"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh' hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’

Trước những ý kiến bỏ hay giữ Tết, gộp Tết Nguyên Đán với Tết Dương lịch, các nghệ sỹ Việt đã chia sẻ với Đẹp quan điểm của riêng họ.

''Không thể đẩy Tết âm lên Tết dương vì nó không phù hợp về khí tiết và quy luật vận động của trời đất!''; ''Gộp Tết âm lịch vào Tết Dương lịch cũng là một ý hay nhưng chưa nên thay đổi ngay''...

Trước những ý kiến bỏ hay giữ Tết, gộp Tết Nguyên Đán với Tết Dương lịch, các nghệ sỹ Việt đã chia sẻ với Đẹp quan điểm của riêng họ.

Vì có quá nhiều hệ lụy xảy ra xung quanh ngày Tết như kỳ nghỉ quá dài khiến nhiều người sa đà vào nhậu nhẹt quá đà; mượn ngày Tết để biếu xén hối lộ; ngày Tết tốn kém vì quá nhiều khoản phải chi; mệt vì phải lo cỗ bàn tiếp khách, rồi ngày Tết đang dần mai một trong lòng mỗi người... khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy thì tại sao phải giữ Tết?

Nhiều ý kiến lại cho rằng nên gộp Tết âm vào Tết Dương lịch, ăn Tết cùng thời gian với các đối tác trên thương trường để không lỡ mất các cơ hội làm ăn, bởi trong khi các nước đang dành thời gian đua làm giàu thì chúng ta dành thời gian nghỉ tới 3-4 tuần cả Tết dương và Tết âm...

Mỗi luồng tranh luận đều đưa ra những lý do thuyết phục. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng các nghệ sỹ Thái Hòa, Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc, đạo diễn Dũng "Khùng',' MC Phan Anh, ca sỹ - nhạc sỹ Hoàng Bách và MC Thảo Vân.

Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc – “Đừng thay đổi thời gian đón Tết, nếu muốn thay đổi hãy đổi… lịch trước”

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 1 Nghệ sỹ Ưu tú Xuân Bắc gắn bó với vai Nam tào trong Táo Quân vào mỗi dịp Tết.

“Đẹp hỏi thì tôi mới nói, dưới góc nhìn của tôi, mỗi thứ sinh ra đều có giá trị riêng, mỗi tiêu chí thay đổi đều căn cứ theo không gian, thời gian và lịch sử. Chúng ta thay đổi hôm nay chưa bằng xung quanh nhưng độc lập.

Tết cổ truyền là giá trị văn hóa tốt đẹp gắn với chữ trường tồn. Nếu bây giờ thay đổi - đón Tết âm lịch chung với Tết Dương lịch để hòa nhập với thế giới nhằm tiết kiệm thời gian và tiền bạc, nói như vậy thì có thể gộp rằm Trung Thu với… rằm Tháng 7 được không???

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 2

Theo tôi, chúng ta phải giữ lại những giá trị văn hóa chúng ta cho là tốt đẹp, nếu vì phát triển kinh tế mà bỏ giá trị truyền thống, tôi cho là ngớ ngẩn.

Tết Việt - không phải ở cảm giác, suy nghĩ của mỗi người mà ở giá trị của tất cả chúng ta đều hướng tới, giá trị đó không mua được bằng tiền.

Tôi cho rằng, những người muốn thay đổi Tết họ không hiểu giá trị của không gian, thời gian, sự vận động của vũ trụ. Ngày Tết của ta theo lịch âm, theo lịch nông nghiệp hàng ngàn năm nay.

Tết Âm lịch là ngày đoàn viên, là ngày con cháu về thờ cúng tổ tiên, khác với Tết Dương lịch của người nước ngoài - họ xách valy đi chơi.

Thời gian nghỉ là do nhà nước quy định, nếu ai muốn thay đổi thì hãy tự mình thay đổi, tự từ bỏ nghi lễ tết nhất ở gia đình mình.

Nếu muốn phát triển kinh tế thì hãy làm giàu cho mình trước, người khác muốn nghỉ tết thì mặc họ, các bạn hãy cứ làm việc chứ đừng kêu gọi tất cả mọi người từ bỏ truyền thống như vậy.

Đừng thay đổi thời gian đón Tết, nếu muốn thay đổi hãy mạnh dạn vận động đổi… lịch trước khi đổi Tết.

Tôi hiểu, mỗi người có một quan điểm riêng ở vai trò vị trí riêng, mình không trách được, nhưng tôi tin để chính phủ đưa ra quyết định thay đổi, chắc chắn sẽ là những quy định hợp lòng dân chứ không phải theo sách lược của ai đó, một nhóm nào đó.”

Diễn viên – Đạo diễn Thái Hòa – “Muốn bỏ Tết ta? Hãy “ra lệnh’’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 3

“Tôi thấy bỏ Tết ta mà giữ nguyên cái văn hoá làm việc “cà lơ phất phơ” như giờ thì có bỏ luôn Tết tây cũng vậy! Cái cần thay đổi là văn hoá làm việc, ý thức của bản thân đối với công việc... Việt Nam mình 'được' như giờ có phải là do Tết ta đâu!?

Còn muốn thật sự bỏ Tết ta hả? Hãy 'ra lệnh' hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa.

Muốn chuyển thời gian đón Tết ta vào Tết dương để tiết kiệm thời gian?

Thời gian là cái thứ mà ở Việt Nam mình không “xuất khẩu’’ đi thì thôi, mắc gì phải tiết kiệm ta!? Tiết kiệm thời gian nghe cứ tưởng đang sống ở… Nhật Bản.”

MC Phan Anh - ''Không thể đẩy Tết âm lên Tết dương vì nó không phù hợp về khí tiết và quy luật vận động của trời đất!''

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 4

''Tuyệt đối cần phải giữ Tết truyền thống! Chúng ta đã mất quá nhiều rồi! Giờ mất gốc nữa thì chúng ta chẳng còn gì cả.

Tôi cho rằng đổ lỗi cho hệ lụy của ngày Tết đều là bao biện, câu chuyện phát triển kinh tế, năng suất lao động, hoà nhập với môi trường quốc tế này kia nhiều người đưa ra đều khá nực cười vì nó không phải là cái gốc của vấn đề.

Trong một xu thế mà cái riêng rất được trân trọng mà mình lại bỏ thì đúng là ngớ ngẩn.

Giữ Tết cổ truyền là giữ cái hồn vía của dân tộc, và không thể đẩy lên Tết dương lịch được vì nó không phù hợp về khí tiết và quy luật vận động của trời đất!''

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng – “Chúng ta không cần đổi lịch sử nhưng cần thay đổi ý thức”

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 5

''Với tôi Tết truyền thống như một thói quen, có thay đổi hay không cũng không quan trọng gì. Tôi cũng không ngại đó là sự ảnh hưởng của Trung Hoa, vì theo tôi đó là lịch sử, chúng ta không cần đổi lịch sử nhưng cần thay đổi ý thức, ý thức đó không chỉ nằm ở Tết mà nhiều thứ trong cuộc sống mỗi ngày mới quan trọng.

Trên thế giới có rất nhiều dân tộc, đất nước trong quá khứ ảnh hưởng lớn các nền văn hoá lớn nhưng họ đã phát triển vẫn mạnh mẽ và tách biệt.

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 6

Trở lại Tết, tôi nghĩ điều quan trọng chúng ta cần là có một kỳ nghỉ đủ dài cỡ 2 tuần trở lên, để nghỉ ngơi, nhìn lại, về nhà, đi du lịch... đó là điều cần thiết trong cuộc sống, Theo tôi đó là những điều hay, những điều dở cần phải bỏ là chuyện nhân ngày lễ để biếu xén hối lộ...''

Ca sỹ - nhạc sỹ Hoàng Bách - “Gộp Tết âm lịch vào Tết Dương lịch cũng là một ý hay nhưng chưa nên thay đổi ngay"

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 7

''Về ý kiến không nên ăn Tết cổ truyền nữa mà nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta - theo Tết Dương lịch, theo tôi không phải không có lý bởi đây là cách để hòa nhập kịp với thế giới. Bây giờ thế giới phẳng hơn rất nhiều, nếu chúng ta không thay đổi sẽ bị tụt hậu.

Có những cuộc cách mạng, luồng tư tưởng đi ngược với số đông nhưng không phải bao giờ cũng sai. Cái gì cũng cần có lộ trình làm quen.

Nhưng về mặt cảm xúc, tôi vẫn yêu cái Tết cổ truyền lắm, vẫn có cảm giác mình thuộc về cái Tết của dân tộc.

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 8

Tôi vẫn muốn được đón Tết, muốn ký ức tuổi thơ của các con tôi được gắn với cái Tết Nguyên Đán. Về mặt lý trí tôi lại đề cao ý kiến gộp Tết Cổ truyền với Tết Dương lịch để giảm ngày nghỉ kéo dài lê thê. Nhưng theo tôi chưa nên thay đổi ngay mà cần có thời gian.''

MC Thảo Vân – ‘’Không có lý do gì để bỏ hay thay đổi Tết’’

"Cần giữ Tết truyền thống , không có lý do gì để bỏ hay thay đổi.

Cả năm bận bịu rồi, cái Tết là dịp để người Việt sum họp đoàn viên bên gia đình. Là dịp để con cháu về tri ân ông bà, cha mẹ, để hướng về tổ tiên nguồn cội.

Nếu không có Tết thì chúng ta làm những việc này vào dịp nào?

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 9

Tết là dịp để các thành viên gia đình tổng kết lại những điều làm được và chưa làm được, là thời gian để nhìn lại mình đã đi qua một năm như thế nào.

Tết còn là dịp để chúng ta bày tỏ tấm lòng với những người mình yêu quý, gặp gỡ sẻ chia, đành rằng trong năm chúng ta có thể làm được việc đó, nhưng Tết là một dịp thiêng liêng và được trân trọng hơn.

Bản thân cái Tết rất tuyệt vời, còn buồn chán, mai một, nhạt nhẽo hay hệ lụy kèm theo… là do con người tạo nên.

Tôi vẫn nghĩ nên giữ cái Tết truyền thống nhưng có kể kết hợp cái hiện đại - mùng 1 con cháu có thể tụ họp thăm ông bà cha mẹ, mùng hai có thể xách valy đi du lịch… vẹn cả đôi đường.''

"Muốn bỏ Tết ta, hãy 'ra lệnh’ hoa Đào, hoa Mai… đừng nở nữa’’ ảnh 10

Qua chia sẻ của các nghệ sỹ chúng ta có thể thấy rằng, để thay đổi những giá trị văn hóa truyền thống đã gắn bó với người Việt hàng ngàn năm nay không phải cứ nói là làm được.

Dù những ý kiến đó có mang tính đột phá đi chăng nữa vẫn cần sự đồng thuận của số đông người dân Việt, bởi những gì thuộc về truyền thống làm nên bản sắc văn hóa dân tộc không dễ dàng có thể mất đi.

2017, những người yêu Tết hãy cứ yên tâm tiếp tục đón một cái Tết Nguyên Đán đoàn viên, sum vầy và đầm ấm./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục