Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho người dân tại các tỉnh miền Trung

Trong những ngày qua, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cho người dân tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận và Phú Yên.
Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho người dân tại các tỉnh miền Trung ảnh 1Mưa lớn làm ngập lụt trên đường Trần Cao Vân, thành phố Tam Kỳ. (nh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Trong những ngày qua, mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại nặng nề cho người dân tại các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Phú Yên.

Chỉ tính từ ngày 11/12 đến 7 giờ ngày 16/12, lượng mưa  trên địa bàn Quảng Nam phổ biến từ 30mm đến 800mm; tại trạm Trà My là 686mm, tại Hiệp Đức là 818mm, Nông Sơn 639mm, Tiên Phước 667mm…

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam, hiện mực nước trên các sông Vu Gia-Thu bồn đang ở khoảng trên dưới báo động II và báo động III.

Dự báo đến chiều 16/12, mực nước trên các sông sẽ xuống chậm: trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vào mức 8,7m, dưới mức báo động III khoảng 0,3m; trên sông Thu Bồn ở mức 7,9m, trên mức báo động II khoảng 0,4m, trên sông Câu Lâu khoảng 4,1m, trên mức báo động III khoảng 0,1m…

Ông Trương Tuyến, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết do tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên nghị người dân trên địa bàn tỉnh cần chủ động ứng phó với mưa lũ, không chủ quan để tránh xảy ra những hậu quả không may xảy ra.

Do mưa lũ diễn ra trên diện rộng, cộng với hàng loạt nhà máy thủy điện trên địa bàn xả lũ nên đã gây thiệt hại nặng cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê ban đầu, tính đến sáng 16/12, đã có khoảng 1.000 ngôi nhà bị ngập, trong đó chủ yếu là tại các huyện, thành phố như Nông Sơn, Đại Lộc, Hội An…; có khoảng 4.000ha hoa màu bị ngập nước tại các huyện như Đại Lộc, Điện Bàn, Quế Sơn, Hội An…

Mưa lũ cũng đã làm sạt lở nhiều tại tuyến quốc lộ 40B: sạt lở taluy dương, tổng khối lượng sạt lở khoảng 25.000m3, trong đó nặng nhất là từ km 100 đến km 141+080; nhiều cống, ngầm trên tuyến Quốc lộ 40B bị ngập gây ách tắc giao thông như ngầm km 38+400, ngầm Sông Trường, ngầm Nước Oa; trên tuyến ĐT 606 đoạn qua huyện Tây Giang bị sạt lở taluy dương với tổng khối lượng khoảng 1.700m3; tuyến ĐT 611 tại km 27+950 sạt lở taluy âm dài 27m.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các ngành, các địa phương chủ động kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, ven biển, vùng trũng thấp, vùng có đường cao tốc đi qua… để có phương án di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra. Nghiêm cấm đánh bắt cá, vớt củi trên sông, tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ, đồng thời tiến hành quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý sự cố…

Theo số liệu thống kê đến 7 giờ ngày 16/12, một số nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục xả lũ, tuy nhiên, lưu lượng có giảm hơn so với đêm ngày 15/12. Cụ thể, tại thủy điện A Vương, lượng nước về hồ là 344,7 m3/s, lượng xả qua tràn và chạy máy là 247,1m3/s; tại thủy điện Đăk Mi 4, lượng nước về hồ là 992,2m3/s, lượng xả qua tràn và chạy máy là 1.020m3/s; tại thủy điện Sông Bung 4, lượng nước về hồ là 1.007m3/s và lượng xả qua tràn và chạy máy là 1.077m3/s; tại thủy điện Sông Tranh 2, lượng nước về hồ là 3.097m3/s, lượng xả qua tràn và chạy máy là 3.097m3/s.

Tại Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa vừa đến mưa to và dông, lượng mưa đo được từ ngày 13-16/12 phổ biến từ 230-470mm. Cụ thể, tại trạm A Lưới, lượng mưa đo được là 473mm, trạm Tà Lương là 503mm, trạm Bình Thành là 479mm. Tại đồng bằng xảy ra mưa lớn trên diện rộng và kéo dài; xuất hiện một đợt lũ lớn xấp xỉ báo động III ở lưu vực sông Hương và sông Bồ. Ngày 16/12, học sinh các trường trong tỉnh phải nghỉ học do mưa to; mưa lớn cũng gây úng ngập ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Dự báo từ tối 16/12 đến ngày 17/12, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông, tổng lượng mưa toàn đợt dự báo từ 100-300mm; ngoài khơi có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; sóng biển cao từ 2-4m; biển động mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2. Tình hình mưa to kèm theo ngập úng có thể kéo dài đến cuối tháng 12/2016 và còn diễn biến phức tạp.

Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua cộng với thủy điện xả lũ cũng khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư tại các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang, thị xã Hương Trà và thành phố Huế bị ngập. Đoạn đường sắt Bắc Nam ở phía Bắc thành phố Huế bị nước lũ chảy tràn qua vài chục mét, khiến các đoàn tàu phải di chuyển chậm.

Một số đoạn đường sắt Bắc Nam đoạn qua khu vực ga Văn Xá (thị xã Hương Trà) cũng đang ngấp nghé nước. Theo Công ty Cổ phần Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên, đơn vị đã tăng cường lực lượng tuần đường, theo dõi diễn biến mưa lũ, chủ động các giải pháp ứng phó với thời tiết bất lợi.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao vừa có công điện về tăng cường chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.

Theo đó, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, tỉnh yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án ứng phó cho các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển; vùng thấp trũng sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn; bố trí lực lượng thường trực hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, các đoạn đường thường bị ngập lụt đảm bảo an toàn về người và phương tiện tham gia giao thông.

Các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm thiết yếu, thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày.

Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các địa phương bảo đảm an ninh trật tự vùng bị thiên tai; chủ động cấm phương tiện giao thông hoạt động trên các tuyến đường bị ngập sâu; bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát và hướng dẫn giao thông qua các khu vực ngập lụt, đặc biệt qua các ngầm tràn, khu vực nước chảy xiết.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện trực tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch, sẵn sàng tham gia ứng cứu và xử lý các tình huống.

Các chủ công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện tiếp tục thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành đã được phê duyệt, đảm bảo an toàn công trình và an toàn cho nhân dân vùng hạ du.

Công ty Điện lực tỉnh Thừa Thiên-Huế triển khai kiểm tra phương án an toàn lưới điện đặc biệt tại các vùng thấp trũng, ven biển đầm phá; có phương án dự phòng cung cấp điện cho công trình thủy lợi, thủy điện khi có sự cố. Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và lực lượng y tế cơ sở sẵn sàng lực lượng, cơ số thuốc dự phòng, kịp thời hỗ trợ các địa phương khi cần thiết..

Mưa lớn liên tục trong khoảng 10 giờ qua đã làm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị ngập lụt nặng. Hiện có rất nhiều ngôi nhà đã bị ngập sâu; nhiều tường rào đã bị ngã đổ; nhiều tuyến đường giao thông nội thành và tuyến đường liên xã cũng bị ngập, có nơi bị chia cắt hoàn toàn.

Tại huyện Thuận Nam, mưa lớn đã làm ngập toàn bộ diện tích đất canh tác của người dân. Hơn 100 căn nhà ở vùng trũng thấp của xã Phước Nam bị ngập sâu hơn nửa mét. Nước gây ngập cả trường học, chợ búa, trạm y tế và trụ sở ban quản lý thôn. Nước chảy xiết đi qua đường giao thông liên thôn nối hai xã Phước Nam và Phước Dinh gây chia cắt giao thông.

Tại địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, mưa lớn cũng đã làm cho nhiều tuyến đường giao thông nội thành bị ngập sâu. Không ít các phương tiện đi qua đường ngập bị chết máy, gây khó khăn cho vấn đề lưu thông tại đây.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay huyện Thuận Nam là địa phương chịu cảnh ngập lụt nặng nhất. Để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh, địa phương cũng đã thông báo cho toàn thể các em học sinh học tại các trường trên địa bàn xã Phước Nam được nghỉ học.

Ông Phạm Văn Khoa, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Thuận cho biết thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, chính quyền một số địa phương đang bị ngập lụt đã đưa phương tiện về tại các điểm ngập sâu, chủ động giúp dân di dời, vận chuyển vật dụng sinh hoạt của người dân về nơi an toàn, đồng thời bố trí cán bộ trực 24/24 giờ tại các điểm xung yếu, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện lưu thông qua lại, tránh tai nạn xảy ra.

Trên các tuyến đường nội thành, chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng chốt chặn trên đường bị ngập sâu, điều tiết các phương tiện lưu thông thuận tiện, không để xảy thiệt hại.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng cho người dân tại các tỉnh miền Trung ảnh 2Lực lượng công an, bộ đội dùng ca nô máy cứu hộ người dân. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Hiện mực nước trên sông Vệ và sông Thoa, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi) đang trên mức báo động 3 là 1,5m. Do lũ lên nhanh, người dân không kịp trở tay nên toàn địa bàn huyện có khoảng 6.000 nhà bị ngập; 7/13 xã, thị trấn bị cô lập hoàn toàn; hầu hết các tuyến đường bị chia cắt...

Trước tình hình trên, huyện Mộ Đức đang huy động toàn lực để ứng phó với mưa lũ. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mộ Đức Vũ Nhân cho biết, huyện đã huy động 2 canô, 3 ghe máy, xe trọng tải lớn cùng các phương tiện khác để ứng cứu các vùng ngập sâu, khắc phục sự cố về giao thông.

Ở tất cả 13 xã, thị trấn trong huyện đều bố trí ghe thuyền, ghe nan và khoảng 50 thanh niên xung kích, dân quân tự vệ túc trực tham gia  công tác cứu hộ.

Hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện bị chia cắt, chính quyền phải cắt cử lực lượng chốt chặn ngăn không cho người và phương tiện qua lại tại đoạn ngập sâu nguy hiểm. Trong đó, Đức Chánh là một trong những xã bị ngập nặng. Lực lượng công an và bộ đội đã dùng ca nô để xâm nhập vào vùng bị cô lập, ưu tiên sơ tán người già và trẻ em đến vùng cao tránh trú.

Tại một số nơi, nước lũ còn chảy tràn lên Quốc lộ 1A đe dọa người đi đường. Tính đến 11h30 ngày 16/12, huyện Mộ Đức đã tiến hành di dời khoảng 1.500 hộ dân với 5.000 khẩu đến nơi an toàn.

Trung tá Trần Thanh Phúc, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Mộ Đức cho biết công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn do nước chảy xiết. Nhưng với tinh thần quyết tâm, các các bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ cố gắng hết sức mình để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân.

Hiện nay, tại địa bàn huyện Nghĩa Hành, nước đã dâng lên cao gây ngập lụt nhiều tuyến đường giao thông. Không thể tiếp cận vào trung tâm huyện bằng xe máy, chúng tôi quyết định lội bộ qua khu vực ngập lụt dài khoảng 500m.

Trên trục đường chính vào trung tâm huyện, có những đoạn nước ngập ngang bụng và tràn vào các nhà ven đường.

Ông Đàm Bàng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nghĩa Hành cho biết đợt mưa lần này gây ra lũ lớn trên địa bàn huyện, khác với các trận mưa lần trước, nước đổ về huyện ngày càng nhiều và rút rất chậm.

Hệ thống sông Vệ, sông Phước Giang nước đã lên tới đỉnh, giao thông bị chia cắt. Tất cả các xã và thị trấn gần như bị cô lập. Nhiều địa phương như xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây nước ngập đường giao thông chính hơn 1m.

Theo thống kê sơ bộ, hiện đã có 48 thôn bị chia cắt, trong đó có 8.845 nhà bị ngập lụt. Một số nhà của xã Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Thiện và một số xã vùng trũng như Hành Thuận, Hành Phước đã bị nước vào sâu hơn 2m.

Ngay từ trưa 15/12, trong đêm 16/12 và sáng sớm nay, hàng nghìn người dân huyện Nghĩa Hành chạy lũ. Nhiều hộ dân chưa kịp dọn xong cơn lũ trước thì cơn lũ mới lại đổ về khiến hàng nghìn hộ dân điêu đứng. Huyện Nghĩa Hành đã chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương di dời được 2.986 hộ với gần 10.120 khẩu lên khu vực an toàn.

Các xã thực hiện phương châm 4 tại chỗ, dừng mọi công việc hành chính để đối phó với mưa lũ. Đối với các thôn trọng điểm, có nguy cơ ngập lụt cần phải lên phương án di dời và tiếp cận với người dân để đưa về nơi an toàn; không để thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hành Dũng cho biết ngay sau khi nghe thông tin về đợt mưa lũ mới, “lực lượng sẵn sàng” của xã đã xuống các hộ dân để giúp “chạy lũ.”

Đến thời điểm hiện nay, nước đã ngập sâu các tuyến đường giao thông của xã. Do chủ động di dời và khá quen với việc chống lũ nên thiệt hại về tài sản trên địa bàn rất ít. Tuy nhiên, lượng mưa đổ về địa phương ngày càng lớn nên việc các hộ dân bị chia cắt kéo dài, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Đến 10 giờ ngày 16/12, trên địa bàn tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to khiến mực nước các sông trên địa bàn tỉnh lên trở lại. Lượng mưa đo được trong vòng 24 giờ qua tại các trạm quan trắc từ 86,5​-351 mm.

Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, đến 9 giờ ngày 16/12, mực nước các sông gần xấp xỉ báo động cấp 2 hoặc dưới báo động cấp 3 từ 0,11-0,32 mm. Dự kiến lũ trên các sông tiếp tục lên và đạt mức báo động 3.

Vào lúc 22 giờ ngày 15/12, tại Km 1359+400 và tại Km 1361+750 đến 1.361+800 thuộc khu vực đèo Cả bị sạt lở đá taluy dương làm lấp toàn bộ mặt đường, gây ách tắc giao thông.

Các đơn vị thi công lập tức điều động phương tiện và đến 9 giờ 30 phút ngày 16/12 lực lượng chức năng đã cơ bản khắc phục.

Trên tuyến đường sắt tại Km 1223+ 850 cũng bị sạt lở đất, đá một đoạn khoảng 200 mét, buộc 2 chuyến tàu SE 3 và SE7 dừng đỗ tạm thời tại ga Phú Hiệp (huyện Đông Hòa) và ga Tuy Hòa. Hiện các đơn vị đang gia cố lại vị trí trên.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, hồ thủy điện Sông Ba Hạ đang xả lũ với lưu lượng 3.800 m3/s và hồ thủy điện Sông Hinh xả 1.200 m3/s. Dự kiến hai hồ thủy điện nói trên sẽ xả với tổng lưu lượng 9.000 m3/s.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã ra thông báo yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, tình hình xả lũ của các hồ thủy điện để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp ứng phó.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh triển khai lực lực lượng, phương tiện đến các khu vực xung yếu để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Tại Phú Yên, một số tuyến giao thông ngập trở lại và bị chia cắt, lực lượng chức năng cần hướng dẫn giao thông, không cho người và phương tiện lưu thông tại những khu vực nguy hiểm...; tiếp tục rà soát tại các vùng trũng thấp, vùng ngập lụt, sạt lở đất, khu vực hạ du các hồ chứa để đảm bảo an toàn về người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục