"Mùa Hạ cuối cùng" và mây trắng bay qua đời Anh

Bên trong nhà hát, lời tri ân cất lên. Ngoài nhà hát, trời đổ mưa. Mưa cho đến khi khán giả về hết là tạnh. Và sau đó, mây trắng lại bay.
Sáng nay, một cậu bạn cùng học phổ thông nhưng đang sinh sống ở Đà Nẵng (chính là quê hương của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) vào facebook của tôi và comment trong cái note về vở "Ngọc Hân công chúa."

Bạn nhắc đến câu “Thơ tôi là mây trắng của đời tôi.” Thật kỳ lạ, toàn bộ sân khấu của “Mùa Hạ cuối cùng” sáng nay là màu trắng...

Tôi nhận thấy một thái độ trân trọng của những người làm vở đối với tác giả chỉ cần qua những phút đầu tiên. Nghiêm túc, trách nhiệm. Và yêu thương. Từ những diễn viên đã bao nhiêu năm trong nghề như Ngọc Huyền, Đức Khuê hay Sĩ Tiến cho đến những diễn viên trẻ. Họ hòa mình vào nhân vật, diễn, và thể hiện...

Âm nhạc của vở hay, sân khấu trang nhã và vừa phải. Không có những hạt sạn, không có cảm giác vấp váp. Tôi thích tất cả những điều đó.

Đã 4 vở trôi qua, nhưng đây là vở đầu tiên mà những cú chuyển cảnh “ngọt.” Sự ngân dài của cảm xúc của cảnh trước kéo được qua tới cảnh sau, không bị cảm giác hẫng.

Đây cũng là vở đầu tiên mà đạo diễn sử dụng được những bài trí sân khấu như là một thành tố không thể thiếu, với đầy đủ vai trò đạo cụ và ý nghĩa ước lệ, tượng trưng. Điều này thiếu ở những vở đã qua.

Trò chơi chữ của “Ông không phải là bố tôi” mới chỉ ở mức manh nha và thuần túy ý nghĩa văn học chứ chưa mang ý nghĩa sân khấu. Còn sân khấu cầu kỳ của “Điều không thể mất”, hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa trang trí. (Về “Điều không thể mất”, tôi sẽ viết kỹ sau khi được xem cả bản dựng của Đoàn ca kịch Huế).

Những chi tiết “thời đại hóa” của “Mùa Hạ cuối cùng” ở mức vừa phải hơn, chứ không mạnh bạo như “Ông không phải là bố tôi”, nhưng có lẽ, vừa phải là vừa! Các diễn viên gạo cội cũng diễn tiết chế bên cạnh thế hệ đàn em. Sự nhường nhịn ấy, làm cho vở diễn một cảm giác ấm cúng.

Kịch bản “Mùa Hạ cuối cùng” viết đã lâu, vậy mà trong những ngày này, lại vẫn quá là đáng giá. Thói háo danh, sự đạo đức giả tràn ngập trong giáo dục. Thế hệ đi trước không đặt lòng tin vào thế hệ đi sau. Và thế hệ sau, càng đương nhiên, không việc gì phải đặt lòng tin vào thế hệ trước.

Tiếng chuông rung lên cách đây gần 3 thập kỷ vẫn đang rung. Và mong là tiếng chuông đã rung mãi qua thời gian ấy, không vô nghĩa.

Có quá nhiều trùng hợp trong ngày hôm nay. Vào ngày diễn của vở kịch về những thời khắc cuối của đời học sinh, lũ bạn cấp 3 của tôi lại không rủ mà đột nhiên xuất hiện tới mười mấy người trong Nhà hát Tuổi trẻ. Và vở diễn đã làm toàn bộ những kỷ niệm bên trong họ đột nhiên ngân lên. Chắc chắn là họ sẽ tìm thấy một góc cho riêng mình trong “Mùa Hạ cuối cùng”! ...

Toàn bộ Liên hoan này, mọi kịch bản đều là của tác giả Lưu Quang Vũ. Liên hoan này, là để nhằm tưởng niệm anh. Nhưng, những người làm vở (và có thể, không, chắc chắn là cả Nhà hát Tuổi trẻ) đã thể hiện tấm lòng theo cách của họ.

Khi vở diễn kết thúc, sau khi dàn diễn viên chào khán giả, họ cùng bước lên trước, đặt tay lên phía trái tim, ngẩng mặt và đồng thanh: “Lưu Quang Vũ, chúng em nhớ anh.” Những cánh hoa hồng từ trên cao rơi xuống.

Tôi cảm động, cảm động thật sự vì cách thể hiện chân thành ấy. Lại một lần nữa, tôi nhấn mạnh thêm, sự chân thành đó đã tạo nên một thái độ trân trọng và một cảm giác ấm cúng cho vở diễn hôm nay.

Vở không nhiều mảng miếng chiêu trò; nhưng đạo diễn vẫn thể hiện được vai trò hợp lý của mình. Vở không diễn viên chói sáng, nhưng các diễn viên đã nắm được tay nhau cùng diễn. Trên thang điểm 10, có thể vở chưa chạm tới con số 9, nhưng 8.5 thì tôi tin là đạt được. Tôi tin thế!

Bên trong Nhà hát, lời tri ân cất lên. Bên ngoài Nhà hát, trời đổ mưa. Mưa cho đến khi khán giả về hết là tạnh. Và sau đó, trên bầu trời, mây trắng lại bay. Xin cám ơn các diễn viên của “Mùa Hạ cuối cùng,” cám ơn Nhà hát Tuổi trẻ, cám ơn cả cậu bạn tôi đã nhắc tôi về thơ Anh, rằng: “Thơ Anh là mây trắng của đời Anh”.../.

Lưu Sơn Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục