Đã khó càng thêm khó

Mục tiêu hạ lãi suất: Đã khó lại càng thêm khó

Chủ trương hạ mặt bằng lãi suất xuống “vào 10, ra 12” đã được ba tháng nhưng đến nay cả lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức cao.
Đã ba tháng trôi qua kể từ khi chủ trương hạ mặt bằng lãi suất của Chính phủ xuống mức “vào 10, ra 12” nhưng đến nay cả lãi suất huy động lẫn cho vay VND vẫn ở mức cao từ 11,2% - 16%/năm. Dường như các giải pháp nhằm hạ dần lãi suất đã không phát huy tác dụng.

Lãi suất huy động và cho vay đều cao


Là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi lãi suất, nhưng nửa năm qua, Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu (Hà Nội) vẫn phải đi vay với lãi suất cao lên đến 16%, bất chấp chủ trương hạ lãi suất của Chính phủ.

Lãi suất cao vẫn đang siết chặt các doanh nghiệp, đó là thực tế trong 6 tháng đầu năm nay. Có những doanh nghiệp còn ngậm ngùi tiết lộ, nửa đầu năm, lợi nhuận của họ đã bị giảm tới 75 đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái, mà một trong những nguyên nhân vẫn là do lãi suất cao. Và đích đến “lãi cho vay sẽ giảm xuống mức 12% một năm” như dự tính vẫn còn rất xa vời...

Thực tế đến giờ cho thấy, những mục tiêu trên hầu như phá sản. Trưởng phòng tín dụng của một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội cho biết, lãi suất huy động VND tối đa của nhiều ngân hàng thương mại là 11,2%, đó là chưa cộng thêm các khoản khuyến mãi. Vì vậy, lãi suất cho vay không thể giảm như mong muốn.

Lãi suất cho vay thấp nhất (khoảng 12% - 13%/năm) chỉ dành cho những “mối ruột” ở lĩnh vực xuất nhập khẩu; còn cho vay sản xuất kinh doanh thông thường phải dao động từ 14% - 15%/năm. Thậm chí, theo Cổng thông tin Ngân hàng Bán lẻ (www.laisuat.vn), có ngân hàng còn niêm yết ở mức trên 17%.

Không chỉ các doanh nghiệp than vãn, ngay vị trưởng phòng trên cũng thừa nhận, mức lãi suất cho vay như trên là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Do vậy, số lượng khách hàng mới của ngân hàng này tăng rất ít, chủ yếu vẫn khách hàng cũ.

Ngay từ cuối tháng Sáu, khi các ngân hàng ngồi lại để đồng thuận kéo lãi suất xuống theo chỉ đạo, thì việc huy động vốn vẫn nóng. Lãi suất sau đó có hạ nhiệt nhưng không được lâu, một số ngân hàng âm thầm thực hiện các chương trình khuyến mại đối với các khoản tiền gửi.

Vài tuần gần đây, các ngân hàng bắt đầu một cuộc đua huy động với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, trong đó các ngân hàng lớn cũng công khai luôn việc tặng quà...

Lực cản từ nhiều phía

Một số chuyên gia cho rằng, thực tế, lãi suất huy động hiện nay còn cao hơn mức lãi suất ở thời điểm thỏa thuận hạ lãi suất. Với giá vàng và đô la liên tục tăng cao đã khiến nhiều khách hàng gửi tiền đòi mức lãi suất cao do không tin vào giá trị đồng tiền. Ngược lại, để có vốn, ngân hàng phải trả thêm lãi suất cho người gửi tiền bằng nhiều cách, đẩy lãi suất huy động thực trả lên 12-13%/năm.

Bên cạnh đó, để cơ cấu lại danh mục huy động vốn của mình theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ huy động trên thị trường 1 (dân cư và các tổ chức kinh tế) và thị trường 2 (vay lẫn nhau), rất nhiều ngân hàng có nhu cầu huy động thêm vốn trên thị trường 1. Chính vì vậy mặt bằng lãi suất huy động khó có thể giảm được.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết, lãi suất huy động VND của các ngân hàng thương mại dao động từ 10,6% - 11,2%/năm và lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh nằm ở khoảng 13% - 15%/năm. Không những vậy, lãi suất cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất như tiêu dùng, chứng khoán… lại còn cao hơn nhiều, từ 16% - 20%/năm.

Lộ trình cắt giảm lãi suất đang bị phá vỡ nhưng đứng vào vị trí của các ngân hàng thương mại để nhìn nhận, thì họ khó có lựa chọn nào khác khi mà hiệu lực thi hành của Thông tư 13 đang đến gần. Lý do là, các ngân hàng phải từng bước cân đối để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định mới của Ngân hàng Nhà nước nên cạnh tranh về huy động vốn sẽ khó khăn.

Ngoài ra, Thông tư 13 quy định tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động của các ngân hàng phải duy trì ở mức 80%.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, đây là một tỷ lệ bình thường và ngân hàng nào cũng phải duy trì ở mức này, nhưng theo khoản 3 điều 18 của Thông tư, nguồn vốn huy động sử dụng để cho vay không bao gồm tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức kinh tế, Kho bạc Nhà nước, bảo hiểm xã hội và các tổ chức khác. Trong khi những nguồn này thường chiếm đến 15% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng. Như vậy, nguồn vốn huy động để cho vay của các ngân hàng sẽ bị giảm xuống. Một số ngân hàng đã cho vay vượt tỷ lệ này nên phải huy động thêm vốn.

Mặt khác, các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước được xây dựng dựa trên nguồn vốn huy động của dân cư, do vậy ngân hàng buộc phải huy động thêm vốn để đáp ứng các chỉ tiêu theo quy định.

Một số ngân hàng đưa ra ví dụ, trước đây, huy động 100 đồng, trừ đi dự trữ bắt buộc và dự phòng ngân hàng có thể cho vay 90-95 đồng. Tuy nhiên sắp tới, theo Thông tư 13, ngân hàng chỉ còn cho vay được khoảng 60 đồng, sau khi tính đủ các chi phí hoạt động, trích dự trữ bắt buộc, dự phòng rủi ro, thuế... Để kéo tỷ lệ này về đúng mức cho phép ngân hàng chỉ còn cách hạn chế cho vay đồng thời đẩy nhanh huy động. Huy động khó có khả năng tăng nhanh dù lãi suất thực tế đã ở mức cao. Chính vì vậy, việc tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong thời điểm này càng khó khăn.

Trong một cuộc trao đổi mới đây với Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, ông khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ dựa trên những đề xuất, khó khăn thực tiễn của các ngân hàng để sửa đổi Thông tư 13, tuy nhiên, mức thay đổi này sẽ không nhiều./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục