Mưa lớn làm 4 xã vùng cao ở Quảng Nam bị chia cắt

Do mưa lớn liên tục kéo dài, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên cao khiến 4 xã vùng biên huyện Tây Giang bị cô lập.
Do mưa lớn liên tục kéo dài, đến 16 giờ ngày 18/9, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên cao, nhiều tuyến đường bị sạt lở, gây chia cắt giao thông, trong đó 4 xã vùng biên giới thuộc huyện Tây Giang đang tạm thời bị cô lập.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua khiến đường lên 4 xã vùng biên Tây Giang, gồm Gary, Tr’hy, Ch’ơm và Axan tạm thời bị cô lập do bị sạt lở nhiều điểm.

Cụ thể, tuyến đường từ xã Lăng đi Axan xảy ra sạt lở tại thôn Abanh I, ước tính khối lượng sạt lở 400 m3. Tuyến đường từ xã Tr’hy đi thôn Dầm I bị sạt lở taluy âm gây đứt đường hơn 15m; tuyến đường từ trung tâm xã Axan đến thôn Arầng II, bị sạt lở ta luy dương 3 điểm với khối lượng sạt lở khoảng 250m3.

Đường Hồ Chí Minh và tuyến đường dẫn vào trung tâm hành chính huyện Tây Giang cũng xảy ra sạt lở taluy dương 5 điểm, ước tính khối lượng sạt lở 340 m3 khiến giao thông bị gián đoạn.

Huyện Tây Giang đang huy động xe cơ giới tích cực khắc phục. Nguy cơ sạt lở cao khiến huyện Tây Giang phải tiến hành di dời khẩn cấp 7 hộ dân tại xã Bhlêê, Avương và Atiêng.

Xã Tàbhing (huyện Nam Giang) xác nhận vào chiều 18/9, trên địa bàn xã đã có 1 người bị nước lũ cuốn trôi. Nạn nhân được xác định là Alăng Mốp (20 tuổi), bị nước lũ cuốn trôi khi băng qua sông Thanh trở về thôn Pà Rồng, xã Tàbhing.

Chính quyền và người dân vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân. Theo thông tin ban đầu, nạn nhân là người ở xã Mà Cooih (huyện Đông Giang), đang tạm trú tại thôn Pà Rồng, xã Tàbhing.

Lũ xuất hiện đột ngột cũng đã cuốn trôi 7 con bò của người dân tại các xã Avương, Tr’Hy và Atiêng. Mưa lớn cũng làm một số diện tích lúa nước và các loại hoa màu trên địa bàn huyện Tây Giang bị ngập úng, có khả năng mất trắng hoàn toàn.

Nhờ chủ động xây dựng kho thóc dự trữ, trên địa bàn huyện đã có gần 18 tấn thóc được cất giữ trong các kho thóc tình thương của các xã, thôn, đảm bảo cung ứng lương thực cho người dân khi bị mưa lũ chia cắt kéo dài.

Cùng ngày, ông Nguyễn Minh Khả, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện kiêm Phó trưởng ban Phòng chống lụt bão huyện Núi Thành, địa phương có số lượng tàu thuyền và ngư dân hành nghề trên biển nhiều nhất tỉnh Quảng Nam, cho biết: Hiện, toàn huyện còn hơn 170 tàu thuyền, trong đó có hơn 90 phương tiện có công suất lớn với hơn 2.300 lao động vẫn còn trên biển.

Điều khiến ông Nguyễn Minh Khả lo nhất là nhiều ngư dân khi “thoát ly” khỏi vùng ảnh hưởng của bão số 8 lại không chịu đưa phương tiện vào trú ẩn tại âu neo đậu tàu thuyền An Hòa để tránh, trú bão. Nguyên nhân là do khu neo đậu này chưa có tuyến đê chắn sóng, tàu thuyền có công suất lớn vào neo đậu sẽ bị va đập vào nhau, gây thiệt hại.

Thực hiện nghiêm chỉ thị của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam về việc ngăn chặn các trường hợp ngư dân đưa phương tiện ra biển trước khi bão đến để khai thác thủy hải sản, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, tuyệt đối không cho bất cứ phương tiện nào xuất bến, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Các ngành chức năng của địa phương còn thường xuyên theo dõi, thông báo và hướng dẫn cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để phòng, tránh; hướng dẫn các tàu, thuyền vào trú ẩn ven bờ hoặc khu neo đậu, tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão.

Dưới sự hướng dẫn của lực lượng Bộ đội Biên phòng, tất cả các phương tiện tàu thuyền hành nghề trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 8 đã tìm được nơi trú ẩn an toàn quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, số còn lại di chuyển vào trú tránh bão quanh khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Được dự báo là một trong những vùng trọng điểm bị ảnh hưởng của bão số 8, ngoài kêu gọi, hướng dẫn ngư dân tìm nơi trú ẩn an toàn nhằm bảo vệ tối đa tính mạng và tài sản, huyện Núi Thành đang chỉ đạo các địa phương khẩn trương hướng dẫn nhân dân cùng các đơn vị chằng chống nhà cửa, kho tàng, neo cột các bè cá lồng trên sông. Nhiều hộ gia đình đã chủ động sơ tán người già, phụ nữ và trẻ em đến nơi ở an toàn./.

Đoàn Hữu Trung-Nguyễn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục