Mưa lũ gây thiệt hại ở miền Trung

Mưa to kéo dài trong ba ngày qua đã gây sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cô lập nhiều khu vực và khiến 63 hộ đồng bào ở xã Trà Lâm của huyện Trà Bồng lâm vào cảnh thiếu đói cần được cứu trợ gấp.

Mưa to kéo dài trong ba ngày qua đã gây sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cô lập nhiều khu vực và khiến 63 hộ đồng bào ở xã Trà Lâm của huyện Trà Bồng lâm vào cảnh thiếu đói cần được cứu trợ gấp.

Do lo sợ vết nứt ở núi Cà Bót có thể làm sạt lở đất đá, 63 hộ dân tộc Cor với 282 nhân khẩu ở làng Cheng của xã này đã phải chuyển ra tỉnh lộ 622B dựng lều ở tạm. Huyện đã khẩn trương cấp 3 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình lợp nhà tạm trong khi chờ được chuyển tới khu tái định cư.

Các lực lượng chức năng cũng đã tổ chức san ủi hơn 1.500m khối đất đá sạt lở tại tỉnh lộ 622B trên địa bàn xã Trà Lâm, giải tỏa ách tắc giao thông tại khu vực này. Tuy nhiên, ngay sau đó, mưa lớn lại gây ra vụ sạt lở núi trên một đoạn dài hơn 15m và rộng 17m, đổ đất đá lấp kín tuyến đường này tại khu vực thôn Trà Lương, xã Trà Lãnh, huyện Tây Trà. Dự kiến việc thông tuyến chỉ có thể hoàn thành vào ngày 28/11.

Mưa lớn cũng đã làm gãy đổ nhiều cột điện cao thế gây mất điện trên toàn huyện miền núi Tây Trà và người dân trong huyện dự kiến sẽ phải chịu cảnh mất điện đến ngày 30/11.

Đợt mưa lũ kéo dài tại các tỉnh miền Trung cũng khiến đời sống hàng trăm hộ gia đình tại huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam gặp khó khăn. Các vụ sạt lở đất đá đã vùi lấp nhà của hai hộ dân và làm hỏng nhiều nhà khác tại xã Trà Mai. Nhà công vụ của công ty thương mại Tắc Pỏ cũng đã sập hoàn toàn do đất đá trên quả đồi phía sau ập xuống. Đến trưa 26/11, người và tài sản của các hộ gia đình tại xã Trà Mai bị sạt lở đã được cơ quan chức năng di chuyển đến nơi an toàn.

Mưa lũ lớn cũng đã làm cho bờ kè sông Nước Là và tuyến đường nội thị huyện bị sạt lở nghiêm trọng và đang đứng trước nguy cơ cô lập giao thông trong khu hành chính huyện Nam Trà My.

Trong khi đó, tại Đắk Lắk, đồng bào tại các huyện Krông Bông, Ea Kar, M’Đrăk, Krông Ana và Krông Păk đã bị mất hơn 1.100 tấn lương thực, cà phê cùng 9 con trâu, bò, và đang đứng trước nguy cơ mất trắng gần 2.250ha cây trồng khác do mưa lũ cục bộ.

Toàn tỉnh Đắk Lắk cũng có 53 ngôi nhà, 5.000m3 ao cá, và 6 cơ sở sản xuất bị ngập trong nước. Mưa lũ còn gây hư hỏng nặng hơn 10km đường giao thông, 6 cầu cống, gần 700 m kênh mương thủy lợi, gây sạt lở gần 550m3 đất đá.

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong những ngày tới mưa lũ sẽ tiếp tục hoành hành tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hiện mực nước tại các sông trên khu vực này như sông Hương, sông Thu Bồn, sông Kôn, sông Ba và sông Serepok đều đang ở mức báo động II và III, có nơi trên báo động III. Ngày 27/11, lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục