Cuộc hành trình “trả lại tên” cho đồng đội

Mùa Xuân và hành trình “trả lại tên” cho đồng đội

Gần cả cuộc đời hy sinh cho đất nước, khi đã được về hưu, họ vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến khoảng thời gian cuối đời để “trả lại tên” cho những người đồng đội đã không may mắn được trở về

Gần cả cuộc đời hy sinh cho đất nước, khi đã được về hưu, họ vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến khoảng thời gian cuối đời để “trả lại tên” cho những người đồng đội đã không may mắn được trở về, để mùa Xuân này, lại có thêm những liệt sỹ chưa xác định tên được về với gia đình.

Đó là câu chuyện của những đại tá về hưu cùng tập hợp lại với nhau thành lập nên Hội hỗ trợ các gia đình liệt sỹ Việt Nam (Bộ Quốc phòng).

Xuân này mẹ đã đón được anh về

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những tàn tích, dư âm của nó có lẽ sẽ còn kéo dài mãi. Cả nước có hơn 1 triệu liệt sỹ, trong đó có hơn 300.000 liệt sỹ đã được quy tập tại các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính.  Những chiến sỹ vô danh ấy là những người con chưa được trở về quê hương.

Mùa Xuân này, gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọc (ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã may mắn tìm lại được phần mộ của liệt sỹ bị thất lạc sau mấy chục năm tìm kiếm nhờ sự trợ giúp của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam.

Ông Nguyễn Phúc Châu, em trai liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọc ngậm ngùi kể lại, hơn 40 năm qua, cái Tết nào mẹ ông Châu cũng buồn nhớ, nhắc đến liệt sỹ Nguyễn Văn Ngọc, thi thoảng mẹ lại giở ảnh các con ra xem rồi ngồi khóc vì thương nhớ.

“Tìm được hài cốt của anh tôi và nhận được kết quả ADN, mẹ tôi vỡ òa trong nước mắt. Mẹ tôi vừa khóc vừa nói rằng thật may mắn khi vẫn còn sống để được đón con trở về nhà…” ông Nguyễn Phúc Châu xúc động nói.

Mùa Xuân và hành trình “trả lại tên” cho đồng đội ảnh 1Trao kết quả ADN cho gia đình thân nhân liệt sỹ. (Ảnh: Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam)

Góp sức xoa dịu những vết thương sau chiến tranh, những người lính đã về hưu của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam không chỉ hỗ trợ tìm lại hài cốt, giám định AND miễn phí mà còn lên đường đi 35 tỉnh thành lấy mẫu sinh phẩm để xác định danh tính cho gần 1.000 tình nguyện viên, chuyên gia của Việt Nam hy sinh tại mặt trận 31 cánh đồng Chum (Lào).

Trong hành trình ấy, sau hơn 40 năm kể từ ngày nhận giấy báo tử, ngọn lửa khao khát chờ mong ngày được đưa các liệt sỹ trở về của những người mẹ chờ con, người vợ chờ chồng, người con mong cha… lại bùng cháy lên. Xuyên suốt cả hành trình là những câu hỏi bao giờ biết kết quả, bao giờ có tin về liệt sỹ...

Đại tá Nguyễn Văn Thuận, 64 tuổi, Chánh văn phòng của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ đã đi khắp các tỉnh đồng bằng sông Hồng lấy mẫu sinh phẩm bồi hồi kể lại: “Cách thể hiện tình cảm thì mỗi người mỗi khác, nhưng tựu trung lại, cuối cùng trước khi ra về, họ đều hỏi chúng tôi khi nào biết được kết quả, biết được thông tin về người thân của họ khiến chúng tôi cảm nhận rất rõ gánh nặng, trách nhiệm của chúng tôi,” 

Đại tá Thuận cho biết, cảm động nhất có lẽ là cảnh những người mẹ già đã gần 90 tuổi vượt hàng chục, hàng trăm cây số đến gặp đội công tác. Cụ không hiểu lấy mẫu sinh phẩm là gì, nhưng cụ biết đó là những thông tin về con của cụ và ngày đứa con ấy “trở về” có thể không còn xa nữa.

“Nhưng lời tâm sự mộc mạc, chân thật khiến chúng tôi vô cùng xúc động, các cụ mong sớm biết kết quả để có thể đưa con trở về trước khi ‘nhắm mắt xuôi tay’,” Đại tá Nguyễn Văn Thuận kể.

“Tôi lên đường vì đồng đội còn nằm lại”

Thành viên của Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ đều là những người lính đã về hưu, họ đều đã từng có những năm tháng tuổi trẻ tham gia chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, nay họ lại dành khoảng thời gian cuối đời để đưa những đồng đội đã ngã xuống trở về với quê hương, với gia đình.

Nhận nhiệm vụ lên đường đi lấy mẫu sinh phẩm tại 5 tỉnh phía Tây Bắc, Đại tá Nguyễn Quang Thanh (Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam), 61 tuổi, đã đi mất hơn 10 ngày để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mùa Xuân và hành trình “trả lại tên” cho đồng đội ảnh 2Lấy mẫu sinh phẩm để xác định danh tính liệt sỹ. (Ảnh: Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam)
Đại tá Nguyễn Quang Thanh  tâm sự: “Sau chiến tranh, chúng tôi là những người may mắn trở về, hơn ai hết chúng tôi hiểu được cái khao khát được trở về, được gặp lại những người thân, vì vậy,  chúng tôi muốn góp một chút sức lực nhỏ bé vào quá trình xác định danh tính, đưa những đồng đội của tôi về với gia đình, với quê hương.” Điều kiện làm việc đơn sơ, công việc mang tính chất tình nguyện, làm việc nghĩa không có thu nhập, những người lính trong Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ vẫn sống chủ yếu bằng lương hưu. Trong lần đến thăm Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ cuối năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tân Sang đã nhấn mạnh: “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam là hội của những người mang nặng nghĩa tri ân đối với các anh hùng liệt sỹ và gia đình liệt sỹ” và thật sự các bác là những người “cơm nhà, áo vợ”. Số lượng thân nhân liệt sỹ tìm đến Hội hỗ trợ gia đình liệt sỹ ngày càng tăng. Khẳng định được vai trò quan trọng của mình, hội cũng đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ quan trọng là tổ chức lấy mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ nguyên cán bộ, chiến sĩ Mặt trận 31 hy sinh tại Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng (Lào). Công việc cứ ngày càng nhiều hơn, thế nhưng những người lính ấy không bao giờ ngại khó khăn, vất vả, hết lòng giúp đỡ thân nhân liệt sỹ. Lúc nào trong mắt của những người lính già ấy cũng ánh lên niềm vui, vì mỗi ngày các bác lại đưa được thêm nhiều hơn những người đồng đội của họ trở về. “Đối với chúng tôi, mỗi nụ cười, mỗi giọt nước mắt hạnh phúc, mỗi lời cảm ơn của thân nhân gia đình liệt sỹ chính là động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc,” Đại tá Nguyễn Quang Thanh nói. Khép lại cuộc trò chuyện đầu Xuân với phóng viên, Đại tá Nguyễn Văn Thuận tâm sự: “Tôi đã 64 tuổi, thời gian còn lại có lẽ cũng không còn nhiều nữa, nhưng còn sức khỏe là tôi còn đi tìm đồng đội của mình”./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục