Mỹ bắt đầu can thiệp vào Sáng kiến 'Vành đai và Con đường'

Áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, cùng thực tế khiến người ta không khỏi mất dần kiên nhẫn với các lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn buộc các nước Trung và Tây Âu phải cân nhắc lại chiến lược.
Mỹ bắt đầu can thiệp vào Sáng kiến 'Vành đai và Con đường' ảnh 1doanh nghiệp hạt nhân Nuclearelectrica của Romania. (Nguồn: romania-insider.com)

Theo trang mạng scmp.com, cuộc họp của các cổ đông doanh nghiệp hạt nhân Nuclearelectrica của Romania trong tuần tới tại thủ đô Bucharest ban đầu được kỳ vọng sẽ hoàn tất tiến trình đàm phán kéo dài nhiều năm về thỏa thuận cơ sở hạ tầng quy mô với Trung Quốc.

Hiện Nuclearelectrica đang vận hành 2 lò phản ứng, cung cấp 1/5 nguồn cung điện cho cả Romania, và theo biên bản ghi nhớ năm 2015, doanh nghiệp này đã nhất trí cùng Tập đoàn điện lực hạt nhân Quảng Đông (CGN) xây dựng dự án chung nhằm phát triển, xây mới và vận hành 2 lò phản ứng.

CGN sở hữu ít nhất 51% cổ phần của dự án, một mục tiêu nằm trong chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô Sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà Bắc Kinh thúc đẩy.

Tuy nhiên, vào tuần trước, giới chức Romania, một đồng minh thân cận của Mỹ, nói rằng Nuclearelectrica - doanh nghiệp có 80% cổ phần thuộc sở hữu nhà nước - phải tìm một đối tác mới cho các nhà máy điện hạt nhân này, yêu cầu doanh nghiệp “chủ động tiến hành việc rút dần khỏi các cuộc đàm phán với CGN, cũng như hạn chế dần các tác động pháp lý.”

Vài ngày trước đó, Israel, một đồng minh khác của Mỹ, cũng đã quyết định trao gói thầu trị giá 1,5 tỷ USD để xây dựng hạ tầng khử mặn cho một doanh nghiệp nội địa, thay vì công ty con của Tập đoàn CK Hutchison Holding, có trụ sở tại Hong Kong, sau khi Mỹ lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư ngày càng tăng liên quan đến Trung Quốc tại quốc gia này. 

Các nhà phân tích khu vực đánh giá 2 trường hợp trên là bằng chứng nhấn mạnh những mâu thuẫn ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như việc các nước nhỏ hơn đang bị cuốn vào vòng xoáy thù địch của 2 siêu cường. 

Các cuộc đàm phán của Nuclearelectrica ít nhất đã bắt đầu từ tháng 11/2013, thời điểm ông Lý Khắc Cường trở thành Thủ tướng Trung Quốc đầu tiên tới Romania sau gần 2 thập kỷ.

Ca ngợi mối quan hệ với Romania là điều “không thể thiếu” trong mối quan hệ của Bắc Kinh với Đông Âu, cũng như toàn bộ Liên minh châu Âu (EU), Thủ tướng Trung Quốc đã chứng kiến lễ ký hàng loạt thỏa thuận song phương, trong đó có biên bản ghi nhớ về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, văn bản mở đường cho thỏa thuận của Nuclearelectrica. 

Tuy nhiên, triển vọng các hợp tác này trở nên mờ mịt hơn kể từ khi Tổng thống Romania và người đồng cấp Mỹ ký một tuyên bố chung hồi năm ngoái, trong đó kêu gọi tăng cường hợp tác song phương về năng lượng hạt nhân.

Theo trang mạng Hotnews.ro, bất ổn càng gia tăng vào tháng 1 vừa qua, khi Thủ tướng Romania Ludovic Orban cảnh báo chính phủ sẽ rút khỏi thỏa thuận với Trung Quốc bởi “quan hệ đối tác với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ không hiệu quả.”

Theo Andreea Brinza, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, một viện nghiên cứu chính sách của Romania, nhiều người đồn đoán rằng “những khuyến cáo đặc biệt” của Mỹ và EU có thể đã tác động tới quyết định của Bucharest.

Bà nói: “Với những lo ngại này - từ khoản đầu tư của Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở trọng yếu, CGN nằm trong danh sách theo dõi của Mỹ, việc Washington đưa quân đồn trú cũng như triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trọng yếu tại Romania, vấn đề liên quan đến viện trợ quốc gia - tôi cho rằng chính phủ Romania đã quyết định là tốt hơn hết họ không nên tiếp tục dự án với CGN, với cái cớ là các cuộc đàm phán quá khó khăn.” 

[Sáng kiến "Vành đai và Con đường" phiên bản 3: Mối đe dọa với Nhật?]

Jakub Jakobowski, một nhà nghiên cứu làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu phương Đông tại Warsaw, cho rằng Bắc Kinh từng kỳ vọng thỏa thuận với Romania có thể sẽ là hình mẫu thành công cho một dự án hạt nhân Trung Quốc ngay trong lòng EU, và từ đó Bắc Kinh có thể thúc đẩy Romania xúc tiến các đối thoại về năng lượng 17+1 – ám chỉ diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc và các nước Đông Âu.

Ông đánh giá trường hợp của Romania là một ví dụ rõ ràng cho ảnh hưởng của sự thù địch Mỹ-Trung đối với khu vực Trung và Đông Âu. 

Theo Jakobowski, áp lực ngày càng gia tăng từ Mỹ, cùng thực tế khiến người ta không khỏi mất dần kiên nhẫn với các lợi ích kinh tế mà Bắc Kinh hứa hẹn buộc các nước Trung và Tây Âu phải cân nhắc lại chiến lược của mình.

Ông nói: “Nhiều chính phủ quyết định hy sinh một phần quan hệ với Trung Quốc - một mối quan hệ có thể không quá hứa hẹn - nhằm ghi thêm điểm với Washington và Brussels.”

Nhà nghiên cứu này cũng nói thêm rằng không những không có dấu hiệu nào cho thấy các quốc gia tại Trung và Đông Âu sẽ từ bỏ quan hệ an ninh với Mỹ, mà trái lại, hầu hết các quốc gia này đều muốn củng cố quan hệ với Washington trong nhiều vấn đề dễ dẫn đến tranh cãi như mạng lưới 5G và các dự án hạ tầng trọng yếu khác.

Ông nói: “Tuy nhiên, mọi quốc gia đều giao thương với Trung Quốc, cả Mỹ cũng vậy. Bắc Kinh đang nắm mọi thứ, và họ có thể có những cân nhắc thực tế hơn khi hướng đến các vấn đề hợp tác ít nhạy cảm hơn, hoặc thúc đẩy đường lối ngoại giao cứng rắn hơn, với nguy cơ ảnh hưởng tới mối quan hệ với Trung và Đông Âu.”

Những điều tương tự diễn ra với các dự án lớn như thỏa thuận hạt nhân ký với Romania có thể xem là bước lùi với Sáng kiến “Vành đai và Con đường,” một dự án trọng điểm của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm củng cố các kết nối cơ sở hạ tầng dọc châu Á, châu Phi và châu Âu.

Bất chấp ảnh hưởng kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19), Bắc Kinh vẫn dự kiến tiếp tục đổ tiền vào các quốc gia tham gia sáng kiến này.

Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, nước này đã cung cấp 5,23 tỷ USD đầu tư trực tiếp trong các lĩnh vực phi tài chính tại 53 quốc gia dọc tuyến “Vành đai và Con đường,” tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, sáng kiến của Trung Quốc vấp phải rất nhiều tranh cãi, và giới chức Mỹ thường xuyên cảnh báo về các dự án cơ sở hạ tầng có vốn từ Trung Quốc tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á. 

Trong chuyến thăm Warsaw hồi năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố Trung Quốc cùng Nga là 2 mối đe dọa đối với các thành quả về dân chủ và tự do thị trường mà thế giới từng đạt được sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989.

Tháng trước, ông cũng vừa cảnh báo về “ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc” tại Israel, một đồng minh thân cận. Mười ngày sau chuyến đi này của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ, Israel - cũng là một thành viên Sáng kiến “Vành đai và Con đường” - tuyên bố trao gói thầu dự án xây dựng nhà máy khử mặn nước biển trị giá 1,5 tỷ USD cho doanh nghiệp địa phương IDE thay vì đối thủ CK Hutchison Holding.

Carice Witte, Giám đốc điều hành Mạng lưới Toàn cầu và Lãnh đạo Học giả Trung Quốc-Israel, cho rằng các đồng minh của Mỹ như Israel, những nước có quan hệ mạnh mẽ với Trung Quốc, sẽ ngày càng bị đẩy vào tình thế khó xử, nhất là sau khi Bắc Kinh quyết định ban hành luật an ninh quốc gia áp dụng tại Hong Kong.

Bà nói: “Bước đi này, trái hoàn toàn với các cam kết mà Trung Quốc đưa ra khi Hong Kong được Anh trao trả, có thể bị nhiều nước phương Tây xem là bằng chứng chứng minh không thể tin tưởng Trung Quốc sẽ tuân thủ một thỏa thuận nào đó… Điều này ảnh hưởng tới các đồng minh của Mỹ vốn có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, bởi những căng thẳng bắt nguồn từ các bước đi ấy sẽ ngày càng khiến Mỹ có xu hướng gây áp lực với đồng minh.” 

Theo chuyên gia này, Israel cần phải tìm một giải pháp cân bằng, “để đương đầu với áp lực lớn hơn từ Mỹ xuất phát từ các hành động của Trung Quốc,” và đó có thể là cách tiếp cận thể hiện rằng Israel hoàn toàn có cân nhắc tới quan điểm chiến lược của Mỹ, thuyết phục Mỹ rằng họ hiểu và tôn trọng những lo ngại ấy, “với mục tiêu là tiếp tục mở rộng quan hệ làm ăn, trao đổi các vấn đề chuyên môn và học thuật cùng nhiều khía cạnh khác với Trung Quốc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục