Muốn danh chỉ cần... 5 phút

Muốn có danh chỉ cần "làm" tác phẩm 5 phút

'Làm kịch múa vừa tốn tiền, thời gian và công sức, trong khi được giải A tương đương với 8 triệu đồng cũng chỉ bằng tôi làm một tác phẩm 5 phút".
Trẻ, năng động và có tài là những nét phác họa chân dung ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh – Phó Giám đốc Nhà hát Thể nghiệm - Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, tác giả kịch bản đồng thời là tổng đạo diễn và biên đạo vở kịch múa “Chiến thắng mùa hoa đào.” Vở kịch múa hướng tới kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Vở kịch múa này được xây dựng trên nền tảng ý tưởng sáng tác một tác phẩm kịch múa với đề tài lịch sử có quy mô lớn, hoành tráng, sử dụng ngôn ngữ múa dân gian đương đại để ca ngợi Hoàng đế Quang Trung - vị anh hùng dân tộc trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, ca ngợi chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) là chiến thắng thần tốc nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam, oanh liệt nhất và cũng là chiến thắng giặc ngoại xâm cuối cùng của các triều đại phong kiến ở Việt Nam, chấm dứt vĩnh viễn mưu đồ xâm lược của chế độ phong kiến phương Bắc.
Vietnam+ đã trao đổi với ThS Tuyết Minh những chuyện bên lề vở kịch múa này trước buối công diễn ngày 12/10 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Dũng khí không nhất thiết phải là xung đột, chém giếtVì sao chị đặt cho vở kịch múa nói về lịch sử cái tên đầy chất “thơ” như vậy, “Chiến thắng mùa hoa đào”?Ths Tuyết Minh: Tên như vậy mới hợp với múa. Những đoạn tình cảm, tự sự thì múa thể hiện rất tốt nhưng để mô tả một người anh hùng từ khi họ sinh ra cho đến khi lớn lên thế nào thì múa không làm được vì múa chỉ thể hiện được những mảng cảm xúc. Ví dụ như nói về tình yêu đất nước thông qua hình tượng tình yêu đôi lứa, những cái đó không cần lời nói mà chỉ bằng ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ biểu cảm của gương mặt, bằng cảm xúc của người diễn viên... thì múa thể hiện được đẹp nhất. Trong kịch nói, các diễn viên nói lời thoại “Anh yêu em” nhiều khi rất khó, không như múa. Vậy, lời thoại ấy “nói” bằng ngôn ngữ múa sẽ thế nào?Ths Tuyết Minh: Nó sẽ được đẩy tới cao trào. Lúc đó ngôn ngữ cơ thể của hai nhân vật sẽ hòa quyện, quấn quýt vào nhau đưa lại cho người xem những cảm xúc mà bằng kinh nghiệm sống, bằng kiến thức họ sẽ có những cảm xúc, cảm nhận riêng. Vì thế, múa thể hiện những mảng đề tài đó là đẹp nhất. “Chiến thắng mùa hoa đào” mặc dù ca ngợi người anh hùng áo vải Quang Trung nhưng không quá cứng nhắc. Bởi, trong chiến thắng oanh liệt của nhà quân sự tôi lồng vào đấy chất thơ của tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa nhiều hơn để làm nổi bật dũng khí, chứ không nhất thiết dũng khí phải là xung đột, chém giết. Việc đưa những nhân vật của lịch sử và những yếu tố võ thuật vào kịch múa như vậy có khó khăn gì không?Ths Tuyết Minh: Nhiều người cũng hỏi tôi “Ôi, vua Quang Trung mà múa balê thì khó nhỉ?”, vì họ vẫn nghĩ con trai múa balê là phải mặc quần ticô bó sát người rồi nhảy nhót, trông như hoàng tử trong các vở Hồ thiên nga, hay Carmen… của nước ngoài. Nhưng balê ở đây phải là balê của Việt Nam, nói lên tâm tư, tình cảm, cốt cách con người Việt Nam và nói bằng “ngôn ngữ” Việt, chứ không chỉ đơn thuần là một động tác đứng kiễng hay bước nhảy dài... Trong vở kịch múa này, chúng tôi phải kết hợp cả ngôn ngữ múa tuồng truyền thống-bởi trong tuồng đã chứa đựng tinh thần thượng võ rất lớn với hình tượng thường là những võ tướng, và ngôn ngữ múa của dân tộc Việt. Toàn bộ những cảnh võ thuật thể hiện chiến trận tôi phải đưa thành ngôn ngữ múa, dùng chủ đạo nghệ thuật múa tuồng kết hợp với nghệ thuật múa đương đại. Còn múa của dân tộc Việt và nghệ thuật múa tuồng tôi sẽ kết hợp với những kỹ thuật của múa đương đại và múa balê. Tất nhiên, khi đánh võ các diễn viên múa phải giữ những nét khỏe, thô, ráp để người xem thấy được khí thế trận đấu. Muốn có danh tôi chỉ cần làm một tác phẩm 5 phút
Nhưng thực tế công chúng ít có cơ hội tiếp xúc sẽ rất dễ quên kịch múa, chị nghĩ sao về điều này?
Ths Tuyết Minh: Đúng như bạn nói, kịch múa trong nước đang có thực trạng như vậy, nghệ thuật múa quá âm thầm nên được ít người biết đến. Hơn nữa, ở các nhà hát không phải lúc nào cũng có kinh phí để làm kịch múa. Nếu cứ chờ xin Hội (Hội nghệ sĩ múa Việt Nam) thì phải đợi duyệt kịch bản đến nửa năm, kịch bản ấy nếu được còn phải đợi đầu tư kinh phí thêm nửa năm nữa, mà kinh phí liệu có đủ cho vở kịch múa ra đời không lại là một vấn đề khác. Và để đến khi dàn dựng được có lẽ đã mất vài năm, thế thì khó quá. Đó là thực trạng rồi. Trong tháng 9 vừa qua tôi đã có 5 tác phẩm đoạt huy chương, 3 huy chương vàng và 2 huy chương bạc, mà mỗi tác phẩm tôi sáng tác chỉ biểu diễn trong vòng 5 phút thì tôi đã được giải thưởng quốc gia là "Biên đạo múa xuất sắc" rồi. Trong khi nếu tôi làm kịch múa vừa rất tốn tiền vừa tốn thời gian và công sức, được giải A tương đương với 8 triệu đồng, suy cho cùng cũng chỉ bằng tôi làm một tác phẩm 5 phút. Vấn đề ở đây tôi muốn nói không phải chuyện tiền bạc, nhưng để nói đến danh thì tôi cũng chỉ cần làm một tác phẩm 5 phút thôi. Kỳ vọng của chị khi dựng vở kịch múa này là gì khi mà nhiều khán giả nghĩ đơn giản rằng múa chỉ là minh họa cho các ca khúc trong chương trình ca nhạc mà không có nhân vật của múa, cốt truyện của múa, tính kịch, tuyến kịch, mâu thuẫn, xung đột, cao trào, giải quyết… bằng múa?Ths Tuyết Minh: Tôi muốn mang lại cho ngành múa trong nước một hơi thở, một sức sống mới, trẻ trung và sôi động hơn. Như bạn thấy đấy, trong nghệ thuật sân khấu và điện ảnh - truyền hình thì nghệ thuật múa còn quá trầm. Hơn nữa, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long chỉ có một lần, là thời điểm lịch sử vô cùng ý nghĩa, những nghệ sĩ chúng tôi mong muốn được để lại một dấu ấn, giúp công chúng có cái nhìn toàn diện hơn về nghệ thuật múa nói chung và kịch múa nói riêng. Điều đó khẳng định với khán giả nước ngoài là Việt Nam cũng có balê chứ không phải chỉ dàn dựng lại những vở của nước ngoài như Carmen, Hồ thiên nga... Tôi muốn cho họ thấy một “balê made in Vietnam”. Điều thứ ba tôi mong muốn là ngành múa trong giai đoạn lịch sử này cũng sẽ có những hoạt động sôi nổi cùng với các ngành nghệ thuật khác để hướng tới 1000 năm Thăng Long-Hà Nội./.
Vở kịch múa có thời gian lịch sử chủ đạo từ nửa cuối năm Mậu Thân (1788) đến đầu năm Kỷ Dậu (1789), không gian lịch sử chủ đạo là kinh thành Thăng Long và kinh thành Phú Xuân (Huế).

Hình tượng nghệ thuật nổi bật trong vở kịch múa là Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và mối tình với Công chúa Ngọc Hân và chiến thắng thần tốc của Ngài trước 29 vạn quân Thanh vào Tết năm Kỷ Dậu 1789 trên mảnh đất Thăng Long.

Kịch múa gồm 3 hồi, 8 cảnh, quy tụ trên 70 diễn viên múa và 30 nhân viên hậu cần biểu diễn, được diễn liền mạch trong 1 tiếng rưỡi. Vé có bán tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chỉ đạo nghệ thuật: PGS.TS, Hiệu trưởng Trần Thanh Hiệp.
Kịch bản: ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh
Tổng đạo diễn, biên đạo múa: ThS. Nguyễn Thị Tuyết Minh
Trợ lý dàn dựng: Lê Nhật Trường, Nguyễn Mạnh Hùng
Âm nhạc: nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Tiến
Mai Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục