Múa cổ khoe sắc cùng mưa mừng Thủ đô ngàn tuổi

Khán giả chật cứng khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) xem biểu diễn các điệu múa cổ với tên gọi "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa".
Tối nay, ngày 4/10, mưa không ngừng rơi giữa tiết trời se lạnh của mùa thu ngàn tuổi đất Thăng Long nhưng khán giả vẫn chật cứng khuôn viên vườn hoa Lý Thái Tổ (Hà Nội) và hào hứng với các điệu múa cổ trong chương trình "Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa."

Mặc dù 20 giờ tối chương trình mới bắt đầu nhưng ngay từ 19 giờ đã có rất đông người tập trung quanh khu vực sân khấu. Trước thời gian khai màn khoảng nửa tiếng, trời bắt đầu mưa. Không chỉ Ban tổ chức mà những người dân cũng tỏ ra lo lắng và liên tục “cầu trời phù hộ đừng mưa”.

Thế nhưng những cơn mưa chẳng chiều lòng người vẫn nối tiếp nhau trút xuống xối xả. Dù vậy chương trình vẫn chạy, các nghệ sĩ, nghệ nhân, tăng ni phật tử... vẫn diễn bằng tất cả niềm say mê nghệ thuật. Và, cũng bởi dưới kia cả ngàn người vẫn đang đội mưa để thưởng thức nghệ thuật, chẳng ai nỡ ra về.

Quả thực sự cống hiến của các nghệ sĩ trên sân khấu và của nghệ thuật dân gian, truyền thống đã không phụ lòng người. Hơn thế, chính cái hồn cốt và khí thế hào hùng của những điệu múa trống cổ, múa hội Gióng, múa trống bồng Triều Khúc, múa Giảo Long... đã níu chân không chỉ những người lớn tuổi mà thanh niên, trẻ em cũng háo hức thật nhiều khi lần đầu được thưởng thức trực tiếp các điệu múa cổ.

Chương trình múa cổ tối nay được thực hiện theo ba phần: Lửa thiêng Hà Nội - Mở hội ngàn năm; Những dấu xưa - trình diễn các điệu múa cổ; Thăng Long mừng chiến thắng.

Phần mở đầu và kết thúc là do ê kíp chuyên nghiệp gồm các đạo diễn, diễn viên, biên đạo múa thực hiện. Còn 9 điệu múa cổ trong phần hai của chương trình do các nghệ nhân dân gian và toàn bộ nhân dân các làng, xã biểu diễn đã bảo đảm sự chân thực, hồn cốt, thần thái tự nhiên cần có của các điệu múa cổ.

 Chín điệu múa đặc trưng cho văn hóa của người Tràng An đã được các nghệ sĩ múa Hà Nội phô diễn vẻ đẹp độc đáo và màu sắc lịch sử của mình. Trước đêm diễn, họ kỳ vọng chúng sẽ tạo được ấn tượng không chỉ là sự đa dạng của hình thức, ngôn ngữ âm nhạc mà còn ấn tượng về sự khác biệt màu sắc cảm xúc giữa các tác phẩm trong lòng người xem.

Và lúc này, sau buổi màn “múa trong mưa” tối nay các nghệ sĩ đã có thể yên tâm là họ đã thành công.

Múa Trống bồng của làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì) mang đến một hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch của các chàng trai giả trang nữ, trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo the đen, đầu chít khăn mỏ quạ với động tác phóng khoáng, mạnh mẽ tạo nên sự thú vị khó quên. Còn điệu múa Bài bông của làng Phú Nhiêu với nội dung ca ngợi đất nước, cuộc sống lao động, tình yêu đôi lứa lại đưa người xem đến với những khoảnh khắc lãng mạn, bay bổng.

Đặc biệt, điểm nhấn trong chương trình là điệu múa “Giải oan thích kết” (hay Chạy đàn cắt kết) do Đại đức Thích Thanh Phương, trụ trì chùa Đống Lim, quận Long Biên (Hà Nội) cùng các "diễn viên" tăng ni, phật tử đạo tràng thể hiện đã gây được ấn tượng mạnh với công chúng.

Điệu múa không chỉ là nghi lễ tâm linh quan trọng của Phật giáo mà còn mang tính nhân văn thông qua việc lập đàn trai giải oan, cầu siêu tịnh độ, giải trừ oan khổ cho tất cả các vong linh nhiều đời được siêu thoát, để con cháu nơi trần thế được an lạc, thái bình.

Sáu nhăm thành viên của đội múa trống cổ (cao tuổi nhất là 60 và nhỏ nhất là 9-10 tuổi) đều là người công giáo, thuộc giáo xứ Phú Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội) đã mang đến một không khí thật hùng tráng, lan tỏa một khí thế hừng hực trong thời điểm cả dân tộc chung niềm vui Thăng Long ngàn năm tuổi.../.

ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục