạo lùi sau trung phong toàn diện, vua phá lưới World Cup 1954 Sandor Kocsis. Dưới hai cái tên vĩ đại này là nhạc trưởng Nandor Hidegkuti, người đầu tiên dạy cho người Anh thực sự biết họ đang đứng ở đâu trên bản đồ bóng đá thế giới bằng cú hat-trick vào năm 1953 ngay tại Wembley.

Trong suốt 6 năm từ 1950-1956, bộ ba này đưa Hungary thắng 42 trận, hòa 7, và chỉ thua đúng 1 trận. Như tất cả đã biết, đó chính là trận chung kết World Cup 1954 tại Berne nơi Hungary đã dẫn trước Tây Đức 2-0 sau có 8 phút nhưng sau cùng lại thua ngược 2-4. Nhiều người đến tận giờ vẫn còn cho rằng, nếu như Hungary huyền thoại ngày ấy không chủ quan để Đức lật ngược thế cờ, lịch sử bóng đá thế giới đã đi theo một hướng rất khác.

Pele​-Garrincha​-Vava

World Cup 1958, Brazil chứng kiến sự xuất hiện của ba cái tên hoàn toàn mới trên hàng công Selecao. Không còn bất kì một cái tên nào sót lại từ thảm họa Maracana 1950, Brazil của 1958 chấp nhận sự thay đổi toàn bộ.

Người đầu tiên, Garrincha - quái kiệt của Botafogo, đại diện mạnh mẽ nhất cho bóng đá đường phố của Brazil. Sinh ra với đôi chân lệch nhau gần 6cm, “Cánh chim tật nguyền” của Brazil vẫn biết cách làm nổ tung tất cả với kỹ năng rê bóng rất dị biệt. Garrincha chính là cầu thủ được yêu thích nhất tại Brazil mọi thời đại. Cùng với Diego Maradona, Garrincha được thừa nhận là cầu thủ từng một mình “gánh” một đội tuyển quốc gia tới chức vô địch World Cup (1962).

Người thứ hai là Vava, tiền đạo chủ lực của Brazil trong hai kỳ World Cup 1958, 1962. Vava từng chuyển tới thi đấu tại Atletico Madrid trong 3 mùa giải sau chức vô địch World Cup 1958.

Người cuối cùng, Pele. “Vua bóng đá” vào thời điểm ra mắt năm 1958 mới chỉ là cậu bé 17 tuổi. Sự xuất hiện của Pele khi đó còn đem tới sự bất ngờ cho toàn bộ người dân Brazil, song những gì Pele làm được là phi thường. 6 bàn trong toàn bộ kỳ cúp thế giới đầu tiên tham dự giúp Pele đoạt danh hiệu “Quả bóng bạc” tại WC1958 sau Didi (Brazil).

Bộ ba này đã cùng nhau đưa Selecao đoạt hai chức vô địch World Cup liên tiếp vào năm 1958, 1962; trở thành ​đội tuyển quốc gia duy nhất từng làm được điều này trong lịch sử. Đặc biệt, mối liên hệ Pele-Garrincha còn xuất sắc tới mức Brazil chưa từng thua nếu cả hai cùng ra sân. Vava có thể là “điểm yếu” trong bộ ba này, nhưng bóng đá thế giới cũng chẳng mấy khi được chứng kiến một cầu thủ ghi bàn trong 2 trận chung kết World Cup như Vava.

Di Stefano-Gento-Kopa/Puskas

Cùng thời điểm Pele-Garrincha-Vava làm ​châu Âu nổ tung với sự xuất sắc trong kỳ cúp thế giới tại Thụy Sĩ thì ở cấp ​câu lạc bộ, một bộ ba kỳ diệu khác cũng đang làm rung chuyển lục địa già. Tại Real Madrid, Di Stefano-Gento-Kopa đưa Los Blancos vô địch cúp C1 ​châu Âu lần thứ 4 trong lịch sử. Từ năm 1957-1959, danh hiệu ​Quả bóng Vàng ​châu Âu chỉ là chuyện nội bộ của Real Madrid, Di Stefano giành được danh hiệu cao quý này 2 lần vào các năm 1957, 1959, năm 1958 là của “Phù thủy nước Pháp”, Raymond Kopa.

Mùa giải 1959/1960 chứng kiến sự ra đi của Kopa nhưng Real đã ngay lập tức tìm được sự thay thế xứng đáng. Thủ lĩnh của “Golden Team” Hungary 1954 ngày nào Ferenc Puskas đã cập bến Santiago Bernabeu một năm trước đó sau những hoài nghi rằng mình đã… chết ở quê nhà, và tiếp tục đưa Real giành thêm chức vô địch cúp C1 Châu Âu thêm một lần nữa vào năm 1960 sau trận chung kết huyền thoại với Eitrancht Frankfurt. Trong trận chung kết tại Hampden Park năm ấy, “Thiếu tá siêu tốc” Puskas lập một poker vào lưới Frankfurt đưa Real thắng 7-3. Người ghi 3 bàn còn lại cho Real là… Di Stefano.

Trong thời gian có 4 cái tên này trong đội hình, Real Madrid đã giành 8 chức vô địch quốc gia, 5 cúp C1 ​châu Âu, 1 cúp Nhà vua, 1 cúp Liên lục địa.

Best​-Law​-Charlton

Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập tới bộ ba huyền thoại của Manchester United, George Best, Dennis Law và Bobby Charlton, những người đã đem về chiếc cúp C1 Châu đầu tiên trong lịch sử đội chủ sân Old Trafford vào năm 1968, biến những ký ức tồi tệ của thảm họa rơi máy bay tại Munich trước đó 10 năm vào dĩ vãng. Trong trận chung kết cúp C1 châu Âu năm 1968, Charlton đã lập một cú đúp, còn Best ghi một trong những bàn đẹp nhất lịch sử cúp C1 châu Âu giúp Man United thắng 4-1 Benfica huyền thoại của Eusebio hay Mario Coluna.

Bộ ba này đã cùng nhau giúp Man United đoạt 2 chức vô địch quốc gia, 1 cúp C1 châu Âu, 1 cúp FA. Xét về mặt cá nhân, đây có lẽ là bộ ba nhiều… danh hiệu cá nhân nhất khi cả ba đều đã đoạt Quả bóng Vàng châu Âu một lần trong sự nghiệp của mình. Bất chấp việc Best không thể vươn tới đỉnh cao tiềm năng của chính mình vì lối sống phóng túng, nhưng những ký ức hay câu chuyện về bộ ba này vẫn là bất tử ở sân Old Trafford.

MSN liệu có phải là bộ ba xuất sắc nhất trong lịch sử thế giới? ảnh 2Bộ ba George Best, Dennis Law và Bobby Charlton. (Nguồn: BBC)

Pele​-Tostao​-Jairzinho

Tiếp tục là một bộ ba nữa của Brazil, vẫn là Pele. World Cup 1970 chứng kiến Brazil cho dù không phải hay nhất trong lịch sử, nhưng chiến thắng là thuyết phục nhất. Pele ở tuổi 30 thi đấu giải đấu đỉnh cao cuối cùng trong sự nghiệp với những khoảnh khắc thiên tài như cú đánh đầu bị Gordon Banks cản phá hay pha bỏ bóng qua tay thủ môn trong trận gặp Uruguay. 14/18 bàn của Selecao trong giải đấu huyền thoại tại Mexico năm ấy có dấu giày của “Vua bóng đá”.

Tostao trở thành cầu thủ tấn công da trắng xuất sắc tiếp theo của bóng đá Brazil sau Mario Zagallo. Còn Jairzinho trở thành cầu thủ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử World Cup ghi bàn trong tất cả các trận đấu từ vòng bảng tới trận chung kết.

Chính bộ ba xuất sắc này dưới sự chỉ đạo của “Cáo già” Mario Zagallo đã giúp Brazil giành vĩnh viễn cúp Nữ thần vàng vào sau một chiều nắng như đổ lửa tại Atzeca huyền thoại.

Romario​-Hristo Stoichkov​-Michael Laudrup

Những người Hà Lan không hề có bất kỳ bộ ba tấn công xuất sắc thực sự nào trong lịch sử khi dấu ấn tập thể của thời Johan Cruyff là chủ đạo, còn thời của Marco Van Basten cái tên đầu tiên trong bộ ba xuất sắc nhất lại là một tiền vệ phòng ngự, Frank Rijkaard. Song không vì thế mà nền bóng đá đặc biệt bậc nhất lục địa già này không biết khai sáng ra điều ấy.

Johan Cruyff, thánh nhân của Oranje chính là người đã tạo ra bộ ba tấn công kỳ vĩ Romario​-Hristo Stoichkov​-Michael Laudrup tại Barcelona. Bất chấp việc chỉ chơi cùng nhau có đúng một mùa giải (1993/1994) nhưng những ký ức của bộ ba này tại sân Nou Camp là không thể bị phai nhòa. Romario, Stoichkov hay Laudrup đều là những cầu thủ tấn công xuất sắc bậc nhất thế giới lúc bấy giờ, và Cruyff đã kết hợp được tài năng của cả ba lại để tạo nên Dream Team đầu tiên trong lịch sử đội chủ sân Nou Camp.

Barca đã thắng Real Madrid 5-0, thắng Manchester United 4-0 với bộ ba đó, đã vô địch La Liga với sự xuất sắc đó, nhưng không thể làm được điều tương tự dù đã vào tới trận chung kết Champions League. Athens năm ấy, Cruyff chủ quan chỉ tung ra sân Romario và Stoichkov trên hàng công, bỏ mặc Laudrup. Câu chuyện sau đó đã là lịch sử, Barca thua 0-4. Laudrup tức giận sau đó bỏ sang Real Madrid. Đến tháng 1/1995, Romario cũng rời khỏi Nou Camp vì những mâu thuẫn với Cruyff. Mùa 1995/1996, Cruyff bị sa thải.

Ronaldinho​-Rivaldo​-Ronaldo

Ba cái tên cuối cùng không gì khác ngoại bộ ba Ronaldinho​-Rivaldo​-Ronaldo của Brazil tại World Cup 2002. Bước vào giải đấu tổ chức tại Nhật Bản và Hàn Quốc, không ai đánh giá cao Selecao từng thua tan tác tại Confed Cup một năm trước đó. ‘Siêu sao” Ronaldo ngày nào thì mới chỉ trở lại sau những chấn thương liên tục tại Inter Milan. Ronaldinho thì mới chỉ đóng vai cầu thủ trẻ.

Song tất cả đã phải bất ngờ với phong độ hoàn hảo của Ronaldo. 8 bàn tại đất Viễn Đông không chỉ đưa "Rô béo" thành Vua phá lưới giải đấu mà còn giúp Selecao lần thứ 5 lên ngôi vô địch thế giới. Rivaldo khép lại giải đấu lớn cuối cùng trong màu ​đội tuyển quốc gia bằng những màn trình diễn thiên tài, cú vô-lê tung lưới Bỉ ở vòng 1/8, pha làm bàn tung lưới Anh ở tứ kết hay màn nhả bóng hoàn hảo cho Ronaldo trong trận chung kết. Ronaldinho thì trở thành siêu sao tiếp theo của Brazil bước chân ra thế giới với cú sút phạt thiên tài tung lưới David Seaman ở trận tứ kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục