Mùa hè của những cuộc cách mạng chuyển nhượng

Thị trường chuyển nhượng Pháp như bị hun đốt bởi những bản hợp đồng “nóng đến bỏng tay”, trong khi Premier League lại tiết kiệm hơn.
Mùa hè này, thị trường chuyển nhượng Pháp như bị hun đốt bởi những bản hợp đồng “nóng đến bỏng tay”, trong khi Premier League lại tiết kiệm hơn so với năm ngoái.

Ligue 1 đã mạnh tay hơn!
 
Một mùa Hè “điên rồ” đã làm biến đổi gần như hoàn toàn bức tranh Ligue 1. Chỉ sau một năm, người ta chứng kiến những cú chuyển mình ngoạn mục với vỏn vẹn hai tháng ngắn ngủi điên cuồng “chạy đua vũ trang”.

Lyon đã phá bỏ đi mọi ranh giới tiêu pha của chính mình bằng bản hợp đồng đắt giá nhất trong lịch sử là Lisandro Lopez (24 triệu euro) và số tiền kỷ lục của một kỳ chuyển nhượng trong năm (72 triệu). Marseille tổng tấn công trên thị trường và gia cố toàn diện bằng 8 tân binh với tổng chi phí lên đến gần 40 triệu.

Bordeaux cũng “chịu chơi” bỏ ra 13,5 triệu để chính thức hóa quyền sở hữu đối với Yoann Gourcuff, sau một mùa sử dụng anh trên danh nghĩa là một cầu thủ mượn từ AC Milan, nâng số tiền chi tiêu lên 24,5 triệu. Chỉ có PSG, kẻ gây khá nhiều tranh cãi trên thị trường chuyển nhượng một năm về trước, là có vẻ dè dặt một chút.

Một điểm dễ nhận thấy là các đại gia không còn cuống cuồng lao vào thị trường trong những ngày mà phiên chợ cầu thủ mùa hè sắp sửa đóng cửa nữa. Tức là, bên trong cái vỏ của những thương vụ đắt giá có hẳn cả kế hoạch chi tiêu đã được tính toán kỹ lưỡng. Mùa hè đã bắt đầu trong êm ả, bùng nổ dữ dội trong giai đoạn giữa và lặng lẽ về cuối.
 
 Khi mà thị trường sắp kết thúc, nó bị biến thành nơi để các đội bóng tầm trung “vét” những bản hợp đồng cuối cùng, còn các đội bóng lớn thì “bán tống bán tháo” những kẻ mà họ cho là không cần thiết, sau khi đã “nhập” quá nhiều trong giai đoạn đầu mùa hè.

Tuy nhiên, việc Ligue 1 thu hút được nhiều nhân tài hơn cũng không thể che giấu được một sự thật nhức nhối, giữa những đội bóng thuộc diện ứng viên vô địch và phần còn lại tồn tại một sự phân hóa ghê gớm. Chi phí chuyển nhượng của một mình Lyon đủ vượt xa tổng số tiền chi tiêu mà 16 đối thủ khác ngoài nhóm “Big Four” ở Ligue 1 (Lyon, Bordeaux, PSG, Marseille).

Có bốn đội bóng chưa hề chi ra một xu trong kỳ chuyển nhượng đầu mùa là Rennes, Montpellier, Boulogne và Auxerre, và một vài đội khác tiêu tiền kiểu “có cũng như không”, với phí chuyển nhượng không vượt quá nổi... 1 triệu euro như Valenciennes hay Grenoble.

Premier League đã tiết kiệm hơn!

Bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các câu lạc bộ Premier League đã chi ra hơn 450 triệu bảng trong ba tháng qua. Tuy nhiên, so với mùa hè năm ngoái, thị trường đã trở nên kém sôi động hơn rất nhiều.

Trong kỳ chuyển nhượng mà Chelsea cùng ông chủ Roman Abramovich xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông với những tin đồn về các khoản tiền kỷ lục để đưa về Franck Ribery và Sergio Aguero, còn Manchester United bán Cristiano Ronaldo cho Real Madrid với giá 80 triệu bảng, rốt cuộc những cuộc mua sắm rầm rộ đã không diễn ra ở Premier League. Cả 4 đội dẫn đầu vẫn thực hiện một số hợp đồng lớn, nhưng im ắng hơn rất nhiều so với những mùa chuyển nhượng trước.

Họ hoàn toàn bị áp đảo bởi đối thủ ở Liga Real Madrid, đội bóng đã chi ra 220 triệu bảng cho dự án dải thiên hà thứ hai. Manchester City là câu lạc bộ Anh tiến gần nhất đến con số đó khi chi ra 118 triệu bảng.

Và khi Portsmouth bị buộc phải thanh lý phần lớn đội hình để xây dựng lại một đội bóng tiết kiệm hơn rất nhiều, ngày cuối cùng của mùa chuyển nhượng đáng nhớ hơn bởi những hợp đồng thất bại, chứ không phải các cuộc mua bán được nhất trí.

Việc David Bentley rời Tottenham tới Manchester City đã không xảy ra. Huấn luyện viên Spurs Harry Redknapp cũng không thể thuyết phục Chủ tịch Daniel Levy mua David James từ Portsmouth. Nickey Shorey cũng không được Aston Villa cho Portsmouth mượn như dự kiến và West Ham không thể thúc đẩy thông qua vụ mua Benjani từ Man City.

Cũng có một số hợp đồng được ký kết. Tottenham có Niko Kranjcar với giá 2 triệu bảng và Villa có thêm hai trung vệ James Collins từ West Ham và Richard Dunne từ Man City.

Nhưng xét toàn cảnh, ngày cuối cùng của mùa chuyển nhượng không khác gì so với khuynh hướng chung trong ba tháng qua. Tổng mức chi tiêu của các câu lạc bộ Premier League từ khi kết thúc mùa giải trước giảm 50 triệu bảng so với số tiền 500 triệu mùa hè năm ngoái.

Ngoài ra, theo tập đoàn chuyên về kinh doanh thể thao Deloitte, con số đáng chú ý là số tiền các câu lạc bộ Premier League chi ra để mua những cầu thủ bên ngoài nước Anh đã giảm 80 triệu bảng./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục