Mỹ có giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?

Mục tiêu rộng lớn hơn của Tổng thống Donald Trump sắp hoàn thành khi các tập đoàn lớn đang tiến hành chuyển các nhà máy của mình ra khỏi Trung Quốc để tránh “cuộc chiến tranh thương mại.”
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2, trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (thứ 2, trái), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (trái) và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (phải) tại vòng đàm phán thương mại ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 31/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng nationalinterest.org đưa tin, theo chuyên gia phân tích Dingding Chen và Tiffany Chen thuộc Viện nghiên cứu Intellisia ở Quảng Châu, 2 năm sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có những hành động trừng phạt đầu tiên đối với Trung Quốc, Mỹ vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến tranh thương mại leo thang mà không có chiến lược, mục tiêu và kết thúc rõ ràng nào.

Hai chuyên gia đánh giá nhà lãnh đạo Mỹ không xác định được thứ ông ta muốn. Trump nhấn mạnh sức mạnh của Mỹ thông qua khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại.”

Cụm từ đó là mơ hồ, nhưng các quyết định chính sách của chính quyền Trump là bằng chứng cho mục tiêu làm tiêu tan các tham vọng của Trung Quốc.

Không nơi nào chính sách đó là rõ ràng như trong lĩnh vực thương mại. Đầu tháng này, đợt tăng thuế mới nhất đối với Trung Quốc đã có hiệu lực.

Mức thuế mới, theo tờ New York Times, đưa mức thuế trung bình đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 21,2%, tăng từ 3,1% khi Trump lên nắm quyền.

Tổng thống Trump, cả trước và sau khi nhậm chức, đều phàn nàn về thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc.

[Mỹ-Trung sẽ tái khởi động đàm phán thương mại trong tháng 10]

Trong năm 2016, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 346,83 tỷ USD. Thâm hụt đứng ở mức 167 tỷ USD trong tháng Sáu vừa qua và có khả năng chỉ còn 33,04 tỷ USD vào cuối năm 2019.

Vì vậy, nếu thâm hụt thương mại là thước đo chính xác - nhiều nhà kinh tế nói nó không chính xác - thì Mỹ rõ ràng không giành chiến thắng. Hơn nữa, Mỹ cũng có vẻ "thua lỗ" nếu hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ là thước đo.

Tuy nhiên, mục tiêu rộng lớn hơn của Trump sắp hoàn thành, đó là “sự chia tách” giữa nền kinh tế lớn nhất và thứ hai thế giới.

Trên twitter hôm 23/8, Tổng thống Trump đã “ra lệnh” cho các công ty Mỹ “ngay lập tức tìm kiếm sự thay thế cho Trung Quốc.”

Mặc dù rút lại bình luận ngay sau đó, Trump đã quay lại chủ đề này vào ngày 1/9 khi ông viết tweet rằng các nhà nhập khẩu nên tìm các nhà máy bên ngoài Trung Quốc để người Mỹ sẽ không phải là “người hầu của Trung Quốc.”

Trump là một nhà cách mạng. Ông Chad Bown thuộc Viện kinh tế quốc tế nói với tờ New York Times: “Chúng ta chưa từng thấy ai làm như vậy ngoài Tổng thống Trump. Mỗi lần tăng thuế đều khiến Mỹ đi theo hướng ngược lại với chính sách thương mại có hàng thập kỷ.”

Cuộc cách mạng của Trump vẫn chưa thành công. Thật khó để tin rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ chấp nhận cải cách kinh tế cơ bản hoặc thậm chí ngừng hoạt động đánh cắp. Do đó, trong những trường hợp này, việc tách rời là có ý nghĩa.

Ông Tập là người bắt đầu tách rời với các chính sách đẩy các công ty nước ngoài ra khỏi Trung Quốc và Trump đang kéo họ ra bằng thuế quan. Bắc Kinh và Washington, giống như trong một trận đấu sống còn, đang tái cấu trúc thương mại toàn cầu.

Các tập đoàn chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh “cuộc chiến tranh thương mại” - mỗi tháng đều chứng kiến những cái tên nổi tiếng rời khỏi đất Trung Quốc - và ít nhất vào thời điểm này, khó có thể nhìn thấy những doanh nghiệp này quay trở lại.

Những người tham gia thị trường không bao giờ muốn thấy những chính sách phá hoại, nhưng một sự sắp xếp lại thương mại toàn cầu đang diễn ra và điều đó sẽ thay đổi lịch sử. Đối với Tổng thống Donald Trump, đây dường như là chiến thắng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục