Mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm có thể tăng 7 lần

Bộ trưởng Y tế cho biết Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mới với mức phạt tăng 7 lần.
Mức phạt vi phạm về an toàn thực phẩm có thể tăng 7 lần ảnh 1Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm mới với mức phạt gấp 7 lần so với trước, đồng thời rút giấy phép kinh doanh và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông.

Tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm năm 2013 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, tổ chức ngày 2/1, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết trong năm 2013, công tác xây dựng văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật tiếp tục được đẩy mạnh.

Nhờ công tác truyền thông, kiến thức về an toàn thực phẩm của các nhóm đối tượng tăng hơn so với năm trước. Việc thanh, kiểm tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với các ban, ngành liên quan mang lại hiệu quả tích cực góp phần lập lại trật tự kỷ cương trong hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm: tỷ lệ cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm đã giảm từ 21,2% (năm 2012) xuống còn 20,1%; số mẫu được kiểm nghiệm đạt yêu cầu tăng từ 82,3% (2012) lên 88,8%.

Nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện kịp thời và xử lý kiên quyết, công khai trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Tình trạng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép cơ bản đã được đẩy lùi, ngăn chặn. Ngộ độc thực phẩm vẫn đang trong tầm kiểm soát; số vụ, mắc, chết đều giảm so với năm 2012.

Tuy nhiên, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập như việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ vệ sinh thú y chưa được cải thiện nhiều; tình hình quảng cáo thực phẩm đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều vi phạm. Việc lấy mẫu để kiểm nghiệm trong quá trình thanh, kiểm tra còn hạn chế. Tình hình vi phạm về kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý các vi phạm còn chưa kiên quyết, tại tuyến xã hầu hết không xử phạt mà chủ yếu là nhắc nhở.

Trong năm 2014, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan; củng cố, hoàn thiện hệ thống Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại các tỉnh, thành phố; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép...

Đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, Ban chỉ đạo Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch “Bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán năm 2014” trong thời gian từ 25/12/2013 đến 25/2/2014 trên phạm vi toàn quốc. Kế hoạch nhằm huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, các cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân các cấp, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn cho mọi người.

Bộ Y tế hiện đang trình Chính phủ Đề án xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm và hệ thống cảnh báo nhanh nhằm tạo điều kiện cho các địa phương trong vấn đề kiểm nghiệm về thực phẩm.

Với quan điểm "không chấp nhận tình trạng một người kiếm lợi trên lưng nhiều người khác," Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ rõ việc kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm cần xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, không làm tràn lan, ngẫu hứng. Hiện Bộ đã chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật tập trung trong tháng tới, chỉ nhập khẩu những thực phẩm an toàn vào Việt Nam...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng, liên quan rộng lớn không chỉ việc sản xuất, lưu thông mà còn vấn đề thói quen tiêu dùng, thậm chí cả vấn đề về giống nòi.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm và các văn bản liên quan; tập trung thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, nhất là trong tháng Tết, tập trung vào các khâu, mặt hàng, vùng trọng điểm với tinh thần xử lý nghiêm theo đúng pháp luật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các bộ, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc chấp hành đúng quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Các địa phương cần tăng cường cán bộ làm công tác thanh tra về vệ sinh an toàn thực phẩm từ cấp Trung ương đến cấp xã, trong đó tận dụng mạng lưới cán bộ ăn lương cấp xã, phường kiêm nhiệm thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương trong công tác tổng kết, tuyên truyền cần thực hiện tiết kiệm, tránh phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục