Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền và các lực lượng chức năng, mùa lễ hội đầu Xuân Đinh Dậu trên các địa phương của cả nước đã giảm hẳn các hiện tượng, hình ảnh phản cảm.
Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 1Lễ rước truyền thống tại hội đền Sóc. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Ngày 2/2 (tức mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu) đã diễn ra lễ khai hội của nhiều lễ hội lớn trên các địa phương của cả nước.

Tại Hà Nội đã diễn ra lễ khai hội Gióng đền Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn), thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương đến tham dự.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn được biết đến với nhiều nghi lễ, trong đó có tục cướp lộc giò hoa tre và cướp trầu cau.

Nhiều năm qua, tục cướp lộc bị người dân thực hiện thái quá làm biến dạng ý nghĩa rất đẹp ban đầu của nó. Tình trạng chen lấn, xô đẩy thậm chí đánh nhau gây thương tích đã từng xảy ra.

Hai năm gần đây, huyện Sóc Sơn đã chấn chỉnh tình trạng này, tăng cường lực lượng an ninh bảo vệ tại các lễ vật, tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu đúng về tục cướp lộc.

Mùa lễ hội năm nay, Ban tổ chức lễ hội bố trí hàng trăm người chốt trực ở các chốt giao thông, bảo vệ đoàn rước lễ, đảm bảo an toàn cho lễ hội.

Khi đoàn rước lễ phẩm hoa tre về tới đền Trình và đoàn rước trầu cau về tới đền Mẫu thực hiện nghi lễ sau đó tán lộc, người dân liền ào vào tranh giành lộc theo tục lệ.

Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 2Nhiều thanh niên, trai tráng cố giành lấy phần lộc trầu cau để cầu mong một năm mới nhiều may mắn, sức khỏe. (Ảnh: Quang Quyế/TTXVN)

Bởi là tục cướp lộc nên hiện tượng tranh giành để lấy lộc là không tránh khỏi, nhưng trong ngày khai hội năm nay, không có hiện tượng đánh nhau gây thương tích hoặc gây ra hình ảnh phản cảm như các năm trước.

Ông Đoàn Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn khẳng định sau nhiều nỗ lực của huyện, lễ hội Gióng năm nay diễn ra lành mạnh, an toàn nhất từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ hàng quán, bãi đỗ xe bố trí gọn gàng, không có hiện tượng cờ bạc trá hình, ăn xin, đổi tiền lẻ. Ban tổ chức lễ hội cũng huy động lực lượng thanh niên tình nguyện hướng dẫn du khách thực hiện tốt văn minh nơi thờ tự.

Cùng ngày, tại huyện Đông Anh đã diễn ra lễ khai hội đền Cổ Loa, tưởng nhớ ngày Đức vua An Dương Vương tức vị lên ngôi Hoàng đế. Lễ hội kéo dài đến ngày 16 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa.

Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 3Thượng tọa Thích Minh Hiền và các hòa thượng dâng hương tại lễ khai hội. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Tại lễ khai hội Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), năm nay sau khi thực hiện xong nghi thức khai mạc, nhà chùa tổ chức phát lộc cho khách thập phương.

Lộc tựa như những chiếc khánh đeo cổ. Đây là năm đầu nhà chùa tổ chức phát lộc với hình thức người của nhà chùa đứng trên bục cao phát hoặc tung lộc cho người trẩy hội đứng dưới đón bắt.

Trong ngày khai hội mùng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu, ước tính lượng khách trẩy hội chùa Hương đạt khoảng 4 vạn người.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, từ mùng 1 Tết đến hết mùng 6 Tết, lượng khách tham quan, chiêm bái chùa Hương đạt gần 20 vạn người, tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 4Khách thập phương trẩy hội chùa Hương 2017. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Đặc biệt, trong hai ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, mỗi ngày chùa Hương đón trên 5 vạn khách du Xuân và lễ Phật. Mặc dù vậy, trong ngày khai hội không xảy ra hiện tượng tắc nghẽn tại khu vực cáp treo và đường vào động do du khách đi rải rác, không tập trung đi vào buổi sáng như hai hôm trước đó.

Mùa lễ hội Chùa Hương năm nay, lực lượng công an huy động gần 200 chiến sỹ tham gia giữ gìn an ninh trật tự gồm cả công an thành phố và công an huyện Mỹ Đức. Lực lượng chức năng sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gây khó, ép giá, ép khách, gây nhũng nhiễu đòi tiền bồi dưỡng của khách.

Ban tổ chức lễ hội cũng nâng cao chất lượng quản lý phương tiện thuyền đò, yêu cầu các thuyền gắn biển quản lý, trang bị phao và dụng cụ cứu hộ, cứu sinh cho khách. Phí tham quan và vé đò tăng gấp rưỡi so với mùa lễ hội năm trước.

Tại làng Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã khai hội vật đầu Xuân.

Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 5Quang cảnh hội vật. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Sới vật được dựng lên ngay trước sân đình làng Thủ Lễ. Từ sáng sớm, đông đảo người dân sở tại cùng khách thập phương tề tựu kín sân đình làng để dự hội.

Sau phần nghi lễ tôn nghiêm tại đình làng, hội vật làng Thủ Lễ chính thức bắt đầu với các cuộc tranh tài gay go, hấp dẫn của gần 40 đô vật ở lứa tuổi thanh, thiếu niên đến từ các xã trên địa bàn huyện Quảng Điền và các huyện thị lân cận.

Hội vật làng Thủ Lễ áp dụng nguyên tắc của luật thi đấu vật dân tộc. Các đô vật muốn vượt qua vòng đấu loại phải giành chiến thắng trước 3 đối thủ, với đòn đánh làm cho đối phương "lấm lưng, trắng bụng".

Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 6Các đô vật nam tranh tài. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Ra đời từ thời các chúa Nguyễn nhằm tuyển chọn những thanh niên mạnh khỏe để bảo vệ đất nước, sau một thời gian gián đoạn, hội vật truyền thống làng Thủ Lễ được khôi phục và ngày càng quy mô, chuyên nghiệp.

Đến nay, hội vật trở thành một nét đẹp truyền thống, khuếch trương tinh thần thượng võ, rèn luyện sức khỏe của người dân Cố đô Huế nói chung, Quảng Điền nói riêng mỗi dịp đầu Xuân.

Ngày 2/2, lễ hạ nêu và xin "lộc" đầu năm đã diễn ra tại Thế Miếu, Hoàng cung Huế. Lễ hạ nêu được tiến hành trang trọng với ý nghĩa nhắc toàn thể người dân kỳ nghỉ Tết đã hết, phải quay trở về cuộc sống bình thường, siêng năng chăm chỉ làm việc cho một năm mới.

Lễ hạ nêu gồm có các nghi lễ: cúng nêu, cử đại nhạc, tiểu nhạc, chuông trống và tiến hành hạ cây nêu lớn ở sân trước Thế Miếu, do hàng chục người tiến hành với trang phục kiểu binh lính (ngự lâm quân) triều đình xưa. Cây nêu được tiến hành tháo dây buộc ở 3 góc và đưa gốc cây nêu ra khỏi mặt đất. Cùng lúc là các ấn vàng (giả như ấn xưa), lễ phẩm treo ở ngọn nêu được lấy xuống cất vào kho.

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, điểm thú vị và được mọi người chờ đợi nhất là ấn vàng được đưa từ ngọn nêu xuống, đóng dấu vào các tờ giấy trên có ghi các chữ may mắn như Phúc, Lộc, Nhẫn, Tiến… để tặng du khách, với mong muốn nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với mọi người khi tham quan di tích Huế vào năm mới.

Sau khi hạ cây nêu ở Thế Miếu, "ngự lâm quân" làm lễ rước nêu và tiến qua điện Long An (Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế) đưa về nơi bảo quản chờ năm sau, hoàn tất nghi lễ hạ nêu trong cung đình.

Mùa lễ hội Xuân Đinh Dậu: Đã giảm hẳn những hình ảnh phản cảm ảnh 7Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa tái hiện chiến thắng Xương Giang lịch sử. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Tại Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang, Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang và khánh thành Đền Xương Giang.

Lễ hội kỷ niệm 590 năm chiến thắng Xương Giang và khánh thành Đền Xương Giang thể hiện sự tôn kính, khắc ghi công ơn của Thái tổ Cao hoàng đế Lê Lợi cùng các bậc hiền tài, nghĩa sỹ và người dân Xương Giang đã chiến đấu anh dũng, hi sinh trên mảnh đất lịch sử hào hùng này; đồng thời, khơi dậy, cổ vũ sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Đây cũng là dịp để giới thiệu tới người dân và du khách về vùng đất Bắc Giang văn hiến, cách mạng, anh hùng, về con người Bắc Giang thân thiện, mến khách.

Tại buổi lễ, sau phần rước kiệu từ đình làng Kế, làng Thành, làng Vẽ… về khu vực thành Xương Giang, chương trình nghệ thuật “Chiến thắng Xương Giang lịch sử” đã tái hiện lại quá trình đấu tranh, chống giặc Minh xâm lược của nghĩa quân Lê Lợi đầy gian khổ, mất mát nhưng cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng.

Chiến thắng Chi Lăng-Xương Giang đã chấm dứt 20 năm đô hộ bạo tàn của nhà Minh, là biểu tượng sức mạnh, tinh thần và ý chí quyết thắng của dân tộc Việt Nam.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và trò chơi dân gian như: hát quan họ, diễn xướng Hát văn hầu đồng, trình diễn không gian văn hóa chợ quê, trưng bày sinh vật cảnh.

Nhân dịp này, thành phố Bắc Giang tổ chức cắt băng khánh thành Đền Xương Giang Đền Xương Giang gồm 3 tòa: Tiền bái, Thiêu hương và Chính cung.

Đây là công trình văn hóa tâm linh có ý nghĩa chính trị, lịch sử mang đậm tính nhân văn. Đền là nơi để thế hệ hôm nay và mai sau thể hiện sự tôn kính, ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân đã có công giữ nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục