Mỹ cảnh báo các lệnh trừng phạt Iran sẽ cứng rắn hơn bao giờ hết

Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Iran sẽ cứng rắn hơn những biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trước khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mỹ cảnh báo các lệnh trừng phạt Iran sẽ cứng rắn hơn bao giờ hết ảnh 1Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo TASS, ngày 22/8, nhật báo Wall Street Journal dẫn lời Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông John Bolton cho biết các biện pháp trừng phạt mới của Washington nhằm vào Tehran sẽ cứng rắn hơn những biện pháp trừng phạt đã được áp đặt trước khi ký thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Bolton nhấn mạnh: "Chúng tôi không định dừng lại ở mức trừng phạt như năm 2015, mục tiêu thực sự của chúng tôi là chúng tôi muốn nói không với việc miễn trừ trừng phạt."

Tờ Wall Street Journal lưu ý "trong lịch sử, các chính quyền Mỹ đưa ra miễn trừ đối với các doanh nghiệp, cho phép họ làm ăn với Iran trong một số trường hợp nhất định, trong đó có giao dịch mặt hàng thuốc men và nhân đạo."

Tờ này giải thích hai trường hợp ngoại lệ này "vẫn được duy trì bất chấp các biện pháp trừng phạt mới," tuy nhiên, "các trường hợp khác cho phép doanh nghiệp giao dịch với Iran thông qua chi nhánh nước ngoài" sẽ bị bãi bỏ trong tháng 11 tới.

[Liên minh "NATO Arab" chống Iran của Mỹ có thành hiện thực?]

Hồi tháng Năm vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt cũ sẽ được nối lại, và các biện pháp trừng phạt mới sẽ được áp dụng trong trường hợp Tehran cố theo đuổi tham vọng hạt nhân.

Cùng lúc đó, ông Trump kêu gọi đàm phán một thỏa thuận hạt nhân mới. Một số biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran đã có hiệu lực hôm 7/8 vừa qua, bao trùm lĩnh vực chế tạo ô tô, cũng như giao dịch vàng và các kim loại quý khác của Iran. Hôm 5/11 tới, các biện pháp hạn chế đối với hoạt động xuất khẩu dầu sẽ được áp dụng.

Trong khi đó, các nước còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, gồm Nga, Đức, Anh, Trung Quốc và Pháp, phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận, và cam kết duy trì thỏa thuận này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục