Mỹ ban hành sắc lệnh cấm buôn bán ngà voi thương mại

Sắc lệnh hành chính do Nhà Trắng ban hành cấm tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu ngà voi châu Phi vì mục đích thương mại, bao gồm cả các đồ trang trí, có loại trừ cho đồ cổ và một số đồ vật khác.

Mỹ đã chính thức ban hành lệnh cấm buôn bán ngà voi thương mại vào ngày thứ Ba trong một nỗ lực mới hòng giúp các quốc gia châu Phi ngăn ngừa các mối đe dọa với loài này từ những tay săn trộm.

Sắc lệnh hành chính do Nhà Trắng ban hành cấm tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu ngà voi châu Phi vì mục đích thương mại, bao gồm cả các đồ trang trí, có loại trừ cho đồ cổ và một số đồ vật khác.

Các hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp diễn ra chủ yếu do nhu cầu từ châu Á và Trung Đông, nơi ngà voi và sừng tê giác được sử dụng làm thuốc và đồ mỹ nghệ.

Hoạt động săn trộm đã tăng mạnh ở châu Phi trong những năm gần đây, khi các băng nhóm hướng ra thị trường quốc tế béo bở có khi tàn sát cả một bầy voi để lấy ngà.

''Lệnh cấm này là cách tốt nhất giúp đảm bảo rằng các thị trường Mỹ không góp phần vào việc làm suy giảm số voi hoang dã ở châu Phi,'' Nhà Trắng nói trong một tuyên bố.

Nhà Trắng thông báo các cơ quan liên bang sẽ có hành động ngay lập tức để làm rõ một món đồ có thể được coi là đồ cổ hay không.

''Để được xác nhận là một món đồ cổ, đồ vật đó phải hơn 100 năm tuổi và đáp ứng một số yêu cầu theo Luật bảo vệ các loài bị nguy hiểm. Các đơn vị xuất khẩu, nhập khẩu hay người bán giờ có trách nhiệm chứng minh rằng món đồ của họ đáp ứng các tiêu chí này.''

Các biện pháp khác bao gồm hạn chế số lượng voi săn vì mục đích thể thao từ châu Phi nhập khẩu vào Mỹ còn hai con mỗi cá nhân mỗi năm.

Lệnh cấm mới là then chốt trong chiến lược quốc gia mới của Mỹ hòng đối phó tình trạng buôn lậu động vật hoang dã, cũng được công bố ngày thứ Ba và đã có hiệu lực được một thời gian.

Trong chuyến thăm Tanzania năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một sắc lệnh hỗ trợ 10 triệu USD nhằm ngăn chặn tình trạng săn trộm ở châu Phi.

Số tiền đó sẽ được dùng vào việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm hoạch định chiến lược để tấn công các đường dây buôn bán của thị trường rất lớn này, ước tính giá trị từ 7-10 tỉ USD mỗi năm.

''Mỹ sẽ tiếp tục dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu bảo vệ các loài động vật tiêu biểu và bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên của hành tinh chúng ta cho các thế hệ tương lai,'' Nhà Trắng cho biết.

Mỹ là một trong những thị trường lớn nhất cho các sản phẩm hoang dã, cả hợp pháp và bất hợp pháp, theo các quan chức chính quyền Mỹ.

''Nhiều sản phẩm ngà voi và các sản phẩm hoang dã buôn lậu khác đi qua hoặc tới Mỹ và chúng tôi cam kết chấm dứt tình trạng buôn bán bất hợp pháp ngà voi cũng như các sản phẩm hoang dã khác,'' một quan chức nói với các phóng viên.

Một người khác cho biết theo lệnh cấm, việc sở hữu các đồ vật từ ngà voi là hợp pháp, việc cho tặng cho con cái hay cháu cũng là hợp pháp, nhưng bán là bất hợp pháp.

''Chúng ta đang đối mặt với tình hình khi sừng tê giác có giá trị hơn trọng lượng của nó tính bằng vàng. Ngà voi hiện có giá lên tới 1.500 USD một pound (0,45 kg),'' quan chức Mỹ nói. ''Nên chúng tôi tin rằng một lệnh cấm trực tiệp với việc buôn bán ngà voi và sừng tê giác trong nội địa nước Mỹ là phù hợp vì lệnh cấm sẽ giúp việc thực thi pháp luật hiệu quả hơn và cho thấy vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. Chúng ta không thể yêu cầu các nước tiêu dùng sản phẩm này làm điều tương tự nếu chúng ta không tự mình làm trước.''

Quan chức này cho biết hiện còn không tới nửa triệu con voi ở lục địa châu Phi và ''ước tính chúng ta mất 35.000 con voi mỗi năm.''

Quỹ thiên nhiên hoang dã thế giới (WWF) hoan nghênh lệnh cấm của Mỹ và nói đó là một hành động tham vọng.

Chủ tịch và giám đốc điều hành của WWF ở Mỹ Carter Roberts bình luận: ''Hôm nay đánh dấu một cột mốc trọng đại trong cuộc chiến toàn cầu chống lại các tội ác với thiên nhiên hoang dã./.''

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục