Mỹ bị hạ cấp tín dụng sẽ thay đổi tài chính thế giới?

Giới quan sát tài chính đang theo dõi liệu hệ thống tài chính sẽ đi tới một tiêu chuẩn mới hay phải thay đổi cả cơ cấu khi Mỹ bị hạ cấp tín dụng.
Theo báo Bưu điện Tài chính (Canada) ngày 7/8, hệ thống tài chính thế giới buộc phải điều chỉnh sau khi Mỹ bị Standard and Poor's hạ bậc tín dụng từ AAA xuống AA+, điều mà gần đây hầu như ít người ngờ tới.

Quả thực, hệ thống tài chính toàn cầu đã được xây dựng và hoạt động với giả định rằng xếp hạng tín dụng AAA của Mỹ là bất biến.

Tuy nhiên, với động thái trên, các thị trường tài chính toàn cầu phải đối mặt với một thực tế đang thay đổi. Người ta cho rằng, sau khi hạ cấp tín dụng của Mỹ, Standard and Poor's có thể tiếp tục hạ cấp tín dụng của ít nhất một thành viên nữa trong "câu lạc bộ AAA", vốn ngày càng bị thu hẹp. Ví dụ, nếu Pháp bị hạ bậc tín dụng, điều này có thể làm phức tạp những nỗ lực vốn đã mong manh của châu Âu nhằm cứu trợ các thành viên đang gặp khó khăn tài chính của họ.

Vai trò tương lai của các hãng xếp hạng tín dụng cũng sẽ bị xem xét kỹ lưỡng hơn. Hành động của Standard and Poor's có thể góp phần thống nhất hành động của các chính phủ tại Mỹ và châu Âu trong một nỗ lực nhằm phá hoại sự độc quyền và ảnh hưởng của các hãng xếp hạng tín dụng. Điều này cũng sẽ buộc các nhà đầu tư phải làm điều đáng lẽ họ đã phải làm từ nhiều năm trước: tự tiến hành xếp hạng tín dụng của họ một cách thường xuyên, thay vì dựa vào các công ty xếp hạng tín dụng bên ngoài.

Điều đáng quan ngại hơn là sẽ có những bất ổn thực sự do ảnh hưởng hệ thống rộng hơn của thay đổi này. Với việc Mỹ đang chiếm giữ vị trí trung tâm hệ thống tài chính thế giới, việc hạ cấp tín dụng ngày 5/8 sẽ dần làm xói mòn, từ đồng USD như một đồng tiền dự trữ toàn cầu, đến các thị trường tài chính, nơi tốt nhất để các nước khác tìm kiếm đầu tư cho khoản tiền tiết kiệm được kiếm một cách khó nhọc của họ.

Việc hạ cấp này cũng thể hiện sự suy yếu vị thế siêu cường kinh tế của Mỹ, đẩy nhanh việc hướng đến một hệ thống đa cực trong khi làm tăng nguy cơ manh mún kinh tế. Những nhân tố này sẽ dần lộ ra theo thời gian.

Một số ảnh hưởng tức thời sẽ được giải quyết nhờ thực tế rằng không có quốc gia nào khác có khả năng và mong muốn thay Mỹ làm trụ cột hệ thống tài chính toàn cầu. Người ta khó có thể tưởng tượng được cách thức phản ứng của hệ thống tài chính toàn cầu. Có thể là hệ thống này sẽ đi tới một tiêu chuẩn mới, coi AA+ là trung tâm của mình, hay đã đến lúc không tránh khỏi những thay đổi cơ cấu?/.

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục