Muhammad Yunus và công cụ giúp thoát nghèo

Giải Nobel Hòa bình, diện kiến nhiều tổng thống, thủ tướng khắp thế giới, Muhammad Yunus là ông chủ nhà băng nổi tiếng nhất thế giới.
Với việc giành Giải Nobel Hòa bình và gặp gỡ nhiều tổng thống, thủ tướng trên khắp thế giới, Muhammad Yunus là ông chủ nhà băng nổi tiếng nhất thế giới.

Ông là người phổ biến khái niệm tín dụng vi mô (cho những người dân rất nghèo vay các khoản tín dụng nhỏ). Đây được xem là công cụ giúp nhiều người thoát cảnh nghèo. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu hiện đang đặt ra nhiều câu hỏi liên quan tới hình thức cho vay được đánh giá cao này.

Người phổ biến tín dụng vi mô

Muhammad Yunus sinh ngày 28/6/1940 ở Chittagong, tỉnh Bengal của Ấn Độ thuộc Anh (nay là nước Bangladesh). Ông là con thứ 3 trong gia đình 9 người con. Từ thuở nhỏ, Yunus đã tỏ ra rất thông minh và luôn tìm hiểu tường tận về những gì được dạy ở trường. Năm thi tú tài, ông đứng hạng thứ 16 trong tổng số 39.000 học sinh.

Năm 1957, Yunus theo học ngành kinh tế tại Đại học Dhaka, tốt nghiệp năm 1960 và lấy bằng thạc sĩ năm 1961. Sau khi ra trường, Yunus vào dạy tại Đại học Chittagong trước khi nhận học bổng Fullbright để sang Mỹ và lấy bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Vanderbilt năm 1969. Từ năm 1969 đến năm 1972, Yunus là giáo sư phụ giảng môn kinh tế học tại Đại học Middle Tennessee State trước khi quay trở về Bangladesh, nơi ông giảng dạy tại Đại học Chittagong.

Nạn đói khủng khiếp năm 1974 tại Bangladesh khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng đã làm cho Giáo sư Yunus phải để ý đến vấn đề xóa đói giảm nghèo tại nước ông.

Năm 1976, trong chuyến thăm một số hộ nghèo ở làng Jobra gần trường Chittagong, Yunus thấy rằng các khoản vay rất nhỏ có thể tạo nên những thay đổi lớn đối với cuộc sống của một người nghèo. Phụ nữ Jobra rất khéo tay, biết làm nhiều đồ dùng bằng tre để đem bán lấy tiền. Nhưng do cảnh nghèo, họ thường phải vay nặng lãi để có tiền mua tre. Khoản tiền đầu tiên cấp cho các hộ nghèo, gồm toàn bộ 27 USD có trong túi, đã được Yunus dành cho 42 phụ nữ trong làng Jobra.

Cùng năm đó, Yunus sáng lập Ngân hàng Grameen (Grameen có nghĩa là “nông thôn” hay “làng xã”) để cho nông dân nghèo có cơ hội vay tiền làm ăn, tạo dựng đời sống mới. Khi mới khởi sự Grameen, Yunus đã đi ngược lại tất cả những quy luật truyền thống của ngành ngân hàng ở Bangladesh. Một trong những hành động đầu tiên của ông là nhắm vào phụ nữ để cho vay vì theo ông đây là các đối tượng nghĩ đến gia đình và tương lai nhiều hơn nam giới, vốn chỉ muốn giải quyết những nhu cầu của cá nhân.

Hoạt động của Grameen cũng khác với tất cả những nhà băng bình thường. Nếu ngân hàng chỉ muốn cho vay số tiền lớn, Grameen chú trọng cho vay những món tiền nhỏ, từ 50 - 100 USD. Nếu ngân hàng đòi hỏi giấy tờ thì Yunus lại thiết lập cơ sở tín dụng dành cho người mù chữ. Ở nơi khác, người vay phải đến ngân hàng, còn Grameen đến tận nơi có khách hàng. Và điều quan trọng hơn hết là có sự tin cậy giữa người cho vay đối với người vay tiền. Sáng kiến của ông Yunus nhận được sự hưởng ứng đông đảo ở mọi nơi, không chỉ tại Bangladesh mà còn lan ra khắp thế giới.

Chưa phải công cụ xóa nghèo?

Từ 27 USD ban đầu, Yunus đã xây dựng Grameen trở thành một tập đoàn cho vay vốn nhỏ trị giá 8 tỉ USD, chuyên cho những người nghèo nhất vay tiền. Công việc của Yunus đã được các Tổng thống Mỹ Jimmy Carter, Bill Clinton và Barack Obama ca ngợi.

Song theo tờ Times Of London, Yunus đã bắt đầu vấp phải những lời chỉ trích. Một số viện nghiên cứu Mỹ sau khi xem xét hoạt động tín dụng vi mô đã đặt câu hỏi về tác dụng giảm nghèo.

“Tín dụng vi mô không phải là giải pháp toàn diện có khả năng đưa người ta thoát nghèo” - Dean Karlan, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Yale, tuyên bố. Ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu hoạt động cho vay vốn nhỏ ở Philippines. Ông cho biết có một số ít người đã khá lên nhưng tác động chung của hoạt động vay vốn nhỏ là yếu.

Trong công trình nghiên cứu tại Philippines, Karlan và cộng sự Jonathan Zinman đã so sánh những người vay vốn nhỏ với những người không vay vốn. Kết quả thật bất ngờ. Các ông thấy rằng vay vốn nhỏ chẳng những ít tạo ra sự khác biệt mà còn gây tác dụng ngược - một số người dùng tiền vay để ăn tiêu hàng ngày thay cho đầu tư làm ăn. Không ít người đã dùng tiền vay để mua tivi. Một nghiên cứu tương tự tại Hyderabad, Ấn Độ, cũng cho thấy vay vốn nhỏ không gây tác động cải thiện tình hình chăm sóc y tế và giáo dục trong các gia đình vay tiền.

Nghiên cứu khác do Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) tiến hành cho thấy chỉ có những lợi ích nhỏ từ tín dụng vi mô. Theo Giáo sư Esther Duflo, thành viên nhóm nghiên cứu, vấn đề nằm ở chỗ người ta đã kỳ vọng quá cao vào những công ty như Grameen. “Tín dụng vi mô là thứ rất hữu dụng. Nhưng đó không phải là loại thuốc thần diệu có thể chấm dứt đói nghèo” - ông nói trên tờ Boston Globe.

Thành công của Grameen đã tạo ra một làn sóng bắt chước trên toàn cầu. Hàng loạt các ngân hàng đã lao vào việc cho người nghèo vay tiền, khiến người ta lo ngại về một quả bom tín dụng khác đang được hình thành tại nhiều khu ổ chuột của thế giới.

Có thể thấy điều này qua câu chuyện của Zahreen Taj, một phụ nữ nghèo sống ở thành phố Ramanagaram, phía Nam Ấn Độ. Taj kể rằng có thời gian rất nhiều người đã xuất hiện tại khu ổ chuột nơi chị sống và đề nghị cho vay tiền. Vậy là Taj vay 125 USD để đầu tư vào chiếc xe bán rau của chồng. Đến hạn thanh toán, chị vay tiền từ ngân hàng thứ hai để trả tiền cho ngân hàng thứ nhất và cứ như thế. Sau 4 năm trời, Taj đã vay (kể cả vốn lẫn lãi) hơn 1.000 USD và hiện mới chỉ trả được 94 USD.

Trong khi ít người phủ nhận việc thành công của Grameen đã giúp cải thiện cuộc sống của phụ nữ Bangladesh, các chuyên gia nói rằng vẫn còn quá ít nghiên cứu được tiến hành để so sánh tác động giữa việc cho vay vốn nhỏ và dùng số tiền vay đó để xây một nhà máy, tạo nên hàng trăm việc làm.

Với những người như Karlan, hoạt động nghiên cứu của các ông đã cho thấy tín dụng vi mô không giúp đổi đời người nghèo như người ta vẫn tưởng. Còn theo Peter Schaefer, một chuyên gia phân tích của tạp chí Foreing Policy, Yunus là một tài năng chống đói nghèo với tầm nhìn xa, “nhưng các ý tưởng sáng chói của ông lại có tác động khá hạn chế trong đời thực”./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục