Mưu sinh xứ người, lao động ra về trắng tay

Sau 5 tháng mưu sinh khó nhọc tại Nga, những lao động này phải ra về tay trắng khi 4 tháng tiền lương vẫn chưa được thanh toán.

Trong số 16 lao động xuất khẩu sang Nga gặp khó khăn mà Vietnam+ đã đưa tin, sáng 5/5 vào hồi 9 giờ 30 tại sân bay Nội Bài, 15 người đã trở về Việt Nam an toàn. Sau 5 tháng mưu sinh khó nhọc tại Nga, những lao động này phải ra về tay trắng khi 4 tháng tiền lương vẫn chưa được thanh toán.

Theo phản ánh của người lao động và công ty Vietcom, mọi khó khăn vẫn chưa được tháo gỡ tại Nga. Việc lao động về nước trong khi công ty đối tác vẫn nợ lương làm khó khăn càng thêm chồng chất.

5 tháng khốn khó

Theo phản ánh của những lao động về nước thì họ vừa trải qua những tháng ngày khó khăn kể từ khi bước chân lên máy bay ngày 28/12/2008, và nhiều người trong số họ vẫn còn chưa tin rằng mình đã được về nhà.

Lao động Nguyễn Văn Lượng (quê Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: “Đã có lúc, chúng tôi phải chạy ăn từng bữa.”

Ngay sau khi đặt chân tới Matxcơva, 16 lao động này được người của công ty APC đón và đưa tới làm việc tại một bệnh viện đang sửa chữa. Công việc kéo dài tới ngày 17/2/2009, khi công trình xây dựng trong bệnh viện hoàn thành.

Ngày 18/2, số lao động trên được đưa về chợ Asean tại Matxcơva, tại đây 16 người ở trong một kiốt thuê lại của một Việt kiều. Lao động Nguyễn Ngọc Doanh nhớ lại: "Khi đó, tất cả phải ngủ dưới sàn nhà trong khi diện tích của kiốt chỉ có 16m2. Ngày chỉ được ăn 2 bữa vào 7 giờ sáng và 7 giờ tối, khi đó chúng tôi mới gọi điện về nhà cầu cứu.”

Từ khoảng thời gian đó tới nay, theo lời những lao động này thì cuộc sống họ "thường xuyên trốn chui trốn lủi" để tránh cảnh sát Nga.

Sự việc trở nên tiến triển hơn khi đại diện của công ty Vietcom là ông Trịnh Việt Cường trực tiếp sang gặp lao động vào ngày 16/4, khi đó ông Cường đã trực tiếp liên hệ được công việc mới cho 16 lao động, nhưng cũng chỉ 2 ngày sau thì tất cả cũng bị thôi việc.

Ngày 23/3, 16 lao động lại di chuyển về Trung tâm thương mại Hà Nội, từ thời gian đó tới nay, họ phải chạy ăn từng bữa. Anh Thuật kể: "Có hôm anh em định cầm cố hộ chiếu để lấy tiền ăn. Nhiều anh em đã liên hệ với người nhà để tìm cách gửi tiền sang để chờ đợi qua ngày.”

Về phía chủ lao động tại Nga, các lao động cho rằng ông Đặng Xuân Hữu, người trực tiếp sử dụng họ, không phải là người của công ty APC (đối tác của Vietcom). Anh Nguyễn Văn Lượng nói: “Trên thực tế, có lần ông Hữu nói với chúng tôi rằng, ông Hữu chỉ thuê lại lao động, và không biết công ty APC nào hết.”

Khi trao đổi với Vietnam+, Giám đôc Vietcom Lê Văn Quyền đã quả quyết rằng ông Hữu là người của công ty APC, việc sử dụng 16 lao động của Vietcom đưa sang Nga là hoàn toàn hợp pháp. Và việc trả nợ lương cho lao động là trách nhiệm của công ty APC.

Chia từng đợt để giải quyết

Khi vừa máy bay vừa về đến Nội Bài sáng hôm qua, bên cạnh thân nhân của lao động còn có phía đại diện của Vietcom. Ngay khi tiếp xúc được với lao động, đại diện phía Vietcom đã trao tay mỗi người 200.000 đồng làm lộ phí về nhà. Đồng thời, đại diện Vietcom cũng đưa cho người lao động giấy mời làm việc trong thời gian tới

Theo thông tin ghi trên giấy mời của 15 lao động, công ty Vietcom mời nhiều đợt trong tổng số 15 lao động vào từng thời gian khác nhau.

Về phía lao động, anh Nguyễn Xuân Thiện cho biết: "Quan điểm của lao động là sẽ giải quyết một đợt và cùng làm việc với công ty trong cùng thời điểm."

Phía Vietcom, Phó giám đốc Nguyễn Hữu Thọ thì khẳng định Vietcom sẽ giải quyết công bằng, tuy giấy mời chia thành từng tốp nhưng sẽ không có chuyện hơn thiệt từng người.

Về tiền lương 4 tháng mà phía đối tác là công ty APC nợ lao động, theo ông Thọ, Vietcom sẽ có trách nhiệm thúc giục phía đối tác sớm hoàn trả. Còn chuyện giải quyết giữa Vietcom và người lao động ghi trên giấy mời chỉ là thanh lý hợp đồng lao động.

Phía người lao động yêu cầu bên công ty Vietcom thanh toán đầy đủ tiền lương 4 tháng và số tiền tổng chi phí mà họ đã nộp trước khi đi sang Nga theo hợp đồng với công ty.

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục