MTTQ góp ý vào Dự thảo văn kiện trình Đại hội XI

Các đại biểu Mặt trận Tổ quốc đánh giá cao việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện công phu và thẳng thắn nêu các nội dung cần làm rõ.
Ngày 5/10, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng với sự tham dự của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chức sắc tôn giáo, đại biểu dân tộc thiểu số, người Việt Nam ở nước ngoài.

Đến dự còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban của Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Thường trực Tổ biên tập Cương lĩnh và Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng.

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã giới thiệu những nội dung cơ bản của Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Việc công bố dự thảo các văn kiện Đại hội để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân ở trong và ngoài nước nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần làm cho văn kiện trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Ông Tô Huy Rứa khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn trân trọng các ý kiến đóng góp của Mặt trận Tổ quốc và mong các đại biểu phát huy tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm đóng góp nhiều ý kiến vào những vấn đề cụ thể trong Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Dự thảo báo cáo chính trị; Dự thảo chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020).

Các đại biểu đánh giá cao và hoan nghênh việc chuẩn bị các dự thảo văn kiện công phu, chu đáo, nghiêm túc, thể hiện sâu sắc lý luận, thực tiễn và công bố để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất những nội dung cơ bản thể hiện trong các dự thảo văn kiện, hết sức phấn khởi, hoan nghênh những nội dung mới bổ sung trong các dự thảo văn kiện.

Các đại biểu cũng thẳng thắn nêu ra những nội dung cần được làm rõ, cần được quan tâm xem xét một cách thấu đáo và tiếp thu nghiêm túc để bổ sung hoàn thiện các dự thảo văn kiện của Đại hội XI; đồng thời, nêu lên những bất cập, những bức xúc đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quản lý.

Góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nêu vấn đề tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển đất nước, đây được xem như là các yếu tố nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, giải phóng con người.

Việc quan tâm tạo lập và phát huy các động lực của sự phát triển đã được nêu ra trong các văn kiện của các kỳ Đại hội Đảng và trong Dự thảo văn kiện Đại hội XI cũng đã được đề cập, tuy vậy chưa nhấn mạnh và làm rõ những nội dung và tính chất mới của các động lực, chưa thể hiện rõ mối liên hệ và tác động qua lại giữa các động lực, chưa xác định trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận trong hệ thống chính trị và chưa nêu rõ tổ chức nào chủ trì phối hợp việc phát huy các động lực của sự phát triển trong thời ký đổi mới đất nước.

Ông Lê Truyền cũng đề nghị bổ sung những hạn chế và khuyết điểm vào Dự thảo Cương lĩnh 2011, bởi theo ông, từ Đại hội VI đến nay đã tròn 25 năm, nếu tính từ khi có Cương lĩnh 1991 đến nay là gần 20 năm.

Đây là khoảng thời gian Đảng lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đầy biến động. Đảng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phải tìm tòi lý giải và giải quyết nhiều vấn đề lý luận và những diễn biến thực tiễn rất đa dạng, phong phú. “Thành công và thành tựu là to lớn, sai lầm và khuyết điểm mới là không thể tránh khỏi. Viết về những sai lầm, khuyết điểm như Dự thảo Cương lĩnh 2011 là chưa thỏa đáng," ông Truyền nhấn mạnh.

Theo giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng, Báo cáo chính trị đã thẳng thắn vạch ra những tồn tại trong công tác xây dựng Đảng, đó là công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về Đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Việc đổi mới công tác cán bộ còn chậm, thiếu cơ chế, chính sách tập thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện sử dụng người tài…

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho rằng, như vậy là Đảng đã thực sự làm theo những lời căn dặn của Bác Hồ. Vấn đề đặt ra cho Đại hội Đảng XI là cần có những biện pháp hiệu quả để khắc phục nhanh chóng những tồn tại./.

Bích Thủy (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục