Mỹ: 41 ngân hàng bị đóng cửa trong quý đầu năm

Cuối tuần qua, thêm bốn ngân hàng ở ba bang ngừng hoạt động, đưa tổng số ngân hàng Mỹ bị đóng cửa trong quý I lên 41 ngân hàng.
Cuối tuần qua, thêm bốn ngân hàng tại ba bang Georgia, Florida và Arizona phải ngừng hoạt động, đưa tổng số ngân hàng Mỹ bị đóng cửa từ đầu năm tới nay lên con số 41 ngân hàng.

Như vậy, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản cả bốn ngân hàng là McIntosh Commercial Bank và Unity National Bank tại bang Georgia, ngân hàng Key West Bank tại bang Florida và ngân hàng Desert Hills Bank tại bang Arizona.

Các ngân hàng trên đều là những ngân hàng nhỏ, có tổng số tài sản trị giá dưới 360 triệu USD và tiền gửi của khách hàng dưới 340 triệu USD. Sự sụp đổ của bốn ngân hàng trong tuần trước làm cho Quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang giảm khoảng 320 triệu USD.

Trước đó, ngày 19/3, bảy ngân hàng hàng có trụ sở tại năm bang của Mỹ cũng đã bị đóng cửa; trong đó có ngân hàng Advanta có trụ sở tại bang Utah - ngân hàng lớn nhất có tài sản trị giá 1,6 tỷ USD và tiền gửi của khách hàng lên tới 1,5 tỷ USD.

Số tiền bảo hiểm mà FDIC phải trả cho bảy ngân hàng bị đóng cửa cùng ngày lên tới hơn 1.280 triệu USD, trong đó số tiền bảo hiểm trả riêng cho ngân hàng Advanta đã chiếm quá nửa, hơn 635 triệu USD.

Với 41 ngân hàng đổ vỡ trong quý I, Quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang sẽ giảm khoảng bảy tỷ USD. Năm ngoái là năm có số ngân hàng sập tiệm cao nhất gồm 140 ngân hàng với số tiền bảo hiểm mà FDIC trả lên đến hơn 30 tỷ USD, tính từ cuộc khủng hoảng tiền tiết kiệm và tiền vay vào năm 1992.

Theo các cơ quan chức năng, số ngân hàng bị đóng cửa có thể tăng trong những tháng tới, do các ngân hàng càng ngày càng lỗ nhiều, vì ngày càng có nhiều khoản tiền cho vay để mua tài sản thương mại và bất động sản không trả đúng hạn.

Số ngân hàng trong danh sách các ngân hàng "có vấn đề" của FDIC tăng lên con số hơn 700 ngân hàng vào cuối năm ngoái, so với hơn 550 ngân hàng vào cuối quý III/2009.

FDIC dự kiến sẽ phải thanh toán khoảng 100 tỷ USD tiền bảo hiểm do các ngân hàng đổ vỡ trong bốn năm từ năm 2010-2013./.

Kim Yến (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục