Mục tiêu xây dựng ''thành phố không dây'' của Hà Nội đang bị chậm

Các doanh nghiệp hạ ngầm chậm là do công tác hoàn thiện hồ sơ, đấu thầu, đàm phán hợp đồng mất nhiều thời gian; đặc biệt, việc bố trí vốn của một số doanh nghiệp còn bất cập.
Mục tiêu xây dựng ''thành phố không dây'' của Hà Nội đang bị chậm ảnh 1Thi công hạ ngầm tuyến cáp trên đường Lê Văn Lương. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng “thành phố không dây” bằng việc đồng bộ hạ ngầm các tuyến cáp điện lực, viễn thông và chiếu sáng trên các tuyến phố. Song, đến thời điểm này, tiến độ triển khai đang bị chậm do còn những bất cập giữa các đơn vị thực hiện và thiếu nguồn lực tài chính.

Không hoàn thành kế hoạch

Năm 2017, Hà Nội dự kiến hạ ngầm đường dây đi nổi trên 101 tuyến phố, chia làm 2 đợt. Nhưng đến tháng 10/2017, chỉ còn hơn hai tháng là kết thúc năm, liên ngành Sở Xây dựng và Sở Thông tin-Truyền thông mới trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt hạ ngầm 45 tuyến phố trên tám quận nội thành và đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Như vậy, có thể khẳng định tiến độ hạ ngầm năm 2017 sẽ không hoàn thành theo kế hoạch đề ra.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An cho biết các doanh nghiệp hạ ngầm chậm là do công tác hoàn thiện hồ sơ, đấu thầu, đàm phán hợp đồng mất nhiều thời gian; đặc biệt, việc bố trí vốn của một số doanh nghiệp còn bất cập; trong đó một số tuyến do MobiFone làm chủ đầu tư chưa được bố trí vốn.

Để đẩy nhanh tiến độ, các lực lượng chức năng đã liên tục kiểm tra, yêu cầu, nhắc nhở các đơn vị thi công nhưng trên một số tuyến phố sự phối hợp giữa các ngành (điện lực, viễn thông và chiếu sáng) còn chưa nhịp nhàng, dẫn tới còn hiện tượng sau khi điện lực vừa đào-lấp xong, viễn thông lại đào tiếp gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư thi công chưa gọn gàng, ban đêm chưa dọn hết đất, phế thải, vật liệu thừa gây mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị; một số vị trí chất lượng hoàn trả hè đường chưa đạt yêu cầu.


[Hà Nội sẽ hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông khu vực trung tâm]

Cũng theo chia sẻ của một đơn vị thực hiện hạ ngầm cáp viễn thông trên địa bàn Hà Nội, để xảy ra những tồn tại trên là do chưa có quy trình về ngầm hóa, các bước triển khai vừa thực hiện, vừa tìm hiểu, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa đồng bộ, nên tốn nhiều công sức và thời gian.

Kêu gọi đầu tư, xã hội hóa

Theo kế hoạch, từ nay đến 2018, Hà Nội sẽ hạ ngầm đồng bộ hệ thống đường dây, cáp viễn thông và đường dây điện lực trung, hạ áp tại 162 tuyến phố chính thuộc bốn quận nội thành cũ. Trong giai đoạn 2018-2020, Hà Nội sẽ tiếp tục hạ ngầm tại các tuyến phố trên địa bàn các quận còn lại theo Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội với các doanh nghiệp VNPT, Viettel, MobiFone, EVN Hà Nội, FPT Telecom và CMC.

Đặc biệt, theo Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội sẽ quản lý chặt chẽ việc thực hiện các dự án hạ ngầm kết hợp với chỉnh trang đô thị, phấn đấu đến năm 2020 hạ ngầm, thanh thải bó gọn và sắp xếp các đường dây cáp đi nổi trên các tuyến phố chính từ đường vành đai 3 trở vào trung tâm thành phố; hạ ngầm 100% mạng cáp viễn thông tại các tuyến đường vành đai, khu đô thị mới, các khu đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp, khu dân cư mới và khu vực các tuyến đường xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng.

Với các mục tiêu đề ra, theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An, thời gian tới, cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ hạ ngầm, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đơn giá cho thuê công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung trên địa bàn.

Đối với các tuyến công trình ngầm được triển khai đầu tư theo hình thức xã hội hóa, Sở Xây dựng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các quận bố trí vốn và khẩn trương cải tạo, chỉnh trang vỉa hè đảm bảo đồng bộ mỹ quan, văn minh đô thị.

Thành phố cũng yêu cầu đối với khu vực, tuyến đường, tuyến phố đã có hạ tầng công trình ngầm do các doanh nghiệp tự đầu tư, khai thác và quản lý, vẫn còn khả năng lắp đặt thêm cáp viễn thông, khi triển khai ngầm hóa các tuyến cáp treo tại khu vực này các doanh nghiệp phải phối hợp để dùng chung hạ tầng với doanh nghiệp sở hữu hạ tầng công trình ngầm…

Với các khu đô thị cũ, đô thị cải tạo, thành phố sẽ có kế hoạch đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư, xã hội hóa để triển khai xây dựng công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị sử dụng chung (tuynel, hào, cống bể kỹ thuật) nhằm từng bước hạ ngầm các đường dây, cáp đi nổi tại khu vực này.

Đánh giá kết quả thực hiện hạ ngầm tại các tuyến phố thời gian qua, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định bộ mặt đô thị đã được cải thiện đáng kể và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân.

Hiện, trong tổng số 71 tuyến phố đã được phê duyệt hạ ngầm trong năm 2016 và đợt một năm 2017, các doanh nghiệp đã thi công được 58 tuyến. Cụ thể, có 16 tuyến đã cơ bản hoàn thành cả phần điện lực và viễn thông, bao gồm Hoa Lư, Võ Thị Sáu, Lò Đúc, Trần Khát Chân, Châu Long, Ngọc Hà, Đội Cấn, Quốc Tử Giám, Quang Trung, Trần Xuân Soạn, Cửa Bắc, Tôn Thất Tùng, Lương Đình Của, Văn Miếu, Trúc Khê, Trịnh Hoài Đức; còn 15/17 tuyến phố trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chưa thi công, cả điện lực và viễn thông.

Song song, Ủy ban Nhân dân các quận đang lập dự án cải tạo chỉnh trang đô thị đồng bộ các tuyến đã hạ ngầm bao gồm lát hè đá, cải tạo cây xanh, chiếu sáng, chỉnh trang mặt phố... Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm, mới chỉ thực hiện xong tại phố Giang Văn Minh; đang thi công đường Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Bà Triệu... và đang lập dự án, đấu thầu tuyến Thái Hà-Huỳnh Thúc Kháng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục