Mỹ bác dự án đường dầu xuyên quốc gia với Canada

Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu phản đối vệc xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu trị giá hàng tỷ USD chạy từ Canada tới bang Texas của Mỹ.
Ngày 8/3, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu phản đối một kế hoạch có thể cho phép xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu Keystone XL trị giá hàng tỷ USD chạy từ Canada tới bang Texas của Mỹ.

Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 7 tỷ USD này vốn cũng đang bị "treo" từ tháng Một vừa qua do bị chính quyền của Tổng thống Barack Obama phản đối vì lo ngại vấn đề môi trường.

Điều luật bổ sung trên do đảng Cộng hòa đề xuất và nằm trong một dự luật chung về vận tải, đã bị bác bỏ với tỷ lệ 56 phiếu thuận và 42 phiếu chống trong khi cần ít nhất 60 phiếu ủng hộ để được thông qua.

Sau động thái bỏ phiếu chống tại Thượng viện do đảng Dân chủ chiếm đa số, phe Cộng hòa có thể cáo buộc đảng Dân chủ của Tổng thống Obama đã từ chối một dự luật được kỳ vọng sẽ nhanh chóng mang lại 20.000 việc làm cho người lao động Mỹ đồng thời giúp làm giảm giá nhiên liệu trong nước.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Lugar, người đồng bảo trợ điều luật trên, nêu rõ Tổng thống Obama có cơ hội tạo ra hàng nghìn việc làm mới và thúc đẩy tăng trưởng việc làm hơn nữa thông qua dự án trên, song ông đã nhượng bộ trước sức ép của một nhóm các nhà hoạt động môi trường cực đoan khi bác bỏ một dự án có thể mang lại nhiều việc làm và lợi ích an ninh cho nước Mỹ.

Dự án đường ống dẫn dầu xuyên quốc gia hợp tác giữa Mỹ và Canada đã trở thành vấn đề chính trị gây bức xúc tại Mỹ trong thời gian qua.

Theo kế hoạch phác thảo, đường ống dẫn dầu Keystone XL này dài hơn 2.700km chạy từ tỉnh Alberta của Canada tới Vịnh Mexico ở miền Nam nước Mỹ, đi qua 6 bang của Mỹ và kết thúc tại các nhà máy lọc dầu ở thành phố Houston và cảng Athur thuộc bang Texas.

Trong khi các nhà lập pháp của đảng Cộng hòa tích cực ủng hộ và thúc giục Tổng thống Obama phê duyệt dự án, nhiều nhà hoạt động môi trường lại phản đối mạnh mẽ vì lo ngại đường ống này sẽ làm tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ do phải tốn rất nhiều năng lượng để chiết xuất dầu và có thể dẫn tới thảm họa sinh thái nếu xảy ra sự cố tràn dầu, đe dọa tầng nước ngầm tại các bang thuộc khu vực cao nguyên rộng lớn ở miền Trung nước Mỹ cũng như gây nguy hiểm cho các thị trấn ở nông thôn cũng như cho người dân địa phương./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục