Mỹ chính thức lên tiếng về vụ “cựu binh giả” ở VN

Bộ Quốc phòng Mỹ đã chính thức lên tiếng cho biết "lính Mỹ mất tích" được mô tả trong bộ phim tài liệu "Unclaimed" là giả mạo.
Nhà chức trách Mỹ ngày 2/5 đã chính thức lên tiếng về việc một người đàn ông tự nhận là cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, mất tích sau khi trực thăng của ông trúng đạn, trong một bộ phim tài liệu được chiếu rộng rãi. Theo đó, “cựu binh” này là hoàn toàn giả mạo và ông ta thực ra là người Việt Nam. Bộ phim “Unclaimed” của đạo diễn Michael Jorgensen đã gây ra sự chú ý rất lớn kể từ khi công chiếu trong tuần này, mô tả lại việc phát hiện ra lính Mỹ John H. Robertson, còn sống và hoàn toàn khỏe mạnh ở Việt Nam, 40 năm sau khi được thông báo là đã tử nạn. Nhưng một tuyên bố từ Bộ quốc phòng Mỹ nói người đàn ông xuất hiện trong phim với đoạn “đoàn tụ” đầy nước mắt cùng chị gái, đã được xét nghiệm DNA và thật ra ông ta là một người Việt Nam. “Tất cả những thông tin và tuyên bố liên quan tới Robertson đã được kiểm chứng và xác định là giả mạo,” theo một thông cáo báo chí từ Văn phòng tù nhân chiến tranh/lính Mỹ mất tích ngày thứ Năm, mà AFP nhận được qua đường đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Một đoạn chiếu thử đã được biên tập của bộ phim đăng trên trang web của công ty sản xuất Myth Merchant Films, không cho thấy hình ảnh đầy đủ khuôn mặt của người này, có tên Việt Nam là Dang Tan Ngoc. Theo tài liệu của phía Mỹ, gần 60.000 binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc chiến kết thúc bằng việc nước Việt Nam được hoàn toàn thống nhất. Robertson có mặt trên chiếc máy bay trực thăng H-34 của không quân Việt Nam Cộng hòa trúng đạn tháng 5/1968 và không ai trên chiếc máy bay này còn sống sót. Ông được tuyên bố đã thiệt mạng năm 1976. Bộ phim tài liệu chiếu cảnh chị gái của Roberton đã có cuộc đoàn tụ đầy cảm xúc với người tự nhận là em trai bà. Những nhà làm phim sau đó đăng trên Facebook của họ một tuyên bố nói bộ phim “được sản xuất không phải để giúp đỡ tìm kiếm thân nhân mất tích”. Theo tuyên bố từ phía Mỹ, các điều tra viên đã phỏng vấn người Việt Nam này hai lần, năm 2004 và 2009, sau “những tin tức hiện trường nói ông ta là Robertson.” Các mẫu vân tay lấy ở thời điểm đó không giống với những mẫu của binh sĩ đã mất tích, Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, và DNA “không khớp với bất cứ người thân nào của Robertson.” “Một bộ phim vừa ra mắt gần đây có người Việt Nam này vẫn tiếp tục nhận ông ta là Robertson,” tuyên bố nói. Nếu được xác nhận là Robertson, về lý thuyết người này sẽ được truy lĩnh những khoản tiền lương và trợ cấp mà chính phủ Mỹ trả cho cựu binh.
Mỹ chính thức lên tiếng về vụ “cựu binh giả” ở VN ảnh 1
Hình ảnh trong phim mô tả một "nhân chứng" đi dọc bức tường ghi tên 58.000 binh sĩ Mỹ tử trận
tại Việt Nam
Theo con số của Bộ tư lệnh phụ trách tù nhân chiến tranh, cơ quan quản lý vấn đề tìm kiếm binh sĩ mất tích của Mỹ, có 1.971 người Mỹ đã mất tích ở Việt Nam sau khi im tiếng súng. Thời gian qua, Việt Nam và Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến trong hợp tác mang tính chất nhân đạo như tìm kiếm quân nhân mất tích (MIA); rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục