Mùa chuyển nhượng 2009 “nóng” nhất lịch sử?

Không World Cup. Không EURO. Không Copa Ameria. Các giải vô địch quốc gia châu Âu không còn tranh tài, hầu hết các cầu thủ đang có mặt ở những thiên đường nghỉ mát với nắng vàng và biển xanh. Nhưng không vì thế mà mùa hè 2009 lại bớt đi phần sôi động.

Không World Cup. Không EURO. Không Copa Ameria. Các giải vô địch quốc gia châu Âu không còn tranh tài, hầu hết các cầu thủ đang có mặt ở những thiên đường nghỉ mát với nắng vàng và biển xanh. Nhưng không vì thế mà mùa hè 2009 lại bớt đi phần sôi động.
 
Bên cạnh Confederations Cup 2009 (Cúp các Liên đoàn châu lục), Gold Cup 2009 (Cúp vàng CONCACAF), bóng đá thế giới còn bị khuấy động bởi các vụ chuyển nhượng “tiền tấn”.
 
Chelsea, Man City và cả M.U đã chuẩn bị sẵn “tiền tấn” trong két và sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán bất cứ lúc nào một khi họ đã “chấm” được mục tiêu cần phải chinh phục bằng mọi giá. Carlo Ancelotti vừa đặt chân đến Stamford Bridge, ông cần được Roman Abramovich cấp ngân sách để làm nên một cuộc cách mạng mới cho đội hình Chelsea.

Mùa hè trước, do các ông chủ Arabia đến quá muộn, Man City chỉ kịp “hớt” trên tay Chelsea bản hợp đồng kỷ lục mang tên Robinho đến từ Real Madrid khi thị trường chuyển nhượng chuẩn bị đóng cửa. Bây giờ, với ngày rộng tháng dài, Man City sẽ thỏa sức tiêu tiền, dĩ nhiên trong trường hợp các ông chủ vẫn sẵn sàng vung tay không ngại giá cả như đã hứa.
 
Cái khó của Man City nằm ở danh tiếng để thu hút những ngôi sao lớn, khi đội bóng “cà tàng” này không được dự Champions League cũng như Cúp UEFA mùa tới. Tuy nhiên, bóng đá thế giới cũng không hề thiếu những ngôi sao xem tiền quan trọng hơn các danh hiệu có phần “phù phiếm” (mà Robinho là một ví dụ), nên vì thế, Man City cũng không phải quá lo lắng.
 
Ngay sau khi có được quyền sở hữu Portsmouth, tỷ phú Sulaiman al-Fahim đến từ Abu Dhabi đã tuyên bố sẽ chi đậm số tiền “chưa từng có” trong lịch sử bóng đá thế giới để mua cầu thủ, nhằm biến biến đội chủ sân Fratton Park từ “vịt” thành “thiên nga” chỉ trong mấy tháng hè ngắn ngủi. Song vấn đề của Portsmouth cũng giống như Man City, thậm chí còn tệ hơn, đó là khả năng lôi kéo cầu thủ lớn. Trong trường hợp này, Portsmouth chỉ còn biết dùng phương châm “cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” mà thôi.
 
Có tiền là một chuyện, mua ai lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Kaka dường như sắp rời AC Milan để cập bến Real Madrid, nơi “Bố già” Florentino Perez đang thực hiện việc xây dựng Galaticos phiên bản 2.0. Trong trường hợp này, may ra chỉ có Chelsea mới “phá” được thương vụ nặng ký. Một khi Chelsea đã “mua” được Ancelotti từ AC Milan thì họ hoàn toàn có thể mua được Kaka, linh hồn trong lối chơi của Rossoneri. Dù sao, chọn London và Stamford Bridge vẫn mang lại sự đảm bảo tương lai tốt hơn cho Kaka, thay vì đến với Madrid và Bernabeu.
 
Ngoài cái tên Kaka ra, Cristiano Ronaldo và Franck Ribery cũng đang hâm nóng phiên chợ mùa hè của bóng đá châu Âu. Nếu như ngôi sao người Bồ Đào Nha gần như chỉ có một đích đến duy nhất là Real Madrid thì “phù thủy” người Pháp lại có quá nhiều lựa chọn. M.U trả 70 triệu euro, Chelsea đặt ít hơn 20 triệu euro lên bàn đàm phán, cả Barcelona và Real Madrid đã bày tỏ sự quan tâm từ bấy lâu nay. Có vẻ như anh không còn muốn ở lại Bayern, dù đội bóng số một nước Đức “nói cứng” là sẽ không bán anh với bất cứ giá nào, dù trên 100 triệu euro đi chăng nữa.
 
Mất Kaka, Serie A chỉ còn lại Zlatan Ibrahimovic là ngôi sao sáng nhất. Nhưng Barcelona đang muốn đưa chân sút người Thụy Điển về Nou Camp để thay thế cho tiền đạo người Cameroon Samuel Eto’o. Barcelona không cần đầu tư quá nhiều vị trí nên Guardiola có thể dồn “tiền tấn” cho thương vụ có một không hai này. Nếu để mất nốt Ibrahimovic, Serie A chỉ còn là giải đấu “hạng hai” so với Premier League hay La Liga, điều mà bấy lâu nay người Italy vẫn cố chấp không chịu thừa nhận.
 
Tháng sáu, khi các cầu thủ còn bận đi xả hơi ở khắp nơi trên thế giới, là thời điểm bận rộn nhất của các quan chức phụ trách tuyển dụng cũng như người đại diện của các ngôi sao. Nếu cần, họ sẵn sàng “đi đêm” với nhau mà không cần thông qua sự cho phép của các câu lạc bộ đúng như luật chuyển nhượng quy định, để bàn bạc và thống nhất sơ bộ các điều khoản cho một vụ đổi màu áo động trời.
 
Thậm chí, báo giới và các phương tiện truyền thông được huy động tối đa nhằm tạo ra các hiệu ứng tích cực như mong muốn để các bên chủ đích đạt được mục tiêu cuối cùng. Tháng bảy, khi những ngôi sao trở về, họ chỉ cần đặt bút ký vào bản hợp đồng đã được thảo sẵn đâu vào đấy, để sau đó bắt đầu chuẩn bị một cuộc chinh phục mới cùng các đồng đội mới.
 
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục