Mùa lễ hội xuân 2012 quá tải khách hành hương

Lễ hội trên cả nước phần lớn tập trung vào dịp đầu xuân, nên tình trạng quá tải dễ thấy ở hầu hết các lễ hội trong tháng Giêng này.
Chiều 16/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức họp báo thường kỳ, trong đó sơ kết tình hình hoạt động lễ hội đầu năm. Theo đó, lãnh đạo Bộ đánh giá nhìn chung lượng người đổ về tham dự các lễ hội năm nay đều rất đông.

Phần lớn lễ hội trên cả nước đều tập trung vào dịp đầu xuân, nên tình trạng quá tải người là hình ảnh dễ thấy ở hầu hết các lễ hội trong tháng Giêng này.

Thống kê chưa đầy đủ tính từ ngày 23/1 đến ngày 9/2 cho thấy, ở phía Bắc: có hơn 2 triệu người đến Đền Hùng, Phú Thọ; Đền Mẫu Âu Cơ, Phú Thọ đón hơn 11 vạn người; Yên Tử, Quảng Ninh đón hơn 60 vạn người; Chùa Hương, Hà Nội đón hơn 50 vạn người; Đền Trần Nam Định đón hơn 25 vạn người; Côn Sơn-Kiếp Bạc, Hải Dương đón hơn 15 vạn người…

Về phía Nam, có hơn 1 triệu người đến Chùa Bà, Bình Dương; hơn 30 vạn người đến Đền Bà Chúa Xứ, An Giang…

Với lượng người đông tập trung vào các điểm đến có yếu tố tâm linh như vậy, chắc chắn các đơn vị quản lý khó có thể kiểm soát được tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường cũng như các hoạt động kinh doanh của người dân địa phương… Và thực tế cho thấy, các địa phương vẫn chưa thể giải quyết được những tiêu cực tồn tại tiếp tục lặp lại trong nhiều năm qua.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải thừa nhận thực trạng này. Đặc biệt, hiện tượng đặt tiền lễ không đúng quy định còn phổ biến. Tại Đền Bà Chúa kho tình trạng chen lấn, xô đẩy, cúng thuê, đốt hàng mã vẫn tái diễn thường xuyên.

Riêng Chùa Hương, nhiều quán ăn bao năm nay vẫn treo bán thịt thú rừng, gia cầm, một hình ảnh vô cùng phản cảm với phật tử thập phương. Về vấn đề này, Chánh Thanh tra Bộ ông Vũ Xuân Thành cho biết, trong luật không có điều khoản nào cấm người kinh doanh không được buôn bán mặt hàng này. Chỉ có điều, có thể hạn chế hình ảnh phản cảm này bằng cách đưa vào quy chế quản lý của Khu di tích Hương Sơn và khuyến khích các hộ buôn bán...

Bên cạnh đó, các trò chơi hay kinh doanh thực chất là đánh bạc trá hình ngang nhiên hoạt động mà không bị xử lý cũng như các đối tượng xóc thẻ, xem bói, ăn xin… vẫn nhởn nhơ trong các lễ hội.

Nhìn chung, mùa lễ hội 2012 vẫn đang tiếp diễn với một không khí sôi động những sắc màu trên cả nước. Thế nhưng, vẫn còn đó những hình ảnh chưa đẹp mắt khiến nhiều người chứng kiến phải ám ảnh về cái gọi là văn hóa lễ hội Việt Nam./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục