Mua sắm giúp châu Á thoát khỏi khủng hoảng

Chìa khóa để kinh tế châu Á khởi sắc trở lại đang đặt trong tay người tiêu dùng và các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á có tiềm lực phục hồi kinh tế mạnh.
Tạp chí "Nhà kinh tế" (Anh) nhận định: Chìa khóa để kinh tế châu Á khởi sắc trở lại đang đặt trong tay người tiêu dùng và các nền kinh tế đang trỗi dậy ở châu Á có tiềm lực phục hồi kinh tế mạnh hơn so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới.

Trong lúc sản lượng công nghiệp ở Mỹ vẫn tiếp tục giảm trong tháng 5, tại châu Á, chỉ số này đã bắt đầu tăng trở lại để bắt kịp với mức của nửa đầu năm 2008, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu. Tại một vài nền kinh tế nhỏ, mặc dù chỉ số trên giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng guồng máy sản xuất công nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Việc sản lượng công nghiệp tại nhiều nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á tăng trở lại cho thấy các doanh nghiệp không còn chỉ bán ra thị trường những mặt hàng đã có sẵn trong kho mà họ đã bắt đầu sản xuất trở lại và những biện pháp kích cầu đã thực sự mang lại hiệu quả.

Đây là bằng chứng rõ rệt nhất chứng tỏ châu Á có tiềm lực để tự vươn lên trước khi cỗ máy tiêu thụ của các nước châu Âu và Mỹ hoạt động mạnh trở lại để thu hút hàng xuất khẩu của châu Á. Ngân hàng JP Morgan (Mỹ) dự đoán GDP của toàn khu vực châu Á tăng 7% trong quý II/2009.

Dư luận thường cho rằng người châu Á có thói quen tiết kiệm hơi quá nên người tiêu dùng không thể là đòn bẩy kéo kinh tế đi lên. Suy nghĩ trên không hoàn toàn đúng bởi trong 5 năm trở lại đây, trung bình chỉ số tiêu dùng trong khu vực tăng đều đặn 6,5%. Đây là mức cao nhất thế giới.

Theo tạp chí trên, tại ba nền kinh tế đang trỗi dậy hàng đầu ở châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, ngay cả trong giai đoạn khó khăn từ những tháng cuối năm 2008 đến nay, trung bình chỉ số tiêu dùng vẫn tăng trên 5%. Chỉ số bán lẻ của Trung Quốc tăng thêm 15% so với cùng thời kỳ năm ngoái.

Điều đáng chú ý là trong tháng 5 vừa qua, số lượng máy móc điện tử được các hộ gia đình trang bị đã tăng 12%, quần áo may mặc tăng 22% và số người mua xe ôtô mới tăng tới 47%. Tại Hàn Quốc, chỉ số tiêu dùng trong tháng 5 cũng tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong sáu tháng qua, Trung Quốc liên tục tung ra các biện pháp kích thích người tiêu dùng “mở hầu bao” như người dân thành thị được giảm thuế, sắm ôtô, hay hướng đến những sản phẩm công nghệ mới. Đối với nông thôn, chính quyền trợ cấp để người nông dân được trang bị từ tivi, tủ lạnh, đến xe máy, điện thoại di động. Một biện pháp kích cầu khác là Bắc Kinh liên tục tìm cách cải tổ hệ thống an sinh xã hội để "bơm" thêm mãi lực cho người dân.

Gần đây nhất, chính quyền trung ương đã buộc các công ty quốc doanh tham gia sàn chứng khoán từ năm 2005 đóng góp 10% vốn vào Quỹ bảo hiểm xã hội quốc gia để bắt đầu tài trợ cho các quỹ bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Có như vậy, các hộ gia đình có thu nhập thấp mới yên tâm tiêu dùng thay vì bỏ tiền tiết kiệm.

Theo đánh giá của "Nhà kinh tế", trước mắt, biện pháp trên chỉ có tác động khiêm tốn, nhưng về lâu về dài, có thể coi đó như một cuộc cách mạng vì nó sẽ “giải phóng” được một nguồn vốn đáng kể để phục vụ cho việc mua sắm.

Một biện pháp khác để “bơm” thêm tiền vào guồng máy kinh tế là tạo điều kiện thuận lợi cho tư nhân vay mượn ngân hàng. Tại nhiều nước trong khu vực, tổng số nợ của tư nhân tính ra tương đương chưa đầy 50% GDP. Tại Trung Quốc và Ấn Độ, tỷ lệ này không vượt quá 15%.

Trong khi đó, tỷ lệ tiết kiệm ở Hàn Quốc trong những năm gần đây giảm sút một cách đáng kể, từ 18% xuống còn khoảng 4% thu nhập gia đình. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, quyết định “mở” thêm "vòi" tín dụng càng trở nên cần thiết để kích thích đầu tư và tiêu thụ.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy tiêu thụ đang góp phần quan trọng vào tiến trình vực dậy nền kinh tế toàn cầu. Đà phục hồi tại các nền kinh tế châu Á bắt buộc phải đi kèm với việc tăng tiềm năng tiêu thụ của các nước trong khu vực.

Hy vọng thú mua sắm của người dân châu Á sẽ giúp khởi động lại con tàu kinh tế của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh các nhà lãnh đạo toàn cầu cũng như các định chế tài chính đa quốc gia đang mỏi mòn tìm kiếm những động lực kinh tế nhằm đưa thế giới ra khỏi khủng hoảng./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục