Mỹ áp đặt trừng phạt hai bên xung đột tại Nam Sudan

Chính phủ Mỹ tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lãnh đạo của lực lượng chính phủ và phiến quân Nam Sudan.
Mỹ áp đặt trừng phạt hai bên xung đột tại Nam Sudan ảnh 1Binh sĩ quân đội Nam Sudan gác tại Malakal thuộc bang Thượng sông Nile, Nam Sudan. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chính phủ Mỹ ngày 6/5 tuyên bố áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với hai bên xung đột tại Nam Sudan, nhằm vào lãnh đạo của lực lượng chính phủ và phiến quân bị cáo buộc gây nhiều thương vong cho dân thường trong cuộc xung đột kéo dài gần 5 tháng qua tại quốc gia non trẻ nhất thế giới này.

Hai đối tượng bị áp đặt trừng phạt là Marial Chanuong - chỉ huy các lực lượng bảo vệ Tổng thống Nam Sudan, và Peter Gadet - chỉ huy các lực lượng chống chính phủ. Trong đó, Chanuong bị cáo buộc chỉ huy các cuộc tấn công nhằm vào dân thường ở Juba tháng 12/2013 và Gadet bị cáo buộc đứng sau một vụ tấn công ở Bentiu ngày 17/4 vừa qua làm 200 người thiệt mạng.

Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm cấp thị thực vào Mỹ, phong tỏa các tài sản của hai nhân vật này tại Mỹ và cấm các công ty của Mỹ giao dịch với hai nhân vật này.

Phát biểu với báo giới tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh hai nhân vật trên "phải chịu trách nhiệm về tình trạng bạo lực không thể hình dung được nhằm vào dân thường" ở Nam Sudan.

Nam Sudan rơi vào tình trạng bạo lực từ tháng 12/2013, sau khi chính phủ của Tổng thống Salva Kiir cáo buộc các binh sĩ trung thành với cựu Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính. Xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến ít nhất 1,2 triệu người phải đi lánh nạn, đồng thời đẩy Nam Sudan đến bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất châu Phi kể từ thập niên 80 của thế kỷ trước.

Mỹ quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt trên sau khi Ngoại trưởng Kerry tuần trước đã đến Juba và hối thúc hai bên xung đột tại Nam Sudan cùng hạ vũ khí, lập tức chấm dứt các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Đây là lần đầu tiên ông Kerry thăm Nam Sudan trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng đến Juba ngày 6/5 trong nỗ lực chấm dứt xung đột tại Nam Sudan.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết ông đã có cuộc nói chuyện điện thoại với thủ lĩnh lực lượng chống chính phủ ở Nam Sudan, ông Riek Machar và ông này đã đồng ý sẽ đàm phán trực tiếp với Tổng thống Salva Kiir nhằm tìm giải pháp hòa bình chấm dứt xung đột. Tổng thống Kiir trước đó cũng đã cam kết sẽ tham gia các cuộc đàm phán với phiến quân, dự kiến tiến hành ở thủ đô của Ethiopia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục