Mỹ chưa thay đổi chương trình viện trợ cho Ai Cập

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama thông báo chưa thay đổi chương trình viện trợ nhiều tỷ USD của nước này dành cho Ai Cập.
Ngày 8/7, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo chưa thay đổi chương trình viện trợ nhiều tỷ USD của nước này dành cho Ai Cập, bất chấp việc Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ hồi tuần trước.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói rằng vì lợi ích tốt nhất của Mỹ, Nhà Trắng không lập tức thay đổi chương trình viện trợ cho Ai Cập, bất chấp việc Tổng thống quốc gia Bắc Phi này Mohamed Morsi bị lực lượng quân đội lật đổ, bắt giam ngày 4/7 vừa qua.

Người phát ngôn Nhà Trắng cho biết Mỹ vẫn chưa sẵn sàng để mô tả cuộc lật đổ chính phủ của ông Morsi là một cuộc đảo chính vì hàng triệu người Ai Cập vẫn có ý kiến khác nhau về những gì đã và đang diễn ra tại quốc gia vẫn trong tình trạng bất ổn từ khi chính phủ của Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ hồi đầu năm 2011 đến nay.

Ông Carney cho biết Mỹ cần có thêm thời gian để xem xét và theo dõi xem giới chức ở Ai Cập có tiếp tục đi theo con đường dân chủ hay không.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ ra thông cáo báo chí kêu gọi quân đội Ai Cập kiềm chế tối đa trong việc giải quyết làn sóng biểu tình bạo lực mới giữa các phe phái ở Ai Cập, đã làm ít nhất 51 người thiệt mạng.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố chính quyền Obama mạnh mẽ lên án mọi hành động bạo lực.

Cuối tuần qua, Tổng thống Obama đã triệu tập cuộc họp êkíp an ninh quốc gia tại Nhà Trắng để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Ai Cập cũng như các chủ trương chính sách của Mỹ. Một trong những chủ đề được bàn thảo là khoảng viện trợ quân sự 1,3 tỷ USD mà Mỹ đã cam kết cung cấp cho Ai Cập với điều kiện quốc gia Bắc Phi này tiếp tục con đường dân chủ.

Trong tuần trước, các quan chức chóp bu của Nhà Trắng, trong đó có Ngoại trưởng John Kerry đã có các cuộc đàm thoại với các nhà lãnh đạo Ai Cập, Israel và Ngoại trưởng các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Tiểu vương quốc Arập thống nhất để thảo luận về nguy cơ cuộc bạo loạn mà các chuyên gia lo ngại có thể biến thành nội chiến tại Ai Cập. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã có các cuộc đàm thoại với các đồng nghiêp Ai Cập và Israel.

Trước làn sóng biểu tình bạo lực có xu hướng leo thang tại Ai Cập, ngày 8/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ và yêu cầu tiền hành cuộc điều tra độc lập về các trường hợp bạo loạn dẫn tới thương vong.

Tổng Thư ký hối thúc người dân Ai Cập, không phân biệt phe phái, kiềm chế tránh làm tình hình căng thẳng gia tăng. Ông nhấn mạnh các cuộc biểu tình phản đối phải diễn ra trong hòa bình, các bên kiềm chế tối đa, đồng thời cho rằng mọi người dân Ai Cập và các đảng phái chính trị nên hợp tác trên tinh thần xây dựng để tiến tới sự đồng thuận trên con đường khôi phục hoàn bình. Tổng Thư ký nêu rõ các lực lượng an ninh phải tuân thủ luật pháp quốc tế trong xử lý các tình huống an ninh và khẳng định Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ quan ngại về những diễn biến căng thẳng tại Ai Cập. Trong một tuyên bố ngày 8/7, quan chức cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, bà Catherine Ashton đã hối thúc các bên tại quốc gia Bắc Phi tránh những hành động có thể khiến tình hình thêm nghiêm trọng và nhanh chóng hướng tới sự hòa giải dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục