Mức tăng trưởng tín dụng ở Đồng Nai cao hơn trung bình cả nước

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cho biết tính đến ngày 30/9, tổng dư nợ trên địa bàn Đồng Nai đạt hơn 87.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2013.
Mức tăng trưởng tín dụng ở Đồng Nai cao hơn trung bình cả nước ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho biết tính đến ngày 30/9, tổng dư nợ trên địa bàn Đồng Nai đạt hơn 87.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2013.

Như vậy, Đồng Nai có tổng dự nợ tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng toàn quốc (tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng của toàn quốc mới đạt khoảng 5,8%).

Cho vay ở lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm dư nợ cao nhất, chiếm hơn 63% tổng dư nợ, với gần 55.000 tỷ đồng; cho vay thương mại chiếm 18,5%, với gần 16.000 tỷ đồng; lĩnh vực nông-lâm-thủy sản chiếm 9,34%, với hơn 8.000 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng và các khoản khác chỉ chiếm khoảng 8,6%, với hơn 7.400 tỷ đồng.

Cũng theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, dòng vốn trên địa bàn luôn được điều chỉnh theo cơ cấu tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; trong đó, tập trung đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và phù hợp với chủ trương của ngành và của tỉnh, lãi suất cũng đã được kéo giảm đáng kể để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 346 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh gần 400 tỷ đồng và gia hạn nợ cho 390 khách hàng với dư nợ gia hạn trên 1.460 tỷ đồng; đã giảm lãi suất dư nợ cho vay ở 114 khách hàng với số tiền lãi được giảm gần 5 tỷ đồng.

Đặc biệt, các Ngân hàng thương mại Nhà nước còn đóng vai trò chủ lực trong lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn.

Đến nay, dư nợ của khối ngân hàng thương mại nhà nước đạt trên 9.139 tỷ đồng, chiếm 64% trong dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn trên địa bàn. Trong đó dư nợ cho vay không có tài sản thế chấp ước đạt 1.990 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 14%.

Về chất lượng tín dụng, hiện tổng dư nợ quá hạn từ nhóm 2 đến nhóm 5 của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Đồng Nai là gần 3.000 tỷ đồng. Con số này chiếm 3,55% trên tổng dư nợ, giảm 1,85% so với cùng kỳ năm trước, và cũng đã giảm 0,6% so với đầu năm.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn vấn đề nợ xấu vẫn đang là nỗi lo của các tổ chức tín dụng ở Đồng Nai. Trong đó, nợ xấu (tức dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5) là khoảng 2.500 tỷ đồng, chiếm 2,87% tổng dư nợ.

Riêng nợ có khả năng mất vốn (dư nợ nhóm 5) là gần 1.500 tỷ đồng, chiếm trên 1,8% tổng dư nợ.

Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng 1,12% so với cùng kỳ và tăng 0,49% so với đầu năm. Nhóm này chủ yếu rơi vào khách hàng là các doanh nghiệp đã phá sản, không còn khả năng trả nợ.

Để khắc phục tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện Thông tư 19 Ngân hàng Nhà nước, kê biên xử lý tài sản các doanh nghiệp bỏ trốn, chủ động tăng cường phối hợp với ngành tòa án để thanh lý tài sản ở các doanh nghiệp ngưng hoạt động nhằm thu hồi nợ.

Đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng tiếp tục theo sát giúp đỡ và tiếp tục cho vay vốn mới để khôi phục sản xuất và thu hồi nợ cũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục