Mùa Đại hội cổ đông: Kẻ tươi cười, người ngậm ngùi chờ đợi

Mùa Đại hội cổ đông: Nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức cao

Mùa đại hội cổ đông thường niên của ngành ngân hàng năm nay đến sớm hơn năm ngoái, trong khi một số ngân hàng sôi động chia cổ tức, tăng vốn điều lệ thì nhiều ngân hàng khác khiến cổ đông ngậm ngùi.
Mùa Đại hội cổ đông: Nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức cao ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Chuẩn bị cho mùa đại hội cổ đông, một loạt ngân hàng đã gửi thông báo đến các cổ đông, trong đó hầu hết các nhà băng đều trình kế hoạch tăng vốn, chia cổ tức…

Sôi động chia cổ tức, tăng vốn

Năm nay, mùa đại hội cổ đông thường niên của ngành ngân hàng đến sớm hơn năm ngoái.

Cụ thể, Vietcombank (mã: VCB) vừa thông báo sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào 8/4 tại Hà Nội. Ngân hàng này thông báo phát hành hơn 1,02 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 27,6% (tức cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ được nhận 276 cổ phiếu mới). Sau phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng thêm 10.236 tỷ đồng, lên hơn 47.325 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để Vietcombank tăng vốn bằng cách cho phép ngân hàng giữ lại lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Đồng thời, có lộ trình tăng giới hạn sở hữu nước ngoài, trước mắt là tăng lên 35%.

BIDV cũng tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào ngày 29/4 với kế hoạch phát hành tối đa gần 1,037 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương ứng tỷ lệ 25,77%. Sau phát hành, vốn điều lệ BIDV sẽ tăng từ 40.220 tỷ đồng lên hơn 50.585 tỷ đồng.

Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho hay ngân hàng dự kiến vốn tăng thêm được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ thu nhập ngoài lãi, nâng quản trị rủi ro... Bên cạnh đó, BIDV sẽ tập trung cơ cấu danh mục tín dụng, bán lẻ...

Tương tự tại VIB, năm 2022, ngân hàng này đặt kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng, tăng 35,7%. Trong đó, ngân hàng dự kiến chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu.

[Dồn dập tăng vốn điều lệ, ngân hàng tính đường dài với Basel III]

Đề xuất này xuất phát từ nhu cầu vốn của ngân hàng dành cho các dự án đầu tư vào hệ thống công nghệ, mạng lưới, cấp tín dụng, đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong kinh doanh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chính sách chia cổ phiếu thưởng cho cán bộ nhân viên (ESOP) nhằm phát triển và duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng, phục vụ cho các hoạt động kinh doanh, vận hành của ngân hàng.

Trong cuộc họp diễn ra vào đầu tháng 4 tới đây, ACB cũng có phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu. Kế hoạch cụ thể chưa được công bố nhưng trong năm 2020 và 2021 nhà băng này đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ lần lượt 30% và 25%.

Môt số ngân hàng dù chưa công bố kế hoạch Đại hội cổ đông nhưng cũng đã có kế hoạch tăng vốn trong năm 2022. Điển hình tại MSB, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc chia cổ tức trong năm nay với tỷ lệ 30% bằng cổ phiếu; OCB dự kiến duy trì mức cổ tức từ 20%-25% cho cổ đông; SHB tiếp tục có kế hoạch chi trả cổ tức năm 2021 bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu 15%....

Thực tế, 2021 là năm "chạy đua" tăng vốn nhằm đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo tiêu chuẩn quốc tế, trong đó những ngân hàng tăng vốn mạnh phải kể đến là VPBank (tăng 80%), VIB (44,2%), SCB (32,8%), Sacombank (32%), OCB (31,8%), ACB và HDBank (25%)... Ước tính sơ bộ, hơn 2 tỷ cổ phiếu ngân hàng đã được đưa ra thị trường trong năm nay.

Mùa Đại hội cổ đông: Nhiều ngân hàng chia cổ tức ở mức cao ảnh 2

Lý giải nguyên nhân việc các ngân hàng dồn dập tăng vốn cuối năm, một chuyên gia ngân hàng cho biết bên cạnh tranh thủ lúc cổ phiếu ngân hàng đang hấp dẫn, thì động lực chính là các ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu an toàn vốn theo tiêu chuẩn Basel II, xa hơn là Basel III.

Giới chuyên môn đánh giá, cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại, thậm chí có thể diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Nhiều cổ đông vẫn ngậm ngùi…

Thực tế, không phải ngân hàng nào cũng được chi trả mức cổ tức cao, kể cả với những ngân hàng đã tất toán hết trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Bên cạnh các ngân hàng có lịch sử chi trả cổ tức thường xuyên, tại đại hội cổ đông thường niên 2021 mới tổ chức thành công gần đây, ban lãnh đạo Eximbank cũng lần đầu tiên đề xuất chia cổ tức khoảng 18%.

Eximbank là một trong những điển hình không thể chia cổ tức trong vòng 9 năm qua do vấn đề nhân sự cấp “thượng tầng” và phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Năm nay, sau khi ổn định nhân sự, Eximbank dự kiến chia cổ tức ở mức 2 con số nếu được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Nếu thực hiện đúng kế hoạch, đây là lần đầu tiên Eximbank thực hiện tăng vốn điều lệ sau hơn 10 năm. Lần gần nhất nhà băng này tiến hành tăng vốn diễn ra vào năm 2011 khi thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 17%.

Tương tự tại Sacombank, kết thúc năm 2021, Sacombank đạt hơn 4.400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32% so với năm trước, vượt 10% kế hoạch cả năm. Sacombank tiếp tục giữ lại lợi nhuận lũy kế 6.496 tỷ đồng và không chia cổ tức. Trước Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Hội đồng quản trị đã có tờ trình xin Ngân hàng Nhà nước được chia cổ tức nhưng đã được không được chấp thuận.

Trước mong mỏi của cổ đông về cổ tức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank Dương Công Minh cho hay, lãnh đạo của Ngân hàng cũng muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn, vì giá cổ phiếu đang rất tốt, nhưng vẫn phải chờ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và quá trình tái cơ cấu thành công.

Theo Chủ tịch Sacombank, bản chất vấn đề là tái cơ cấu. Khi tái cơ cấu thành công, Sacombank mới xử lý các vấn đề khác: cổ tức, bán cổ phần cho cổ đông chiến lược trong và ngoài nước. Dự kiến năm 2022 hoặc đầu năm 2023, sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu, ngân hàng có thể chia cổ tức.

Cũng giống như Eximbank và Sacombank, các cổ đông của Ngân hàng Sài Gòn cũng đã có tới 8-9 năm không được chia cổ tức vì ngân hàng này cũng đang trong giai đoạn tái cấu trúc.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC có thời hạn trên 5 năm hoặc được gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt sẽ không được chia cổ tức, nhằm tạo nguồn xử lý nợ xấu cho tới khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục